Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đón các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới: DN vẫn thờ ơ

Thanh Hiền| 27/09/2016 07:03

(HNM) - Bên cạnh những doanh nghiệp (DN) đang nỗ lực chuẩn bị nguồn nhân lực để nắm bắt cơ hội do các FTA thế hệ mới mang lại, thì vẫn còn không ít DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa lại tỏ ra thờ ơ.

"Nước đến chân"... chưa nhảy

FTA Việt Nam - EAEU sẽ có hiệu lực vào ngày 5-10-2016. Theo Ủy ban Kinh tế Á - Âu, thành lập khu vực thương mại tự do giữa EAEU và Việt Nam có thể tăng kim ngạch song phương từ 4 tỷ USD hiện tại lên 8-10 tỷ USD. Ông Đặng Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Âu (Bộ Công Thương) cho biết, với gần 90% dòng thuế được cắt giảm thuế quan nhập khẩu, trong đó 59,3% được xóa bỏ ngay khi FTA Việt Nam - EAEU có hiệu lực là lợi thế lớn cho DN Việt Nam trong việc cạnh tranh. Hơn nữa, là đối tác đầu tiên ký FTA với liên minh này, nên cơ hội dành cho DN Việt Nam rất lớn.

Sản xuất tại Công ty TNHH Cơ khí và tự động hóa công nghiệp Lai Xá, huyện Hoài Đức (Hà Nội). Ảnh: Thanh Hải


Cơ hội đã hiện hữu, nhiều DN đã nỗ lực chuẩn bị tốt cả về nhân lực và nguồn lực để đón những lợi ích các hiệp định mang lại. Theo thống kê của Bộ Công Thương, cả nước có gần 600.000 DN, trong đó 96% là DN nhỏ và vừa, nhưng phần lớn các DN chưa thực sự hiểu, nắm chắc, có hệ thống về hội nhập quốc tế. Cụ thể, nhiều DN không biết sẽ phải làm gì, làm như thế nào khi hội nhập? Không ít DN còn cho rằng, không cần chuẩn bị FTA thì DN vẫn tồn tại. Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập cho rằng, điều này thực sự đáng lo ngại, vì với những FTA đã ký kết, nếu không chủ động, có thể vuột mất khoảng 70% cơ hội xuất khẩu và chỉ tận dụng được 30% ưu đãi?

Càng đi sâu so sánh các chi tiết, càng đáng phải giật mình. Theo xếp hạng năm 2015 của Diễn đàn Kinh tế thế giới, Việt Nam xếp hạng thấp nhất trong ASEAN về chi phí, thời gian DN phải tiêu tốn cho thủ tục thuế ở Việt Nam, cao gấp 10 lần ở Singapore và 5 lần ở Campuchia. Về trình độ marketing, tổ chức và hàng loạt các chỉ tiêu quan trọng khác như thu hút và giữ nhân tài, đào tạo nhân viên, niềm tin để trao quyền cho cấp dưới…, Việt Nam thậm chí kém cả Lào và Campuchia, chỉ hơn Myanmar. Riêng chỉ tiêu xếp hạng "sức khỏe" của hệ thống ngân hàng, Việt Nam cũng đứng hạng chót trong khối ASEAN. Trong TPP, Việt Nam có hạng thấp nhất về bản chất của năng lực cạnh tranh.

“Khi tham gia các FTA, DN Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức từ các hàng rào kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm, kiện bán phá giá...” - ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Hội nhập kinh tế quốc tế TP Hà Nội cho biết. Để hỗ trợ DN, UBND TP Hà Nội chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp với các bộ, ngành liên quan thường xuyên tổ chức tập huấn nhằm cung cấp thông tin, kiến thức về hội nhập cho DN, nhất là các DN nhỏ và vừa, đồng thời tìm hiểu khó khăn của DN trong quá trình chuẩn bị hội nhập, nhưng số lượng DN tham gia vẫn còn khiêm tốn.

Doanh nghiệp cần chủ động

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, DN và Chính phủ Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức, nhưng dường như sự chuẩn bị của các DN chưa xứng tầm. Để tận dụng được cơ hội, việc chủ động thay đổi để vượt qua thách thức là yêu cầu cấp thiết đối với mỗi DN Việt Nam. Theo ông Lương Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Khóa Việt - Tiệp, tiến trình hội nhập đòi hỏi hàng loạt kiến thức quản trị như nghiên cứu thị trường, xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng để từ đó thâm nhập thị trường thế giới với những tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe. Nhà nước chỉ có thể hỗ trợ DN qua việc xây dựng một môi trường kinh doanh minh bạch, thông thoáng, hệ thống pháp luật đồng bộ, hiệu quả. Còn DN cần chủ động cải cách lại tổ chức hoạt động, sử dụng các nguồn lực… chứ không thể trông chờ, ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ.

Chỉ ra những điểm yếu của DN, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng phân tích, có 3 cản trở lớn đối với DN trong nước khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu là vốn, trình độ nguồn nhân lực và công nghệ. Để hỗ trợ DN hội nhập, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đang nỗ lực xây dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, tăng cường cải cách thủ tục hành chính hỗ trợ DN phát triển. Ngoài ra, chú trọng thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, khuyến khích họ tham gia đầu tư vào phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế tạo, chế biến nhằm tạo ra giá trị gia tăng cao cho sản phẩm hàng hóa Việt Nam, đồng thời chuyển giao công nghệ hiện đại cho các DN trong nước. Tuy nhiên, về phía DN cần xây dựng chiến lược sản xuất, kinh doanh hiệu quả, chú trọng đầu tư cho sáng tạo và nghiên cứu phát triển, tập trung nguồn lực vào lĩnh vực chuyên sâu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đón các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới: DN vẫn thờ ơ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.