AFP dẫn lời giới chức Ấn Độ cho biết, ngày 10-3, Ấn Độ và Hiệp hội Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA) đã ký một hiệp định thương mại tự do trị giá 100 tỷ USD để thúc đẩy đầu tư và xuất khẩu.
Theo thỏa thuận này, EFTA, bao gồm Na Uy, Thụy Sĩ, Iceland và Liechtenstein - các quốc gia ngoài Liên minh châu Âu sẽ đầu tư 100 tỷ USD trong vòng 15 năm vào Ấn Độ, nền kinh tế lớn thứ năm thế giới, Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ Piyush Goyal cho biết.
“Hiệp định Đối tác kinh tế và thương mại Ấn Độ-EFTA (TEPA) đánh dấu một cột mốc lịch sử trong quan hệ đối tác ngày càng phát triển của chúng tôi”, Bộ trưởng Piyush Goyal nhận định sau lễ ký kết ở New Delhi và nói thêm rằng, thỏa thuận "sẽ mở đường cho sự tăng trưởng và thịnh vượng chung" bằng cách thúc đẩy xuất khẩu, đầu tư và tạo việc làm.
Thỏa thuận này được ký kết sau nhiều vòng đàm phán kéo dài 16 năm.
Theo một tuyên bố được đọc tại lễ ký kết, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho rằng, hiệp định thương mại “tượng trưng cho cam kết chung của hai bên về thương mại cởi mở, công bằng và bình đẳng”.
Bộ trưởng Kinh tế Thụy Sĩ Guy Parmelin đánh giá, thỏa thuận này "sẽ cho phép chúng tôi tận dụng tốt hơn tiềm năng kinh tế của mình và tạo thêm cơ hội cho cả Ấn Độ và các quốc gia EFTA". Ông nói thêm: “Các nước EFTA giành được quyền tiếp cận một thị trường tăng trưởng lớn. Đổi lại, Ấn Độ sẽ thu hút thêm đầu tư nước ngoài từ EFTA, giúp thúc đẩy thị trường lao động tăng trưởng tốt hơn”.
EFTA được thành lập vào năm 1960 nhằm thúc đẩy thương mại tự do và hội nhập kinh tế giữa các thành viên. Vào năm 2021, khối này trở thành tổ chức kinh doanh lớn thứ 10 trên thế giới về hàng hóa và lớn thứ 8 về dịch vụ.
Trong những năm gần đây, Ấn Độ đã ký các hiệp định thương mại với Australia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.