Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chất lượng 4G vì sao chưa như mong đợi?

Việt Nga| 05/11/2018 06:58

(HNM) - Trong buổi làm việc với một tập đoàn viễn thông (tháng 3-2017), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã chuyển ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các nhà mạng cung cấp dịch vụ 4G phải là 4G thực sự chứ không phải 3G.

Chất lượng dịch vụ 4G chưa ổn định. Ảnh: Thái Hiền


Để đánh giá về chất lượng dịch vụ 4G có thể dựa vào các yếu tố: Cảm nhận của người dùng; cam kết của nhà mạng và kết quả đo kiểm chất lượng dịch vụ của cơ quan quản lý nhà nước. Tại các diễn đàn, chuyên trang về công nghệ, báo chí, ý kiến các thuê bao, chuyên gia, nhà quản lý đều cho rằng, hiện người dùng trong nước chưa được dùng 4G thực sự, còn các nhà mạng đưa ra tốc độ 4G không như cam kết. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Phạm Hồng Hải cũng từng nhận định, chất lượng dịch vụ 4G hiện tại không được tốt.

Một kết quả minh chứng cho nhận định trên do Cục Viễn thông (thuộc Bộ TT-TT) công bố hồi tháng 9-2017, kết quả đo kiểm chất lượng dịch vụ 4G tại Hà Nội cho thấy MobiFone (đạt tốc độ tải xuống và tải lên: 36,91Mbps/s download và 19,28Mbps/s upload) - cao hơn so với Viettel (đạt 34,9Mbps/s download và 16,88Mbps/s upload). Trong khi đó, tốc độ lý tưởng của 4G là 300Mbps/s download và 150Mbps/s upload.

Về phía các nhà mạng, đến nay cả Viettel, MobiFone, Vinaphone đều phủ sóng 4G trên toàn quốc. Trong đó, nếu như Viettel phủ sóng 4G rộng khắp toàn quốc với trên 36.000 trạm thu phát sóng (BTS) 4G; MobiFone và Vinaphone đạt khoảng 30.000 BTS và cung cấp 4G với phương châm bảo đảm sóng tốt nhất ở những nơi có sóng 4G... Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ, dù các nhà mạng đã chi đầu tư lớn cho hạ tầng 4G, nhưng như đã nêu ở trên, chất lượng 4G lại không như mong đợi của khách hàng và như cam kết cung cấp dịch vụ. Vậy đâu là lý do?

Để bảo đảm chất lượng 4G, trong đó có yếu tố quan trọng là tốc độ dịch vụ thì cần có sóng 4G (vùng phủ) và tần số (mà cụ thể là độ rộng băng tần). Mặc dù các nhà mạng đã lắp đặt hàng chục nghìn BTS 4G nhưng tại vị trí, thời điểm khách hàng dùng dữ liệu, sóng 4G yếu, không bảo đảm, 4G tự “nhảy” về 3G.

Về mặt tần số, hiện các nhà mạng thiết lập hạ tầng trên băng tần 1.800MHz dành cho 2G - với độ rộng băng tần khoảng 20MHz, nên ngoài phần dành cho phục vụ thuê bao 2G ra, chỉ còn khoảng 10-15MHz để phát triển 4G.

Với độ rộng băng như vậy, nhà mạng chỉ có thể bảo đảm tốc độ download 100Mbps/s; nếu ít thuê bao 4G, sẽ bảo đảm chất lượng tốc độ cho người dùng, nhưng nếu thuê bao tăng, dùng dữ liệu lớn, tốc độ sẽ không bảo đảm. Do vậy, yêu cầu được đặt ra là muốn có tốc độ 4G thực sự, tần số phải đáp ứng được yêu cầu này.

Để bảo đảm chất lượng dịch vụ 4G cung cấp tới khách hàng, đại diện các nhà mạng cũng đã kiến nghị Bộ TT-TT sớm cấp phép cho các nhà mạng sử dụng băng tần 2.600MHz - băng tần chuẩn cho 4G và 5G sắp tới. Tại cuộc họp cuối tháng 7-2018 tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã yêu cầu Bộ TT-TT phối hợp với các bộ, ngành sớm hoàn thiện các thủ tục pháp lý để cấp tần số 2.600MHz cho các nhà mạng cung cấp dịch vụ, để bảo đảm chất lượng 4G thực sự... Bộ đang xây dựng các phương án, thống nhất với các bộ, ngành để tổ chức cấp phép băng tần 2.600MHz cho doanh nghiệp theo hình thức đấu giá.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chất lượng 4G vì sao chưa như mong đợi?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.