Nếu trước đây doanh thu các dịch vụ truyền thống của nhà mạng chiếm gần 100% thì hiện tại suy giảm đáng kể. Đó là nguyên nhân trực tiếp khiến doanh thu của doanh nghiệp viễn thông tăng trưởng rất thấp trong thời gian qua. Tình trạng này buộc các nhà mạng phải tìm ra những nhân tố đột phá khả thi, những không gian tăng trưởng mới.
Năm 2023, doanh thu chỉ tăng 0,41%
Số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông ghi nhận, năm 2023, tổng doanh thu dịch vụ viễn thông ước đạt 139.260 tỷ đồng, tăng 0,41% so với năm 2022, đạt 99,5% kế hoạch năm 2023. Nộp ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp khoảng 46.000 tỷ đồng, tăng 0,27% và đạt 93% so với kế hoạch.
Theo công bố của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), kết thúc năm 2023, VNPT đạt tổng doanh thu 54.856 tỷ đồng, tăng 2,14% so với năm 2022; lợi nhuận đạt 4.468 tỷ đồng, tăng 0,7%. VNPT nộp ngân sách nhà nước 3.849 tỷ đồng, tăng 12,7%. Đáng chú ý, tăng trưởng doanh thu của VNPT chỉ đạt 98,5% kế hoạch đề ra.
Trong khi đó, Tổng công ty Viễn thông MobiFone đạt tổng doanh thu 25.440 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 1.638 tỷ đồng (năm 2022 nhà mạng này đạt doanh thu 28.329 tỷ đồng, lợi nhuận 2.713 tỷ đồng).
Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) đạt doanh thu 172.500 tỷ đồng, tăng trưởng 5,4%. Tuy nhiên, Viettel không công bố các chỉ số quan trọng khác là lợi nhuận và nộp ngân sách nhà nước. Trước đó năm 2022, Viettel đạt doanh thu 163.800 tỷ đồng, tăng trưởng 6,1%; lợi nhuận trước thuế 43.100 tỷ đồng, tăng 3%; nộp ngân sách nhà nước 38.000 tỷ đồng.
Công ty cổ phần Viễn thông FPT (thuộc Tập đoàn FPT) tuy chưa công bố số liệu cụ thể, song cho biết mảng viễn thông FPT tăng trưởng 10% so với năm 2022 và doanh thu chủ yếu từ dịch vụ trung tâm dữ liệu và hoạt động kinh doanh truyền hình.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, đại diện các nhà mạng cho biết, việc suy giảm mạnh các dịch vụ truyền thống vẫn tiếp tục. Trong khi đó, tăng trưởng các dịch vụ công nghệ thông tin cũng không như kỳ vọng, với việc ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế nói chung khiến khối doanh nghiệp cắt giảm chi tiêu cho chuyển đổi số; thêm nữa, nhiều dự án chuyển đổi số triển khai tại khối cơ quan nhà nước bị chậm tiến độ… Đây là những nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp tới doanh thu của nhà mạng.
Đánh giá về lĩnh vực viễn thông trong thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, tăng trưởng của các nhà mạng rất thấp. Mức tăng của Viettel khoảng 2-5%, VNPT tăng 2-3%, còn MobiFone thì giảm 4-10% mỗi năm. Trong khi đó, một nhà mạng viễn thông thế hệ mới phải đạt mức tăng trưởng 10% mới được coi là tốt và tăng trưởng trên 5% mới được coi là đạt yêu cầu. “Các nhà mạng vẫn chưa có sự phát triển bứt phá, chưa thấy những đường hướng chiến lược, những quyết tâm mạnh mẽ để mở ra một giai đoạn phát triển mới”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ.
Đặc biệt, các nhà mạng chưa tìm thấy không gian tăng trưởng mới, trong khi không gian cũ đã hết dư địa, thậm chí suy giảm. Chẳng hạn các dịch vụ truyền thống là thoại và tin nhắn đã từng chiếm gần 100% doanh thu di động, cơ bản sẽ giảm xuống chỉ còn dưới 10% (hiện đang chiếm 30-40%). Và nếu không sớm mở ra không gian mới thì nhà mạng sẽ không có tương lai.
Tiếp tục đầu tư cho hạ tầng và công nghệ
Về định hướng năm 2024, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn VNPT Tô Dũng Thái cho biết, trong 4 đột phá được tập đoàn xác định, VNPT tiếp tục tập trung vào đầu tư cho hạ tầng và công nghệ theo định hướng của Bộ Thông tin và Truyền thông. Cụ thể, VNPT sẽ tập trung đầu tư cho lĩnh vực băng rộng cố định để tiếp tục giữ vững thị phần số 1 hiện nay; tham gia đầu tư thêm một số tuyến cáp quang biển và đất liền nhằm bảo đảm kết nối internet quốc tế trong mọi tình huống. Cùng với đó, VNPT sẽ tham gia đấu giá tần số 5G, sớm cung cấp dịch vụ này phục vụ khách hàng; tiếp tục đầu tư phát triển trung tâm dữ liệu. VNPT cũng sẽ tiếp tục phát triển các ứng dụng, sản phẩm trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh diện hẹp phục vụ khối khách hàng ở lĩnh vực tài chính - ngân hàng và nông nghiệp…
Đầu tư mạnh cho hạ tầng với việc đưa trung tâm dữ liệu vào hoạt động và triển khai dịch vụ 5G cũng là một trong những định hướng của Tổng công ty Viễn thông MobiFone. Tuy nhiên, theo Phó Tổng Giám đốc MobiFone Bùi Sơn Nam, cùng với việc sẽ tham gia đấu giá tần số sắp tới, nhà mạng này đang nghiên cứu việc hợp tác triển khai 5G theo hướng dùng chung, chia sẻ hạ tầng với các nhà mạng khác để bảo đảm hiệu quả đầu tư, kinh doanh.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT Nguyễn Văn Khoa cho biết, FPT đã định hướng trong năm 2024 tăng đầu tư phát triển tuyến cáp quang biển, cáp quang đất liền để phục vụ khách hàng, bảo đảm ổn định trước mọi sự cố về cáp quang, nhất là đáp ứng nhu cầu hoạt động của các trung tâm dữ liệu, hệ thống tính toán siêu máy tính… Theo kế hoạch, FPT sẽ khai trương trung tâm dữ liệu mới, hiện đại nhất tại thành phố Hồ Chí Minh trong năm nay.
Còn theo Tập đoàn Viettel, trong năm nay, Viettel đặt mục tiêu doanh thu tăng 7,2%; tiếp tục nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài. Đáng chú ý, Viettel cho biết, về hạ tầng, sẽ bảo đảm vùng phủ 4G tương đương 2G và chuyển dịch toàn bộ thuê bao 2G lên 4G trước tháng 9-2024. Ngoài ra, Viettel tiếp tục đặt một số mục tiêu, như vị thế số 1 về thị phần trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ an toàn thông tin ra quốc tế; ứng dụng AI sâu rộng; chính thức công bố hệ sinh thái thiết bị 5G do Viettel sản xuất và đẩy mạnh kinh doanh ra quốc tế…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.