Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần một quyết tâm cao

Hà Trang| 19/04/2023 07:08

(HNM) - Du lịch hiện được xem là ngành mũi nhọn bởi mang lại nguồn thu lớn cho nền kinh tế, tạo việc làm, phát triển các ngành dịch vụ, hoàn thiện cơ sở vật chất, hạ tầng, thúc đẩy hòa bình, giao lưu văn hóa...

Trong quá trình phát triển, mặc dù ngành Du lịch có nhiều cố gắng, đặc biệt là nỗ lực mở cửa lại thị trường rất sớm sau đại dịch Covid-19, nhưng thực tế là năm 2022 vừa qua, nước ta chỉ đón được khoảng 3,5 triệu lượt khách quốc tế, kém xa so với mục tiêu đề ra (đón 5 triệu lượt khách). Du lịch Việt Nam bị đánh giá là “đi trước, về sau” mặc dù mở cửa sớm, thể hiện qua lượng khách quốc tế đạt thấp, tỷ lệ phục hồi du lịch chỉ là 18,1% (trong khi của Singapore là 30,9%, Malaysia là 27,5%, Thái Lan là 22%)...

Nguyên nhân chủ yếu do các doanh nghiệp du lịch Việt Nam vẫn phụ thuộc vào thị trường truyền thống, việc kết nối, khai thác các thị trường mới còn chậm. Công tác xúc tiến quảng bá còn nhiều hạn chế, chưa chuyên nghiệp, chưa bài bản, hiệu quả thấp; mới dừng ở quảng bá hình ảnh chung, chưa tạo được tiếng vang và sức hấp dẫn đặc thù cho từng sản phẩm, thương hiệu du lịch.

Trước thực trạng nói trên, để không tiếp tục bị tụt hậu, đòi hỏi chúng ta phải nhanh chóng có những giải pháp mạnh mẽ trong việc cơ cấu lại ngành Du lịch, bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại, đồng bộ, bền vững và hội nhập để tăng tốc, thu hút khách quốc tế. Trước tiên, các bộ, ngành, cơ quan, địa phương cần tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về du lịch, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và nhất là Nghị quyết số 08-NQ/TƯ ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Cùng với đó là tập trung rà soát, kịp thời cập nhật, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, quy định về du lịch, tạo thuận lợi cho du khách nội địa và quốc tế. Đồng thời, cần nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, giải pháp đột phá để phát triển ngành Du lịch, nhất là khai thác các yếu tố riêng có của Việt Nam; xây dựng cơ chế, chính sách tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, các hộ kinh doanh du lịch tiếp cận các nguồn vốn, gói kích cầu; nâng cao năng lực kinh doanh và chất lượng sản phẩm dịch vụ, phù hợp với nhu cầu và biến động của thị trường.

Đặc biệt, muốn thu hút khách du lịch quốc tế, cần sớm sửa đổi, hoàn thiện chính sách về thủ tục xuất nhập cảnh theo hướng tăng số lượng các quốc gia có công dân được miễn thị thực và kéo dài thời hạn lưu trú phù hợp với lệ phí hợp lý; mở rộng visa điện tử. Mặt khác, cần tạo điều kiện cho các hãng hàng không trong nước, quốc tế mở đường bay, trực tiếp kết nối Việt Nam với các thị trường du lịch trọng điểm, tiềm năng trên thế giới.

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 8-4-2023 về hội nghị Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2023; trong đó giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch; tăng cường liên kết, phát triển các sản phẩm du lịch mới, chất lượng; tổ chức tốt mùa du lịch hè 2023, góp phần phục hồi và phát triển du lịch; tích cực nối lại, mở mới đường bay quốc tế đến những khu vực khách hàng tiềm năng...

Rất cần một quyết tâm cao và sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương, để hoàn thành mục tiêu du lịch Việt Nam trong năm 2023 đón 8 triệu lượt khách quốc tế, 102 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 650 nghìn tỷ đồng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần một quyết tâm cao

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.