Bạn đọc

Cưỡng chế, thu hồi đất tại xã Nam Hồng (huyện Đông Anh):Sớm giải đáp khúc mắc của người dân

Nguyên Hà 29/05/2024 - 07:34

Thông tin đến Báo Hànộimới, đại diện cho hơn 40 hộ dân sống trên khu đất dịch vụ thôn Đìa và thôn Đoài (xã Nam Hồng, huyện Đông Anh) tỏ ra bức xúc khi bất ngờ nhận được thông báo thu hồi đất của chính quyền địa phương để thực hiện dự án xây dựng công viên, bãi đỗ xe, sân thể dục, thể thao…

Tuy nhiên, cơ quan chức năng cho biết việc thu hồi đất để xây dựng công trình phúc lợi là phù hợp quy định pháp luật; chính quyền địa phương thời gian tới sẽ tiếp tục tuyên truyền, giải đáp khúc mắc cho người dân.

thao-do.jpg
Lực lượng chức năng tháo dỡ ki ốt trên đất giao trái thẩm quyền tại thôn Đoài, xã Nam Hồng (huyện Đông Anh).

Theo tìm hiểu, toàn bộ diện tích khu đất dịch vụ thôn Đoài và thôn Đìa có nguồn gốc là đất công do UBND xã Nam Hồng quản lý. Đầu những năm 1990, hầu như toàn bộ diện tích đất nơi đây vốn là ao, hồ, sình lầy. Để tránh tình trạng đất đai bị hoang hóa, từ năm 1996 đến 2003, lãnh đạo hai thôn đã ký hợp đồng cho các hộ thuê để sản xuất, kinh doanh, nhằm phát triển kinh tế địa phương, đến năm 2018 thì chấm dứt hợp đồng, không thu bất kỳ một khoản phí nào về thôn. Điều đáng nói, trong quá trình làm ăn, sinh sống phần lớn các hộ đã xây dựng ki ốt, nhà ở kiên cố. Từ năm 2022, các hộ nhận được thông báo yêu cầu di dời tài sản, bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án.

Bày tỏ lo lắng trước nguy cơ không còn nơi làm ăn, sinh sống, chị Vũ Thị Ngân (một người dân sống trên khu đất dịch vụ thôn Đoài) bộc bạch: Chúng tôi ở đây ổn định đã 30 năm, chỉ biết dựa vào các ki ốt để làm ăn, buôn bán, nuôi sống gia đình. Còn theo ông Hoàng Văn Hùng (cũng ở thôn Đoài), chính quyền thu hồi đất thì cần giải thích rõ cho người dân biết mục đích lấy đất làm dự án gì, khi nào thực hiện…

Ngày 17-5-2024, có mặt ở xã Nam Hồng, phóng viên Báo Hànộimới được biết chính quyền xã đang tổ chức cưỡng chế, tháo dỡ công trình và di dời tài sản, vật liệu ra khỏi khu đất công thôn Đìa. Trả lời phóng viên, Chủ tịch UBND xã Nam Hồng Nguyễn Tiến Dương cho biết, năm 2022, xã Nam Hồng được UBND huyện Đông Anh phê duyệt Dự án xây dựng tiểu công viên, điểm sinh hoạt cộng đồng (bao gồm sân bóng, bãi đỗ xe tĩnh) tại thôn Đìa và nạo vét, cải tạo ao Nhà văn hóa thôn Đìa, nhằm cải tạo không gian công cộng, nâng cao đời sống tinh thần, sức khỏe cho người dân theo nội dung Nghị quyết số 250-NQ/HU ngày 14-2-2022 của Huyện ủy Đông Anh. Để thực hiện dự án, xã Nam Hồng đã triển khai trình tự các bước đầu tư theo quy định.

Cũng theo ông Nguyễn Tiến Dương, chủ sử dụng 42 ki ốt ở khu đất dịch vụ không được nhận tiền hỗ trợ, bồi thường khi bị thu hồi là bởi một phần đất các hộ sử dụng có nguồn gốc là đất ao (đất nông nghiệp), còn lại là đất phi nông nghiệp (đất chuyên dùng khác). Mặt khác, đất của các hộ là do Ban lãnh đạo thôn ký hợp đồng cho thuê để kinh doanh (đến năm 2003 không còn giá trị)...

Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đông Anh Vũ Văn Thành cũng cho hay, việc UBND xã Nam Hồng giải tỏa hai dãy ki ốt, thu hồi lại đất để xây dựng công trình phúc lợi là hoàn toàn phù hợp quy định pháp luật. Bên cạnh đó, biên bản cho thuê mượn trước đây đều thể hiện khi nào nhà nước thu hồi, các hộ phải bàn giao lại đất và không được bồi thường, hỗ trợ nên thắc mắc của các hộ là không có cơ sở để giải quyết.

Được biết, ngày 15-3-2024, UBND xã Nam Hồng đã tiến hành đối thoại với các hộ dân có ki ốt ở thôn Đoài, thôn Đìa. Chính quyền xã tiếp nhận ý kiến của người dân, cam kết sẽ hỗ trợ kinh phí, phương tiện máy móc để tháo dỡ công trình, nhưng đến nay một số hộ vẫn chưa trả lại mặt bằng cho UBND xã. Với quan điểm không để người dân phải bức xúc, gặp khó khăn sau khi bàn giao mặt bằng, ông Nguyễn Tiến Dương cho biết, chính quyền sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động để người dân tháo dỡ công trình vi phạm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cưỡng chế, thu hồi đất tại xã Nam Hồng (huyện Đông Anh): Sớm giải đáp khúc mắc của người dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.