Reuters dẫn lời người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cho biết, các Bộ trưởng Quốc phòng EU đã tranh luận về ý tưởng huấn luyện lực lượng Ukraine ngay tại Kiev và không đạt được quan điểm chung về vấn đề nhạy cảm này.
Vào tháng 2, Pháp cho biết phương Tây không nên loại trừ việc triển khai quân đội tới Ukraine, trong bối cảnh cuộc xung đột với Nga đang diễn ra ác liệt, đồng thời gợi ý việc đào tạo có thể khả thi đối với EU. Động thái đó đã giành được sự ủng hộ từ Ba Lan và các nước vùng Baltic nhưng lại khiến các quốc gia châu Âu khác như Đức bày tỏ lo ngại rằng, sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra xung đột trực tiếp với Nga.
Ông Josep Borrell nói sau khi các Bộ trưởng Quốc phòng gặp nhau ở Brussels (Bỉ): “Về việc thực hiện một phần khóa đào tạo ở Ukraine, đã có một cuộc tranh luận, nhưng không có quan điểm chung rõ ràng của EU về vấn đề đó”.
Một số thành viên EU tin rằng việc huấn luyện tại Ukraine sẽ thực tế hơn, trong khi những nước khác nhấn mạnh rằng việc đưa quân nhân đến Ukraine - ngay cả với tư cách là người huấn luyện sẽ mang lại nhiều rủi ro hơn.
Ngày 27-5, chỉ huy hàng đầu của Ukraine cho biết đã ký quyết định cho phép các giảng viên quân sự Pháp sớm đến thăm các trung tâm huấn luyện của Ukraine.
Theo Bộ Quốc phòng Pháp, ý tưởng tiến hành huấn luyện ở Ukraine "tiếp tục là chủ đề làm việc với người Ukraine, đặc biệt là để hiểu rõ nhu cầu chính xác của họ".
Phát biểu sau cuộc họp ở Brussels, Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Pal Jonson chia sẻ, hiện tại không có đề xuất cụ thể nào trên bàn đàm phán.
Trong diễn biến liên quan, người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Grossi đã có mặt tại lãnh thổ Kaliningrad ở phía Tây của Nga để thảo luận về các vấn đề an toàn liên quan đến nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở Ukraine.
Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi đã gặp Alexei Likhachyov, người đứng đầu Tập đoàn năng lượng hạt nhân Nga Rosatom. Hãng thông tấn RIA Novosti dẫn lời ông Rafael Grossi nói rằng đã đạt được "sự hiểu biết chung" về các bước cần thiết để tăng cường an ninh của nhà máy, nhưng việc khởi động lại nó "dường như là không thể" vào lúc này. Trong khi đó, ông Alexei Likhachyov lặp lại quan điểm của mình về việc khởi động lại nhà máy, nhưng cũng cam kết tình trạng hiện tại của nhà máy là “tuyệt đối an toàn”.
Nhà máy Zaporizhzhia đã bị lực lượng Nga kiểm soát từ đầu cuộc xung đột và tất cả các lò phản ứng đều ở trạng thái ngừng hoạt động. Việc pháo kích thường xuyên xung quanh nhà máy hạt nhân lớn nhất châu Âu đã làm dấy lên mối lo ngại toàn cầu về an ninh hạt nhân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.