Hà Nội hiện có gần 10.000ha trồng bưởi, tập trung ở các huyện: Chương Mỹ, Phúc Thọ, Đan Phượng, Quốc Oai, Phú Xuyên... Nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, thời gian qua, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã hỗ trợ người dân xây dựng các vùng trồng bưởi theo hướng VietGAP, cho năng suất, chất lượng cao, đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm, hướng tới xuất khẩu.
Ít bị sâu bệnh, hiệu quả kinh tế cao
Là địa phương có điều kiện thuận lợi để trồng cây ăn quả, huyện Chương Mỹ đã tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi diện tích đất sản xuất, đất vườn hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây ăn quả, trong đó chủ yếu là cây bưởi. Huyện đã phối hợp với các ngành chức năng mở các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật về cải tạo vườn tạp, chiết, ghép cây bưởi, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp sạch Đức Hậu - Lưu Quang, xã Trung Hòa (huyện Chương Mỹ) Lê Hữu Diện, hợp tác xã có gần 3ha trồng bưởi đạt tiêu chuẩn VietGAP, năng suất cao hơn gấp nhiều lần trồng bưởi thông thường và được các doanh nghiệp thu mua hết. Đặc biệt, quả bưởi trồng theo hướng VietGAP có độ ngọt cao, ít bị sâu bệnh, vỏ vàng, bóng, đẹp, ruột thơm mát, tép bưởi căng mọng, vị ngọt thanh, không he đắng, để càng lâu, càng héo thì ăn càng ngọt.
Tại xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai), trước đây, gia đình ông Phan Nhân Lợi có 400 gốc bưởi Diễn, song, việc tiêu thụ bưởi gặp không ít khó, giá bán thấp. Sau khi được các ngành chức năng giúp đỡ, gia đình ông đã chuyển sang trồng bưởi theo hướng VietGAP, việc tiêu thụ đã dễ dàng hơn và giá bưởi cũng cao hơn khoảng 20% so với bưởi trồng theo phương pháp cũ.
“Để trồng được quả bưởi ngon, đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP, người trồng cần lưu ý đến kỹ thuật bón phân, chủ yếu là bón phân hữu cơ, các loại phân chuồng hoai mục, ngô, đỗ tương ngâm ủ để cây có tỷ lệ ra hoa và đậu quả tốt”, ông Lợi chia sẻ.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Vũ Thị Hương cho biết, Hà Nội có gần 10.000ha bưởi, tập trung ở các huyện: Chương Mỹ, Phúc Thọ, Đan Phượng, Quốc Oai, Phú Xuyên..., với nhiều giống bưởi khác nhau, như: Bưởi Diễn, bưởi đỏ Tân Lạc, bưởi Cát Quế, bưởi vàng… Những năm qua, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã hỗ trợ các địa phương xây dựng những mô hình sản xuất bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, cho giá trị kinh tế cao, đạt khoảng 400-500 triệu đồng/ha/năm…
“Khi tham gia mô hình, người dân được hướng dẫn kỹ thuật, tạo thói quen ghi chép nhật ký chăm sóc cây trồng. Ngoài ra, sản xuất bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP không chỉ tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, mà còn bảo vệ sức khỏe người sản xuất và tốt cho môi trường”, bà Vũ Thị Hương cho hay.
Gắn sản xuất với bao tiêu sản phẩm
Mặc dù hiệu quả kinh tế mang lại khá cao, nhưng diện tích trồng bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP vẫn còn nhỏ lẻ; việc mở rộng diện tích còn hạn chế; người dân vẫn ngại ghi chép sổ sách nhật ký chăm sóc cây trồng...
Để nhân rộng các mô hình sản xuất bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất bưởi an toàn Quế Dương (huyện Hoài Đức) Nguyễn Như Hảo cho rằng, các ngành chức năng cần thường xuyên mở các lớp tập huấn kỹ thuật, quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; hỗ trợ các vùng trồng bưởi đầu tư cơ sở hạ tầng để áp dụng cơ giới hóa và ứng dụng công nghệ cao trong tổ chức sản xuất quy mô lớn; xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho đặc sản bưởi của từng địa phương; xây dựng các mô hình sản xuất bưởi an toàn theo chuỗi liên kết để đưa sản phẩm vào các kênh phân phối hiện đại.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt Đề án phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 và tại vùng Đồng bằng sông Hồng. Trong đó, Bộ đã lựa chọn Hà Nội là địa bàn trọng điểm phát triển cây bưởi. Do đó, thời gian tới, ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương tuyên truyền, vận động người dân lựa chọn cây giống chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của từng vùng, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật sản xuất an toàn, bảo đảm chất lượng. Mặc khác, Hà Nội sẽ mở rộng các mô hình trồng bưởi theo quy trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn VietGAP, gắn sản xuất với bao tiêu sản phẩm.
“Dự kiến trong năm nay, Hà Nội hỗ trợ các địa phương triển khai tại 3 điểm: Xã Quang Minh (huyện Mê Linh), xã Xuân Đình (huyện Phúc Thọ), xã Song Phượng (huyện Đan Phượng), với quy mô 20ha. Để bảo đảm đầu ra ổn định, Hà Nội bố trí cơ cấu giống bưởi chính vụ chiếm khoảng 70% diện tích và rải vụ thu hoạch ở 30% diện tích còn lại. Ngoài các giống bưởi truyền thống, ngành Nông nghiệp bình tuyển, phục tráng các giống bưởi bản địa, đặc sản địa phương; nghiên cứu, chọn tạo những giống bưởi mới, có chất lượng; đồng thời, xây dựng mã số vùng trồng; truy xuất nguồn gốc sản phẩm; có cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư chế biến bưởi, đáp ứng nhu cầu trong nước và hướng tới xuất khẩu...”, ông Nguyễn Mạnh Phương cho biết thêm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.