Góc nhìn

Thay đổi nhận thức về sinh con trai - con gái

Hà Trang 24/05/2024 - 06:17

Theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam sẽ dư thừa 1,5 triệu đàn ông vào năm 2034 và sẽ tăng lên 2,5 triệu vào 25 năm sau đó.

Dư thừa nam giới sẽ khiến nhiều nam giới khó lấy được vợ, từ đó làm gia tăng nạn buôn người và bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, cũng như các hệ lụy khó lường khác.

Mới đây, ngày 22-5, tại diễn đàn Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn chưa giảm gây ảnh hưởng lâu dài đến cơ cấu dân số Việt Nam. Hơn nữa, điều này còn dẫn tới những hậu quả về xã hội và nhân khẩu học, gây bất bình đẳng giới; tỷ số giới tính năm 2023 vẫn như 2 năm trước đó là 112 bé trai/100 bé gái.

Có thể thấy, tình trạng mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam tuy xuất hiện muộn so với các nước nhưng đang tăng nhanh. Nguyên nhân là do định kiến giới, quan niệm trọng nam, khinh nữ đã ăn sâu vào nếp nghĩ của nhiều người. Cũng chỉ vì quan niệm “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, sợ không bằng anh em, sợ phải ngồi "chiếu dưới"… mà nhiều người quyết sinh cho bằng được con trai. Bên cạnh đó, hệ thống an sinh xã hội cho người cao tuổi của nước ta chưa phát triển, ở nông thôn, nhiều người già không có lương hưu, hay trợ cấp xã hội. Tất cả phụ thuộc vào khả năng phụng dưỡng của con cái mà theo quan niệm của gia đình truyền thống, trách nhiệm đó chủ yếu thuộc về con trai. Ngoài ra là việc tiếp cận kỹ thuật mới để lựa chọn giới tính gia tăng mạnh trong thời gian gần đây…

Trước tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ngày càng gia tăng, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách, văn bản để giải quyết vấn đề này như Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Pháp lệnh Dân số, các nghị định, quy định về cấm lựa chọn giới tính khi sinh.

Như vậy, hệ thống pháp luật về bình đẳng giới của Việt Nam là đầy đủ và đồng bộ. Tuy nhiên, tình trạng mất cân bằng giới tính là do hành động của chúng ta còn thiếu quyết liệt. Chính vì vậy, thời gian tới, các địa phương, bộ ngành cũng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình, nhất là việc chấp hành các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi. Nâng cao trách nhiệm quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện cung cấp dịch vụ y tế nói chung và dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình và cơ quan y tế các cấp nói riêng.

Tiếp tục xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, kiểm soát tốt dịch bệnh. Đặc biệt là thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 21-NQ/TƯ ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới, Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2025 và Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030.

Các cấp, các ngành và địa phương cần triển khai có hiệu quả các hoạt động truyền thông, giáo dục nói chung và truyền thông chuyển đổi hành vi về dân số nói riêng với nội dung, hình thức và cách tiếp cận phù hợp với từng vùng, từng nhóm đối tượng, qua đó làm thay đổi nhận thức của người dân về việc sinh con trai hay con gái. Đồng thời, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái cần được nâng cao, hướng đến một xã hội bình đẳng, không còn tình trạng trọng nam khinh nữ gây mất cân bằng giới tính.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thay đổi nhận thức về sinh con trai - con gái

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.