Quy hoạch

Nâng “chất” và “lượng” đô thị hóa Hà Nội

Bảo Hân 29/05/2024 - 06:29

Thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TƯ ngày 24-1-2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; cùng với việc Quốc hội xem xét thông qua dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), cho ý kiến đối với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV, thành phố Hà Nội đang đứng trước cơ hội nâng cả tỷ lệ và chất lượng đô thị hóa, đáp ứng yêu cầu đặt ra là phát triển Thủ đô trở thành đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị.

vanh-dai4.jpg
Thi công Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội tại quận Hà Đông. Ảnh: Viết Thành

Thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm

Giữ vị trí, vai trò đặc biệt, Hà Nội đồng thời có trách nhiệm lớn trong thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TƯ của Bộ Chính trị. Triển khai Nghị quyết, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình hành động số 25-CTr/TU ngày 16-3-2023; UBND thành phố có Kế hoạch số 216/KH-UBND ngày 21-8-2023 thực hiện Chương trình hành động số 25-CTr/TU. Thành phố thống nhất các nhóm nhiệm vụ, giải pháp về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững, giao các sở, ngành hoàn thiện thể chế, chính sách tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hóa.

Theo định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt năm 2011, dự báo tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2020 đạt 58-60%. Tuy nhiên, đến nay tỷ lệ đô thị hóa của Thủ đô mới đạt khoảng 49,2%. Nhìn nhận quá trình phát triển đô thị diễn ra chậm, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy cho rằng, nguyên nhân là do tổ chức không gian đô thị và quy mô đô thị chưa hợp lý, không chỉ ảnh hưởng đến lộ trình phát triển mà còn khiến kinh tế đô thị Hà Nội chưa phát huy được lợi thế.

Tại Kế hoạch số 216/KH-UBND, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa dự kiến đến năm 2025 đạt khoảng 60-62%, đến năm 2030 đạt khoảng 65-75%. Một số chỉ tiêu cụ thể nhằm nâng cao chất lượng đô thị cũng được đặt ra, như đầu tư xây dựng 2-3 khu đô thị mới theo định hướng đô thị thông minh; đến năm 2030, có 3-5 đô thị có thương hiệu được công nhận tầm khu vực và quốc tế…

Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính nhận định, các chỉ tiêu đặt ra của Hà Nội phù hợp với định hướng phát triển đô thị chung của cả nước, đồng thời thể hiện khát vọng của Thủ đô trong triển khai các dự án lớn, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu sánh ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực.

Động lực tạo bứt phá

Giải pháp hàng đầu nhằm đạt các mục tiêu Nghị quyết số 06-NQ/TƯ được chỉ rõ là hoàn thiện thể chế, chính sách tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hóa, quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững. Áp yêu cầu này cho Hà Nội, thành phố hiện đang đứng trước cơ hội hiếm có khi trình Quốc hội thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) với mong muốn tạo ra khuôn khổ pháp lý mang tính chất vượt trội, đặc thù để phát triển Thủ đô.

“Với việc xem xét thông qua dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Quốc hội cũng đồng thời cho ý kiến đối với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Đây là cơ hội rất hiếm để hoàn thiện đồng bộ định hướng và cơ sở thực hiện định hướng phát triển Thủ đô”, Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Cường, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân nêu.

Luật Thủ đô (sửa đổi) cùng các đồ án quy hoạch lớn của thành phố đang được kỳ vọng sẽ tạo khuôn khổ pháp lý cho việc phân định khu vực bảo tồn đúng nghĩa, bảo vệ giá trị lịch sử về Thăng Long - Hà Nội hay các công trình kiến trúc quan trọng, có yếu tố lịch sử. Các khu vực còn lại sẽ được áp dụng mô hình đầu tư cải tạo theo hướng đô thị hiện đại, không để hiện trạng cải tạo, cơi nới tự phát; người dân tự xây dựng theo ý chí chủ quan, không theo tiêu chuẩn quy hoạch của đô thị lớn như hiện nay.

Nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị bền vững cũng đã được Nghị quyết số 06-NQ/TƯ đặt ra và được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của thành phố Hà Nội. Bên cạnh việc hoàn thiện các đồ án quy hoạch lớn, tạo định hướng phát triển tổng thể và dài hạn cho Thủ đô, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết, các đơn vị đã và đang tập trung đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch liên quan chỉnh trang, tái thiết đô thị.

Trong đó, theo yêu cầu, chỉ đạo của UBND thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã cùng các sở ngành đang tập trung hoàn thiện quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; các đồ án thiết kế đô thị, quy hoạch chi tiết các khu vực không gian chức năng, hạ tầng quan trọng của thành phố; triển khai lập danh mục công trình kiến trúc có giá trị, lập các quy chế, quy định quản lý quy hoạch và kiến trúc có liên quan… Thành phố cũng đã khởi công Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội và phối hợp chặt chẽ với các tỉnh liên quan, nỗ lực đưa dự án về đích đúng kế hoạch, mở ra các hướng kết nối, không gian mới phát triển kinh tế -xã hội, đô thị không chỉ cho Hà Nội mà cả Vùng Thủ đô.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nâng “chất” và “lượng” đô thị hóa Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.