Góc nhìn

Khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế

Bắc Vũ 26/05/2024 - 06:34

Nông nghiệp được đánh giá là một trong 3 lĩnh vực (2 lĩnh vực còn lại là công nghiệp và thương mại, dịch vụ) có đóng góp quan trọng vào việc duy trì tăng trưởng kinh tế từ đầu năm 2024 đến nay.

Đáng chú ý hơn, trong báo cáo đánh giá kết quả tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024 được Chính phủ trình tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV, đã khẳng định: Sản xuất nông nghiệp tăng trưởng khá, tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế.

Những con số nổi bật minh chứng cho đánh giá nêu trên là trong 4 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 19,06 tỷ USD, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm 2023; nhập khẩu đạt kim ngạch 14,32 tỷ USD. Như vậy, giá trị xuất siêu ngành Nông nghiệp đạt được là 4,74 tỷ USD, tăng 71,5% - một con số kỷ lục.

Bên cạnh đó, trong cùng thời kỳ nêu trên, sản lượng thu hoạch lúa mùa đạt 13,4 triệu tấn, tăng 7,3%; thủy sản đạt 2,71 triệu tấn, tăng 2,5%... Những kết quả quan trọng này, ngoài đóng góp chủ yếu vào việc gia tăng giá trị, sản lượng nông sản xuất khẩu, lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò trọng yếu trong bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.

Nhìn bức tranh toàn cảnh của kinh tế nông nghiệp trong những năm trở lại đây cho thấy, về lâu dài, việc đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu nông sản vẫn là hướng đi đúng đắn, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của nước ta. Theo đó, bên cạnh các thị trường xuất khẩu truyền thống, ngành Nông nghiệp cần đặc biệt quan tâm đến phát triển thị trường mới, đồng thời chú trọng thị trường 100 triệu dân trong nước, với tầng lớp trung lưu đang ngày càng tăng lên.

Để tiếp tục duy trì tốt đà tăng trưởng xuất khẩu, ngành Nông nghiệp cũng như các cơ quan chức năng cần tập trung xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, thủy sản, nhất là sang các thị trường có nhu cầu lớn như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu; đồng thời, tìm kiếm các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như các nước Hồi giáo, khu vực Trung Đông, châu Phi... Đặc biệt, cần tiếp tục tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản chủ lực và hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp cũng cần phối hợp các bộ, ngành hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài.

Cùng với giải pháp nêu trên, việc nâng cao chất lượng nông sản Việt cũng là một trong những nhiệm vụ cấp thiết. Việc đầu tư sản xuất nông sản sạch đáp ứng yêu cầu của thị trường cần được phát triển sâu rộng, đi đôi với giám sát và kiểm định chất lượng hàng hóa… Có như vậy những sản phẩm sạch, chất lượng cao mới thực sự đứng vững trên thị trường và niềm tin của người tiêu dùng mới được củng cố, gia tăng.

Ở góc độ toàn diện hơn, ngành Nông nghiệp cần tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, gắn kết hữu cơ giữa phát triển nông nghiệp và công nghiệp, dịch vụ, phát triển đô thị và nông thôn; tiếp tục thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Việc tái cơ cấu nông nghiệp cần tập trung mạnh vào đầu tư công và dịch vụ công, tạo môi trường thuận lợi cho hình thành các chuỗi giá trị nông sản dựa trên lợi thế so sánh của từng vùng, miền, địa phương, ngành hàng. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp cũng cần tiếp tục tập trung đầu tư vào kết cấu hạ tầng; nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ sau thu hoạch, chế biến và chế biến sâu nông sản.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.