Góc nhìn

Phải có lối cho người đi bộ

Gia Khánh 28/05/2024 - 06:35

Ngoài các lỗi vi phạm của phương tiện cơ giới, những ngày qua, lực lượng Cảnh sát giao thông đã kiểm tra, xử lý người đi bộ sang đường không đúng quy định. Thực tế, đây là lỗi rất phổ biến, có thể gặp bất cứ đâu. Người đi bộ thản nhiên đi dưới lòng đường cho dù tuyến đường, phố đó có vỉa hè.

Người đi bộ sẵn sàng băng qua đường, bất kỳ đâu, kể cả nơi có cầu vượt dành cho người đi bộ qua đường. Thậm chí, người ta sẵn sàng băng qua đường kể cả nơi đường có dải phân cách, đường nhiều làn, phương tiện đi với tốc độ cao rất nguy hiểm.

Lỗi này thứ nhất xuất phát từ ý thức của người tham gia giao thông. Nhiều người vẫn mặc định phương tiện cơ giới phải nhường phương tiện thô sơ và người đi bộ. Nếu xảy ra tai nạn giao thông thì xe ô tô phải đền xe máy, xe máy phải đền xe đạp, cho nên người đi bộ không cần biết đúng sai.

Thứ hai, ít khi người đi bộ bị xử phạt khi vi phạm quy định, dẫn đến tình trạng thiếu ý thức, vi phạm trở nên phổ biến. Vì thế, khi bị công an nhắc nhở, xử lý, không ít người tỏ ra ngạc nhiên, bất ngờ, không nghĩ sang đường không đúng nơi quy định là vi phạm, gây nguy hiểm cho chính bản thân cũng như các phương tiện đang lưu thông.

Theo quy định, người đi bộ băng qua đường không đúng nơi quy định bị phạt tiền từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng. Người đi bộ đi vào đường cao tốc bị phạt tiền đến 200.000 đồng. Trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ và gây hậu quả nghiêm trọng (như tử vong, thương tích nặng, thiệt hại tài sản lớn...), người đi bộ có thể bị xử lý hình sự, với chế tài cao nhất là 15 năm tù.

Thứ ba, cũng có người hiểu quy định, biết việc sang đường phải đúng nơi, đúng chỗ nhưng nhiều tuyến phố, nhất là ở những nút giao thông lớn, lại thiếu công trình dành cho người đi bộ như cầu vượt hay hầm. Thậm chí, có tuyến phố thiếu vạch kẻ lối cho người đi bộ sang đường, chưa có đèn tín hiệu cho người đi bộ sang đường an toàn. Và có thể thấy rõ nhất là tình trạng vỉa hè bị lấn chiếm lấy chỗ để xe, kinh doanh không còn lối cho người đi bộ, buộc người đi bộ phải đi ở lòng đường.

Với tất cả các bất cập trên, việc khắc phục tình trạng người đi bộ vi phạm quy định an toàn giao thông như hiện nay khó có thể triệt để ngay trong một sớm một chiều. Nó đòi hỏi các cơ quan chức năng phải vào cuộc kiên nhẫn và đồng bộ. Dư luận đồng tình, ủng hộ lực lượng Cảnh sát giao thông tập trung xử lý người đi bộ sang đường không đúng quy định, bởi việc kiểm tra, xử phạt hiện nay là biện pháp tuyên truyền hiệu quả nhất.

Việc kiểm tra cũng phải được thực hiện thường xuyên, dưới nhiều hình thức, tập trung tại các tụ điểm đông người như trước trung tâm thương mại, bệnh viện, trường học; kết hợp với vận động, tuyên truyền, hướng dẫn nhóm đối tượng là người trẻ, học sinh, sinh viên về ý thức tuân thủ quy định an toàn giao thông. Với trường hợp người đi bộ vi phạm nghiêm trọng, cần đưa ra truy tố, xét xử công khai, thông tin rộng rãi về hành vi vi phạm và mức xử phạt để có tác dụng cảnh báo.

Bên cạnh đó, Thủ đô cần dành đầu tư thích đáng để xây dựng công trình cho người đi bộ. Trong lưu thông trên đường, người đi bộ là đối tượng yếu thế, cho nên rất cần công trình để người đi bộ tiếp cận giao thông an toàn, bảo đảm tuân thủ đúng quy định. Trước đây, thành phố Hà Nội đã đầu tư xây dựng rất nhiều cầu vượt bộ hành bằng thép. Mô hình này phát huy hiệu quả nhờ làm nhanh, chi phí thấp, giúp người đi bộ qua đường an toàn, do đó cần tiếp tục được nhân rộng.

Mô hình thí điểm đèn tín hiệu cho người đi bộ sang đường cũng cần được triển khai thêm ở những điểm tập trung đông người, khu vui chơi giải trí, điểm du lịch... Đối với các dự án hạ tầng giao thông mới, cần thiết kế đầy đủ hạng mục cho người bộ hành và đầu tư xây dựng, vận hành đồng bộ.

Tóm lại, xử lý người đi bộ không đúng quy định cũng đồng thời phải có đủ công trình để người đi bộ có thể tuân thủ quy định về an toàn giao thông.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phải có lối cho người đi bộ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.