(HNM) - Một trong những vấn đề đông đảo cử tri quan tâm là cần nâng cao chất lượng đại biểu HĐND các cấp để đại biểu HĐND các cấp xứng đáng là người đại diện ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân.
Xác định đúng vị trí, nhiệm vụ
Thực tiễn hoạt động của HĐND các cấp trên địa bàn TP Hà Nội cho thấy, số đại biểu kiêm nhiệm còn nhiều. Họ vừa đảm nhận vai trò quản lý ở địa phương vừa thực hiện chức năng giám sát của đại biểu. Vì vậy, việc tham gia thảo luận, đóng góp tại diễn đàn kỳ họp hay hoạt động của Thường trực và các ban của HĐND còn hạn chế. Có đại biểu cả nhiệm kỳ không có ý kiến nào phát biểu tại kỳ họp hoặc có tham gia đóng góp nhưng chưa đầy đủ, chất lượng chưa cao. Mỗi năm, Thường trực HĐND thành phố tổ chức ít nhất 4 đợt giám sát; các ban của HĐND tổ chức hàng chục cuộc giám sát, tái giám sát, khảo sát, nhưng số đại biểu kiêm nhiệm tham gia chưa đều đặn; ít có ý kiến mang tính phản biện...
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là đại biểu HĐND nắm thông tin không đầy đủ, chưa kịp thời. Vì kiêm nhiệm nên thời gian, công sức đại biểu dành cho hoạt động của cơ quan dân cử chưa được thỏa đáng, nhất là trong việc tiếp cận thông tin cần thiết để phục vụ hoạt động của đại biểu HĐND...
Cử tri tìm hiểu thông tin về danh sách bầu cử ĐBQH khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Ảnh: Bá Hoạt |
Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Lê Văn Hoạt cho rằng, để HĐND thực sự là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương thì mỗi đại biểu HĐND phải xác định đúng vị trí, vai trò và nhiệm vụ là "người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân địa phương", từ đó chủ động, tích cực tham gia các hoạt động thuộc trách nhiệm của đại biểu, thể hiện đầy đủ quyền hạn của mình trên các lĩnh vực hoạt động của Thường trực HĐND, các ban, tổ đại biểu HĐND và nhiệm vụ của người đại biểu HĐND. Bên cạnh trách nhiệm và nhiệt huyết, yêu cầu công tác còn đòi hỏi mỗi đại biểu phải không ngừng nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị, trau dồi kiến thức, kỹ năng hoạt động. Hiệu quả hoạt động của HĐND được bảo đảm bằng hiệu quả của các kỳ họp HĐND nên đại biểu HĐND phải chủ động nghiên cứu tài liệu, thể hiện đầy đủ trách nhiệm và bản lĩnh của mình trong hoạt động chất vấn; tích cực tham gia thảo luận, tranh luận tại diễn đàn kỳ họp để làm sáng tỏ các vấn đề, cùng HĐND bàn bạc, đi đến quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương.
Tăng số đại biểu chuyên trách
Tại hội nghị triển khai công tác năm 2016 của HĐND TP Hà Nội, Thường trực HĐND các quận, huyện đều bày tỏ mong muốn, nhiệm kỳ 2016-2021 tăng thêm số lượng đại biểu chuyên trách và cơ quan thường trực HĐND. Theo Phó Chủ tịch HĐND huyện Ba Vì Chu Văn Liên, việc chọn, hiệp thương giới thiệu đại biểu bầu vào HĐND, ngoài chuẩn bị đủ số lượng, thành phần, cơ cấu, cần chú ý đến nhân tố của cơ quan thường trực, đại biểu chuyên trách ở các ban. Đây là hai bộ phận quan trọng trong mọi hoạt động, nhất là điều hành kỳ họp, giám sát, tái giám sát… Đối với các ban của HĐND, cần lựa chọn những thành viên am hiểu sâu các chuyên ngành, lĩnh vực hoạt động để khi tổ chức thẩm tra, giám sát, đưa ra thông tin chính xác, luận cứ thuyết phục.
Để nâng cao năng lực và tăng tính chuyên nghiệp của đại biểu HĐND các cấp, cấp ủy cần chỉ đạo quy hoạch những người sẽ ứng cử vào HĐND, nhất là đại biểu chuyên trách. Trong đó, cần cân nhắc để vừa bảo đảm cơ cấu (vùng miền, dân tộc, tôn giáo, các lĩnh vực kinh tế - xã hội quan trọng…) vừa bảo đảm tiêu chuẩn đạo đức, năng lực của đại biểu; không nặng về cơ cấu mà xem nhẹ tiêu chuẩn năng lực.
Để đại biểu thực hiện tốt chức trách của mình, các cơ quan chức năng, HĐND cần cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu cho đại biểu, nhất là các chủ trương, chính sách, văn bản pháp luật mới được ban hành, thông tin về tình hình kinh tế - xã hội của địa phương. Bên cạnh đó, mỗi đại biểu phải chủ động, tích cực nắm bắt thông tin, thực tế của địa phương thông qua hoạt động tiếp xúc cử tri và các hình thức khác để tham gia thực hiện tốt công tác giám sát, thẩm tra, thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng tại kỳ họp. Cùng với đó, cấp ủy, HĐND các cấp quan tâm tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hoạt động cho các đại biểu bằng nhiều hình thức, tạo điều kiện tốt nhất để các đại biểu thực hiện tốt vai trò là người đại biểu của nhân dân.
Thực tế cho thấy, để nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND, vấn đề cốt lõi là nâng cao trình độ, bản lĩnh và kỹ năng hoạt động của đại biểu. Đại biểu HĐND nắm rõ vấn đề, có bản lĩnh và kỹ năng phản biện tốt, đưa ra được ý kiến xác đáng sẽ góp phần quan trọng để HĐND các cấp đưa ra quyết sách đúng đắn, sát thực tiễn, giàu tính khả thi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.