Là tuyến giao thông chính nối trung tâm hành chính của huyện Thạch Thất với trung tâm hành chính của xã, cụm xã hoặc trung tâm hành chính của huyện lân cận, đường huyện có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, hiện nhiều tuyến đường huyện trên địa bàn Thạch Thất còn nhỏ hẹp, quá tải, chưa theo kịp sự phát triển của huyện. Đây là trăn trở của cử tri gửi các cấp có thẩm quyền, mong sớm được xem xét giải quyết.
Những tuyến đường đang dần quá tải
Xã Đồng Trúc (huyện Thạch Thất) có tuyến đường huyện Đồng Trúc - Cẩm Yên, nối từ Khu công nghệ cao Hòa Lạc đến Đại lộ Thăng Long, đi qua 3 xã Tân Xã, Hạ Bằng, Đồng Trúc. Là tuyến đường có rất đông người qua lại, nhưng mặt đường chỉ rộng khoảng 5m nên đã gây ra quá tải ở một số thời điểm nhất định. Một người dân ở xã Đồng Trúc phàn nàn: Mặt tuyến đường quá nhỏ hẹp, vào giờ cao điểm, lưu lượng người, xe khá lớn, gây tắc nghẽn, nhất là tại các điểm ngã ba, ngã tư. Đặc biệt, một số năm trở lại đây, số xe ô tô cá nhân tăng nhanh nên việc đi lại càng khó khăn và bất tiện.
Thừa nhận thực tế này, Chủ tịch UBND xã Đồng Trúc Nguyễn Đình Nghi thông tin: Tuy là xã thuần nông và chỉ có khoảng 8.000 nhân khẩu, nhưng trên địa bàn xã có các tuyến đường nối với nhiều trục đường lớn nên số người qua lại đông đúc. Địa bàn xã có 2 trục đường chính là Đồng Trúc - Cẩm Yên và Đồng Trúc - Cần Kiệm. Trong đó, tuyến Đồng Trúc - Cẩm Yên (đường E) có mặt đường rộng 5m, tuyến Đồng Trúc - Cần Kiệm rộng 7m. Các tuyến này đều đi qua khu dân cư nên thường xuyên đông đúc; có những đoạn 2 xe ô tô đi ngược chiều tránh nhau rất khó khăn.
Cũng chung tình cảnh có trục đường huyện chật hẹp, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Xã (huyện Thạch Thất) Nguyễn Ngọc Quang cho hay: Đường E là trục đường chính của xã, chạy qua địa bàn các xã Tân Xã, Hạ Bằng, Đồng Trúc để đi Đại lộ Thăng Long. Hiện trạng tuyến có lòng đường chỉ rộng 5-7m, hai bên đường nơi có vỉa hè, nơi không. Đáng nói là, do một phần diện tích Khu công nghệ cao Hòa Lạc nằm trên địa bàn xã nên mật độ người dân sinh sống đông, nhiều sinh viên, công nhân ở trọ..., dẫn đến nhiều thời điểm quá tải về giao thông. Khung giờ giao thông ùn ứ, gây nhiều bức xúc cho người dân là khi học sinh, sinh viên tan học, công nhân ở các khu công nghiệp hết giờ làm... Trong khi đó, không ít tuyến đường liên xã, liên thôn cũng chật hẹp, không bảo đảm an toàn giao thông... “Địa phương mong muốn các trục đường huyện qua địa bàn xã sớm được mở rộng, nâng cấp kỹ thuật, có đầy đủ biển báo giao thông, gờ giảm tốc, đèn chiếu sáng... nhằm bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông trên tuyến đường”, ông Nguyễn Ngọc Quang đề xuất.
Đầu tư để đáp ứng nhu cầu phát triển
Trước thực trạng nêu trên, trong nhiều cuộc tiếp xúc cử tri với đại biểu HĐND các cấp của thành phố Hà Nội, cử tri huyện Thạch Thất cùng chung ý kiến cho rằng, theo Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011) và Quy hoạch chung huyện Thạch Thất được UBND thành phố phê duyệt năm 2014, định hướng hệ thống đường huyện qua khu vực nông thôn có bề rộng 7-9m (lòng đường 5-7m). Đến nay, qua thực tiễn và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của huyện cho thấy, bề rộng đường huyện như trên là chưa bảo đảm, nếu không muốn nói là quá nhỏ, không đáp ứng được lưu lượng giao thông cũng như không bảo đảm tốc độ thiết kế khi lưu thông, chưa phù hợp với định hướng phát triển trong tương lai. Do đó, cử tri đề nghị trong quá trình lập Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội, lập quy hoạch vùng huyện, UBND thành phố Hà Nội quan tâm định hướng hệ thống đường huyện có bề rộng tương đương đường phân khu tại khu vực đô thị (bề rộng 7-34m)...
Về ý kiến của cử tri, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Mạnh Hồng khẳng định: Theo Quyết định số 5785/QĐ-UBND ngày 7-11-2014 của UBND thành phố Hà Nội về phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội đến năm 2030, có định hướng quy hoạch các tuyến đường huyện qua khu vực nông thôn phù hợp quy hoạch phát triển đến năm 2030 là 100% đạt tiêu chuẩn tối thiểu đường cấp IV đồng bằng, bề rộng nền 9-12m, mặt đường 7m (2 làn xe).
Trong quá trình thực hiện quy hoạch, đồng thời với định hướng điều chỉnh quy hoạch Thủ đô, UBND huyện đã báo cáo các sở, ngành cho phép điều chỉnh quy hoạch một số tuyến đường huyện như: ĐH05, ĐH07, ĐH08... có mặt cắt 17-25m để triển khai thực hiện.
Ngày 12-1-2023, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng huyện Thạch Thất đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 338/QĐ-UBND. Theo đó, hiện nay, huyện đang trong quá trình tổ chức lập đồ án quy hoạch vùng huyện, với định hướng phát triển giao thông các tuyến đường huyện có quy mô mặt cắt 17-35m.
Chủ tịch UBND xã Đồng Trúc Nguyễn Đình Nghi cho biết, để khắc phục tình trạng quá tải của các tuyến đường huyện, tuyến Đồng Trúc - Cẩm Yên mới được cấp thẩm quyền đầu tư mở rộng lên 17m, hiện dự án đang được triển khai. Bên cạnh đó, trên địa bàn xã còn được đầu tư tuyến mới hoàn toàn - đường ĐH08, là tuyến từ Đồng Trúc nối vào đường H14 đến đường H10. Hiện dự án đang trong quá trình triển khai các bước với thiết kế mặt đường rộng 17m.
Là khu vực có Khu công nghệ cao Hòa Lạc và nhiều xã có làng nghề hoạt động nên nhu cầu mở rộng các trục đường chính là vô cùng cần thiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện Thạch Thất. Mong rằng, với định hướng đã được xác định, các tuyến đường trục huyện trên địa bàn Thạch Thất sẽ sớm được đầu tư, mở rộng đồng bộ, qua đó hỗ trợ đắc lực cho địa phương phát triển toàn diện.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.