Chính trị

Núi vọng, sông rền hào khí Điện Biên

Hà Vân 06/05/2024 09:30

“Và những chị, những anh ngày đêm ra tiền tuyến/ Mấy tầng mây gió lớn mưa to/ Dốc Pha Đin, chị gánh anh thồ/ Đèo Lũng Lô, anh hò chị hát/ Dù bom đạn xương tan, thịt nát/ Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh…”

cover-2(1).jpg

“Và những chị, những anh ngày đêm ra tiền tuyến/ Mấy tầng mây gió lớn mưa to/ Dốc Pha Đin, chị gánh anh thồ/ Đèo Lũng Lô, anh hò chị hát/ Dù bom đạn xương tan, thịt nát/ Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh…” - 70 năm đã qua nhưng những lời thơ của Tố Hữu vẫn luôn rung lên trong mỗi trái tim người Việt Nam niềm kiêu hãnh, tự hào về chiến công hiển hách, tinh thần quật khởi của cha anh trong Chiến thắng Điện Biên Phủ, trở thành một trong những động lực tinh thần to lớn giúp thế hệ hôm nay có thêm điểm tựa, góp sức xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh.

boxtd1.jpg

“Hồng Anh ơi, cô tìm được bố rồi, cô thấy bố cô rồi!”… Người phụ nữ nhỏ nhắn trong bộ đồ bà ba màu hồng đất nghẹn ngào reo trong nước mắt, lật đật chạy về phía cô cháu gái đang đứng giữa những hàng mộ trong Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ để báo tin. Bà là Lương Thị Hải, con gái của một liệt sĩ Điện Biên Phủ. Hai chị em bà Hải đã chờ 70 năm để có được cuộc “hội ngộ” với bố hôm nay. Bố bà, cùng hàng vạn chiến sĩ, đã tham gia vào những trận đánh ác liệt năm xưa và mãi mãi nằm lại tại chiến trường Điện Biên Phủ, để Tổ quốc vang khúc khải hoàn…

Khi “đầu bạc” đi tìm “tóc xanh”

Trong ánh sáng chạng vạng cuối chiều hè, giữa lớp lớp những ngôi mộ vô danh và những vòng khói hương bay tỏa, tiếng reo hòa cùng nước mắt của bà Hải khiến cả nghĩa trang như cũng rung lên nhịp vui, niềm xúc động...

Nhờ có những chuyến hành trình về nguồn nhân 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ do các cấp tổ chức, bà Hải (quê Yên Bái), năm nay 74 tuổi, cùng em gái nay đã ngoài 70, may mắn được lần đầu đặt chân đến Điện Biên. Và cũng nhờ có lần được về Điện Biên này, hai chị em bà may mắn tìm thấy tên bố mình trong danh sách hàng nối hàng tên các liệt sĩ được khắc trên tường bia ghi danh các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trên chiến trường Điện Biên Phủ trong
nghĩa trang.

“Chị em chúng tôi muốn đến Điện Biên từ lâu lắm rồi, nhưng chưa đủ điều kiện, và cũng không biết kiếm bố ở đâu. Đến hôm nay, được sự quan tâm của các cấp, chị em chúng tôi lần đầu về đây kiếm bố. Giờ đến đây, dù rằng không biết mộ bố nằm đâu nhưng có tên bố đây rồi, chị em tôi thật sự an tâm. Tuy không đưa được bố về quê nhưng nhìn thấy tên bố trên bảng vàng của Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ, chúng tôi thấy rất vinh dự, không còn nguyện vọng gì nữa…”, bà Hải nghẹn ngào nói.

z5374299155386_4e96fb18c25d6096de0e0ea6300bc8c9.jpg
Chị em bà Lương Thị Hải, quê Yên Bái, vui mừng khi tìm thấy tên bố mình được khắc trên tường bia ghi danh các liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Điện Biên Phủ.
box-td1(2).jpg

Bố bà Hải là liệt sĩ Lương Bá Hiến. Trong trí nhớ non nớt khi đó, ấn tượng cuối cùng của bà về bố là lần bố từ chiến trường về thăm nhà, em gái còn chưa đầy tháng. Rồi sau đó, tất cả những gì bà biết về người bố anh dũng của mình chỉ gói gọn trong chút thông tin ít ỏi trên tờ giấy báo tử mà gia đình bà nhận khi bà 4 tuổi. Bố đánh trận nào, tham gia chiến dịch ra sao…, 70 năm qua, bà không tìm được bất cứ ai để hỏi, mà cũng không có điều kiện để tìm hiểu. Bà chỉ biết mình là con liệt sĩ, và cảm nhận được vinh quang của bố, niềm tự hào của gia đình người có công qua sự quan tâm, tri ân của Đảng, Nhà nước, qua những chế độ, chính sách nhận được hằng tháng, hằng năm, qua những sẻ chia, hỗ trợ của bà con làng xóm…

“Đến giờ này thì chẳng có gì để làm kỷ niệm cho bố. Bố cũng chẳng có kỷ niệm gì cho con…”, bà Hải hướng ánh nhìn về những hàng mộ, câu nói nghẹn giữa chừng.

Giống bà Hải, ông Ngô Trí Phúc (quê Thanh Hóa) cũng là con liệt sĩ. Bố ông, liệt sĩ Ngô Trí Lan, lái xe cho Hội đồng cung cấp Mặt trận trung ương, hy sinh trên đường 41 thuộc tỉnh Lai Châu (bây giờ là tỉnh Lai Châu và tỉnh Điện Biên).

Khi nhận giấy báo tử, cậu bé Phúc mới 14 tuổi nên cũng không biết bố hy sinh ở đâu. Ký ức rõ nhất trong ông về những trận đánh ác liệt nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa chính là qua bức thư bố gửi về từ mặt trận. Bức thư được chuyển về trường cấp 2, nơi ông theo học khi đó, không lâu trước khi bố hy sinh. Trong thư, người bố cho biết rất nhiều đồng đội đang xông pha nơi chiến trường và dặn con: “Ở nhà đang thực hiện cải cách ruộng đất, con phải tham gia tích cực!”…

z5374513508427_bd789383b90ab2f5b58969be134e5f1c.jpg
Ông Ngô Trí Phúc (con liệt sĩ Ngô Trí Lan hy sinh tại Chiến trường Điện Biên Phủ) thăm Nghĩa trang Liệt sĩ Điện Biên Phủ.
box-td2(1).jpg

“Đến giờ, tôi cũng chưa biết bố tôi có nằm ở nghĩa trang nào của Điện Biên hay không, vì trong giấy báo tử ghi bố tôi hy sinh khi đang làm nhiệm vụ trên đường 41, mà đường này trải dài từ Hòa Bình, đến Sơn La, Điện Biên, Lai Châu và sang đến giáp Lào. Tôi đã từng tìm đến ngã ba Cò Nòi (huyện Mai Sơn, Sơn La) và nhiều nghĩa trang ở Điện Biên, Lai Châu. Tôi đã thắp hương, đi từng cây số đường để tìm bố... nhưng đều không thấy. Đồng đội cùng chiến đấu với bố tôi ngày đó, biết bố tôi hy sinh cũng đã qua đời, manh mối tìm bố không còn nữa... Nhưng niềm an ủi lớn nhất đối với tôi là tôi tin bố đã được hội ngộ cùng đồng đội, nằm lại với bờ cõi non sông đất nước, cùng với chúng tôi xây dựng Tổ quốc ngày một đẹp tươi…”, ông Phúc vừa nói, vừa thắp những nén tâm hương lên các nấm mộ vô danh trong Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ.

Sống sao cho xứng đáng

Tất cả ký ức về cuộc chiến Điện Biên Phủ của những người con có bố tham gia chiến trận như bà Hải, ông Phúc chỉ là những mảnh ghép nhỏ, ít ỏi như thế. Cuộc chiến mà bố họ đã tham gia, đã ngã xuống cho đất nước có ngày khải hoàn, sau này họ mới được nghe kể lại qua lời các chiến sĩ Điện Biên, qua sách vở… Nhưng họ đã luôn sống với niềm tự hào: Con chiến sĩ Điện Biên, con liệt sĩ.

Với bà Hải, mất bố, rồi mẹ đi bước nữa từ khi còn nhỏ, hai chị em bà đã trải qua những tháng ngày vất vả, nương tựa vào sự chăm lo của hai bên nội, ngoại và chế độ dành cho gia đình người có công để
lớn khôn.

Tấm gương hy sinh của bố, ý thức về con liệt sĩ chính là sức mạnh và động lực lớn nhất giúp bà vượt lên hoàn cảnh và trưởng thành. 17 tuổi, bà đã chọn ghi tăng thêm cho đủ 18 tuổi để xin đi làm. Ngày ấy, con thương binh, liệt sĩ rất được ưu tiên nên bà đã tìm được một công việc phù hợp trong Nhà nước và cứ như vậy, tận tụy lao động đến lúc nghỉ hưu.

“Bây giờ, tôi đang được hưởng lương theo chế độ của Nhà nước. Thu nhập tuy không dư dả, tạm gọi là đủ sống, nhưng tôi cũng chưa từng nghĩ đến việc đòi hỏi gì từ xã hội, đều là thân tự lập thân”, bà chia sẻ.

Và noi gương bố, trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, bà Hải cũng đã góp sức nhỏ bé cùng cả nước bước vào cuộc chiến, đi đến ngày thống nhất non sông.

Với ông Phúc, ấu thơ được sống với bố, ảnh hưởng mạnh mẽ bởi những lời dạy của bố đã thôi thúc ông phải học thật tốt để trở thành người có ích cho xã hội. Trong suốt những năm ngồi trên ghế nhà trường, cậu bé Phúc luôn là một học sinh ngoan, xuất sắc, sau này trở thành nhà khoa học có tiếng về công nghệ luyện kim.

“Ngày đó, theo lời bố, tôi đã tham gia tích cực cho cải cách ruộng đất ở quê. Tôi cũng được Nhà nước cấp học bổng trong các năm học cấp 2, cấp 3, mỗi tháng đều được 12kg gạo. Nhờ sự quan tâm đó, cùng công nuôi dạy của hai người bác và nỗ lực của bản thân, tôi đã đỗ vào trường cấp 3 Lam Sơn - ngôi trường nổi tiếng lúc đó thu hút nhiều học sinh giỏi của tỉnh Thanh Hóa và các khu vực xung quanh, thật sự rất vinh dự”, ông Phúc kể.

Sau đó, ông Phúc cũng là một trong số ít học sinh phổ thông của cả nước được Nhà nước cử đi học nước ngoài khi đó. Ông đã được học ở Trung Quốc, rồi Liên Xô; có quãng thời gian tu nghiệp ở Pháp, Đức… và ghi dấu ấn lớn nhất trong cuộc đời mình bằng 40 năm cống hiến cho sự nghiệp giảng dạy tại Đại học Bách khoa Hà Nội.

Luôn được căn dặn mình là con liệt sĩ nên phải chăm chỉ, trong những năm học ở nước ngoài cho đến khi về nước, tham gia giảng dạy tại Đại học Bách Khoa, ông luôn thấm nhuần điều đó, cố gắng làm việc hết sức mình.

“Tôi rất tự hào vì bố và những đồng đội của bố đã hy sinh để có chiến thắng Điện Biên. Nhờ đó, mà bây giờ, đất nước ta khác xưa nhiều lắm, đều xuất phát từ chính mảnh đất Điện Biên Phủ này. Tôi càng thấy trách nhiệm của tôi phải làm gì, nếu còn sống ngày nào thì phải dạy các học trò như thế nào, hỗ trợ các đồng nghiệp ra sao, góp sức xây dựng Tổ quốc như thế nào…”, ông Phúc nói với niềm tự hào và cả niềm trăn trở về trách nhiệm xã hội của mình.

boxtd2.jpg

Những người con chỉ còn lại mảnh ghép ít ỏi về một thời bố mình đã sống, chiến đấu và hy sinh cho Tổ quốc như bà Hải, ông Phúc không hiếm. Nhưng những người đã trải qua những giây phút “vào sinh ra tử” để có thể cùng đồng đội, đồng bào hô vang hai từ Chiến Thắng, đến hôm nay, thật sự không còn nhiều. Chúng tôi may mắn gặp lại một nhân chứng lịch sử vô giá như vậy ngay giữa lòng chảo Điện Biên: Cụ Bùi Kim Điều, năm nay đã 95 tuổi.

Những trận chiến không quên

Cụ Bùi Kim Điều (sinh năm 1930), nhập ngũ tháng 2-1952, là chiến sĩ thông tin ở Đại đội 405, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Kỷ niệm đầu tiên của cụ tại chiến trường là được tham gia trận chiến mở màn tại “cánh cửa thép” Him Lam, với chiến thắng oanh liệt, song cũng có nhiều đau thương, mất mát.

z5374517145628_87f33785194c3b33c5b51ea317589aa8.jpg
Cụ Bùi Kim Điều.
boxtd5.jpg

Cụ Điều nhớ lại, đúng 17 giờ 5 phút ngày 13-3-1954, sau hiệu lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, 40 khẩu pháo cỡ nòng 75 đến 120 ly đồng loạt nhả đạn vào các vị trí của quân Pháp trong cứ điểm Him Lam, bộ đội ta xuất kích, bắt đầu trận đánh mở màn của Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trận đánh cứ điểm Him Lam kéo dài đến 23 giờ 30 phút đêm ngày 13-3-1954. Kết quả, Đại đoàn 312 đã hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt trung tâm đề kháng cứ điểm Him Lam, diệt 300 tên địch, bắt 200 tên, thu toàn bộ vũ khí, trang bị...

Để có được chiến thắng quan trọng này, quân đội ta, dưới sự chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đã thực hiện một quyết định thần tốc: Chuyển từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”; đồng thời, có sự thay đổi chiến thuật nhất định nhằm đánh lừa địch.

Trận đánh mở màn thành công giòn giã ngoài mong đợi, song, quân đội ta vẫn có những hy sinh, mất mát, trong đó sáng chói nhất là sự hy sinh của Anh hùng liệt sĩ Phan Đình Giót đã lấy thân mình lấp lỗ châu mai. Nếu không có Phan Đình Giót nhanh trí, dũng cảm, chắc chắn, trận đánh mở màn chiến dịch của quân đội ta sẽ còn dài hơi hơn và còn thiệt hại, đau thương, mất mát nhiều hơn cả về người và của.

Sau thắng lợi vang dội ban đầu cổ vũ mạnh mẽ tinh thần chiến đấu của quân và dân ta, đơn vị cụ Điều được giao nhiệm vụ tiếp tục bao vây đánh chiếm đồi Độc Lập. Lúc này, do bom đạn phá hủy làm mất thông tin liên lạc, có một công văn khẩn từ tiểu đoàn cần gửi về trung đoàn xin chi viện vũ khí. Cụ Điều cùng hai đồng chí nhận nhiệm vụ làm giao liên đưa công văn.

“Từ tiểu đoàn xuống trung đoàn chỉ vài ki lô mét nhưng chúng tôi phải chạy, luồn lách qua giao thông hào, lúc không có giao thông hào thì phải khom lưng chạy trong mịt mù của các quả đạn pháo binh. Lúc này, hai đồng chí bị thương nặng, còn lại một mình tôi, cũng bị thương nhưng chỉ mất miếng da, không vào đến xương nên vẫn di chuyển được. Trong đầu tôi khi đó chỉ nghĩ phải nhanh chóng đưa kịp công văn hỏa tốc, tôi tự băng bó vết thương, sau đó nhảy lò cò, bò dọc theo giao thông hào đi được tới chỗ chỉ huy trung đoàn, giao công văn đó cho đồng chí Trung đoàn trưởng rồi ngất lịm đi…”, cụ Điều nhớ lại, cho chúng tôi xem vết sẹo lớn gần đầu gối.

Và với tinh thần “không có gì quý hơn độc lập, tự do, mất độc lập, tự do là mất tất cả”, các chiến sĩ Điện Biên đã lần lượt vượt qua từng thử thách, bách chiến bách thắng trong mỗi trận, kết thúc chiến dịch sau 56 ngày đêm. Thời khắc chiến dịch kết thúc là lúc chiến trường bỗng kéo dài chuỗi lặng im không một tiếng súng, tiếng bom. Đó là khi De Castries xin hàng, hàng binh kéo ra… Và rồi từ các chiến hào, từ bốn phía chiến trường, quân đội ta, dân công ta… ào ra, khắp nơi rền vang lời reo chiến thắng…

“Chiến dịch giành thắng lợi, ngày 13-5-1954, đơn vị chúng tôi được mừng chiến thắng ở Mường Phăng, do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chủ trì. Chúng tôi được Đại tướng khen ngợi, biểu dương thành tích. Đơn vị có 5 anh hùng được tuyên dương. Đại đoàn được Bác Hồ ủy nhiệm cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao lá cờ “Quyết chiến - Quyết thắng”, cụ Điều kể, giọng sang sảng, say sưa như thể chuyện mới diễn ra hôm qua.

Và từ lá cờ “Quyết chiến - Quyết thắng” trên đỉnh Him Lam đến lá cờ "Quyết chiến - Quyết thắng" cắm trên hầm chỉ huy của De Castries đã đánh dấu bước nhảy vọt của quân đội ta đủ sức tiêu diệt một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của địch ở Đông Dương, khép lại 9 năm kháng chiến trường kỳ bằng chiến thắng Điện Biên Phủ - một trong những đỉnh cao chói lọi, kỳ tích vẻ vang trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc.

tuong-dai-chien-thang-dien-bien-phu-nam-giua-trung-tam-thanh-pho-dien-bien-trang-le-ghi-dau-tich-hao-hung-cua-dan-toc-trong-lich-su-dung-nuoc-va-giu-nuoc-chong-quan-xam-luoc..jpg
Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ nằm giữa trung tâm thành phố Điện Biên Phủ, ghi dấu tích hào hùng của dân tộc trong lịch sử dựng nước và giữ nước chống quân xâm lược.

Tự hào đất nước đổi thay

Vượt qua những khốc liệt, hoang tàn, đổ nát của chiến tranh, 70 năm sau giải phóng, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên đã vươn mình thành một thành phố căng tràn sức sống.

Thật khó để hình dung về một Điện Biên Phủ “cối xay thịt” năm xưa, nơi mỗi tấc đất thấm máu đào của biết bao chiến sĩ, đồng bào, Điện Biên hôm nay là một thành phố trẻ sôi động, hiện đại. Dấu tích chiến trường giờ đã thành những điểm tham quan hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tìm hiểu về một kỳ tích của dân tộc Việt Nam cũng như sức vươn lên quật cường của mảnh đất địa đầu Tổ quốc.

Nhờ phát huy tốt các tiềm năng, thế mạnh, kinh tế - xã hội của thành phố miền núi này đã có sự phát triển vượt bậc. Thu nhập bình quân của người dân thành phố đã đạt 64 triệu đồng/người/năm; nhiều dự án lớn đã được hoàn thành đưa vào sử dụng, như dự án đường 60m (đường 7/5); dự án hạ tầng kỹ thuật khung dọc trục đường 60m; chương trình đô thị miền núi phía Bắc và những điểm tái định cư khang trang... giúp Điện Biên Phủ được ví như “con tàu với cánh buồm căng gió”.

Thành phố đang nỗ lực cán đích đến năm 2025 cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại II và sớm trở thành một trong những trung tâm du lịch, dịch vụ của vùng Tây Bắc.

truc-duong-vo-nguyen-giap-thanh-pho-dien-bien-phu..jpg
Trục đường Võ Nguyên Giáp, thành phố Điện Biên Phủ.

“Tôi thấy mình quá may mắn và tự hào, phấn khởi khi được sống đến bây giờ, được chứng kiến những thay đổi của tỉnh Điện Biên nói chung và thành phố Điện Biên Phủ nói riêng ngay từ buổi ban đầu. Nếu so với thời kỳ mới giải phóng thì đời sống của nhân dân nói chung và tất cả mọi thứ phát triển gấp mấy chục lần… Sau giải phóng, cả Điện Biên không có một cái nhà cấp 4 nào cả, chỉ toàn nhà gianh, vách nát, đường sá ít ỏi, chỗ có đường thì lầy lội, bị bom đánh võng thành hồ, ao…, gần như là một nơi hoang tàn”, cụ Điều nhớ lại.

Và cụ gửi gắm: "Tôi mong thế hệ trẻ hôm nay sẽ luôn tự hào, ghi nhớ và phát huy tinh thần Chiến thắng Điện Biên Phủ, dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo, lập nên những kỳ tích mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".

Cảm nhận của cụ Điều về Điện Biên hôm nay và niềm mong ước của cụ cũng là trăn trở của những người con của chiến sĩ Điện Biên. Hơn ai hết, họ hiểu rõ cái giá của độc lập, tự do; giá trị của hy sinh và nỗi đau mất mát. Và họ cũng tự hào hơn ai hết khi thấy sự hy sinh của gia đình mình đã được tiếp nối bằng sức vươn lên phát triển thần kỳ của đất nước.

Video: Thành phố Điện Biên Phủ sau 70 năm chiến thắng lịch sử.
boxtd3.jpg

Những ngày này, cả Điện Biên rộn ràng không khí của chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và Năm Du lịch quốc gia Điện Biên 2024. Chúng tôi đã gặp rất nhiều người, từ các cựu chiến binh đến người dân bình thường, các du khách trong và ngoài nước... Nhiều người trong số họ mới chỉ được biết về Điện Biên Phủ qua lời kể, sách vở, phim, ảnh… Họ chọn đến đây dịp này để thêm một lần nữa được chứng thực một huyền thoại.

Chiếc còi của người chú…

Với ông Nguyễn Thanh Luận, 85 tuổi, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Lai Châu, Điện Biên Phủ không chỉ là nơi ghi dấu chiến thắng oai hùng của quân và dân ta, mà còn là niềm cảm hứng để ông bắt đầu sự nghiệp quân ngũ.

z5374523293460_761a2ec8e269dd74586e0541e1337d1e.jpg
Ông Nguyễn Thanh Luận, 85 tuổi, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Lai Châu.

Ông Luận chia sẻ, khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, ông là cậu học trò 14 tuổi ở vùng quê Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Gia đình ông có chú ruột tham gia kháng chiến chống Pháp ngay từ những ngày đầu cho đến ngày toàn thắng, mãi đến tháng 10-1954, chú của ông mới được giải ngũ trở về.

9 năm chú đi không tin tức, gia đình tưởng chú đã mất, nên khi thấy chú trở về, cả nhà vui mừng khôn xiết, ôm chầm lấy nhau mà khóc...

“Ấn tượng đầu tiên với tôi về 2 tiếng Điện Biên là do được chú tôi kể về chiến thắng Điện Biên Phủ. Chú kể về những khốc liệt, gian khổ, hy sinh trên chiến trường trong suốt gần 2 tháng trời, chúng ta từng bước chiếm lĩnh trận địa, đào từng mét giao thông hào để siết chặt vòng vây địch… Chính tài thao lược trong lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; sức mạnh của đại đoàn kết toàn dân, của tình đồng chí, đồng đội… đã giúp quân và dân ta lập nên chiến công hiển hách, ghi vào lịch sử một chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu””, ông Luận nói.

boxtd4.jpg

Và Điện Biên Phủ với ông Luận càng thêm ý nghĩa khi ông được nhận một món quà vô cùng đặc biệt từ chú mình: Trong chiến dịch, chú ông Luận là tiểu đội trưởng, có một chiếc còi hiệu lệnh; khi biết ông ở trường được giao phụ trách đoàn, chú đã tặng ông chiếc còi này để giúp ông tập hợp các bạn.

“Tròn 20 tuổi, tôi nhập ngũ và cống hiến trong lực lượng vũ trang, mãi đến năm 1986 mới về hưu. Là người lính, tôi luôn mang kỷ niệm, ấn tượng với những lời nói sâu sắc của chú về cuộc chiến vĩ đại Điện Biên Phủ. Nó giúp tôi nhận thức sâu sắc về quân đội và thôi thúc, hun đúc trong tôi mong ước được trở thành người lính cụ Hồ, đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc… Tôi rất vinh dự khi từng có giai đoạn được canh gác nơi Bác Hồ làm việc, 4 lần được gặp Bác - đó là niềm hạnh phúc vô bờ của người lính”, ông Luận tự hào nhớ lại.

Và những cảm xúc tự hào ấy đã theo ông Luận đi khắp các nẻo đường đất nước. Từng có thời gian dài làm lính biên phòng, ông đã có mặt tại những vùng đất xa nhất, gian khó nhất của đất nước, trong đó, riêng ở Lai Châu, ông đã công tác và sinh sống liên tục 58 năm.

“Có mặt trên mảnh đất này, đi tới các đồn biên phòng, nơi nào cũng còn nhiều gian khổ. Nhưng tôi đã lấy tinh thần của chiến sĩ Điện Biên để soi vào thực tế, quyết tâm vượt qua như những chiến sĩ Điện Biên năm xưa mở đường vào lòng địch; lấy sức mạnh đại đoàn kết để áp dụng vào công tác vận động quần chúng xây dựng phên dậu Tổ quốc, giúp nhân dân làm kinh tế... So với 58 năm trước, khi tôi lần đầu đặt chân tới Lai Châu, cuộc sống nhân dân các dân tộc của tỉnh hôm nay đã thay đổi một trời một vực”, ông chia sẻ.

… và những cảm xúc đẹp

Cũng như ông Luận, nhiều cựu chiến binh mà chúng tôi có dịp trò chuyện, họ là lớp sinh sau, chỉ được nghe kể về chiến thắng Điện Biên Phủ với niềm tự hào và trách nhiệm của thế hệ tiếp bước. Năm nay, đánh dấu 70 năm giải phóng Điện Biên, họ muốn một lần được về thăm địa chỉ đỏ này, thắp nén hương thơm tri ân các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống để giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, làm nên một trong những chiến thắng vang dội nhất trong lịch sử cách mạng.

z5374528174290_c4bd18fc158183bdc402b981e2b84eb5.jpg
Cựu chiến binh Nguyễn Hữu Tuấn.

“Hơn 40 hội viên cựu chiến binh phường Lê Lợi, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An chúng tôi về với Điện Biên để tri ân, cùng ôn lại lịch sử. Chúng tôi mới chỉ được nghe kể, xem hình ảnh trên các phương tiện thông tin đại chúng về những gian khổ, hy sinh của quân và dân ta, về tài thao lược trong lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đại tướng Võ Nguyên Giáp để làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ. Đến đây rồi, mỗi điểm ghé thăm giúp chúng tôi thấm thía hơn nỗi gian truân, ý chí quyết chiến, quyết thắng của cha anh khi xưa”, cựu chiến binh Nguyễn Hữu Tuấn tâm sự.

Với bà Lê Thị Khang, cựu chiến binh thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh; ông Hoàng Văn Trung, cựu chiến binh thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc; ông Dương Minh Tuân, cựu chiến binh phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Thái Nguyên…, đến Điện Biên Phủ, họ càng thêm vinh dự, tự hào vì các thế hệ cha anh đã viết nên những trang sử hiển hách của dân tộc. Điều khiến họ cảm phục nhất đó chính là tình đoàn kết, thương yêu giữa những người đồng chí, đồng đội; là tinh thần quyết chiến, quyết thắng, hy sinh tất cả, kể cả mạng sống, vì độc lập, tự do cho Tổ quốc.

“Hôm nay về lại Điện Biên /Thăm địa chỉ đỏ lưu truyền năm châu / Chín năm gian khổ dãi dầu/ Làm nên lịch sử ở đâu sánh bằng”, ông Hoàng Văn Trung xúc động đọc 4 câu thơ mình vừa “tức cảnh sinh tình” sáng tác.

Cũng trong dòng người về với Điện Biên, chúng tôi gặp nhiều du khách nước ngoài. Họ, người đã ngoài 40, người mới đôi mươi, lần đầu đến Việt Nam, đến Điện Biên, nhưng những ấn tượng mà vùng đất xinh đẹp và anh hùng này để lại cho họ thật sâu sắc.

z5374545349008_b838ef1012452218ea130e8a02922c85.jpg
Jillian Simpson (người Canada) và bạn trai.

“Tôi thật sự xúc động khi xem bức tranh. Thật là kỳ diệu khi có những cảm xúc này. Tôi cảm phục việc mọi người sát cánh bên nhau để chiến đấu, giành lại những gì thuộc về đất nước mình. Tôi yêu niềm tự hào dân tộc của các bạn khi thấy mọi người cùng tụ hội về đây để chào mừng một ngày kỷ niệm lớn của đất nước. Thật sự rất đẹp!”, Jillian nói.

Còn với chị Marshall (du khách Australia), Điện Biên Phủ là một vùng đất tràn đầy sức sống với những người dân tràn đầy năng lượng, đặc biệt là những người phụ nữ, từ già đến trẻ. Mọi người rất thân thiện, vui vẻ và điều đó khiến chị rất ngạc nhiên, cảm giác mình được chào đón.

“Khi đến thăm Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, thăm di tích đồi A1, tôi rất xúc động. Tôi biết thêm về Chủ tịch Hồ Chí Minh và vô cùng ngưỡng mộ ông, ngưỡng mộ những lời ông nói, cách ông nhìn nhận về cuộc chiến... Hồ Chí Minh là một vị lãnh tụ tuyệt vời và tôi hiểu tại sao người dân Việt Nam lại kính yêu Hồ Chí Minh đến vậy”, chị Marshall chia sẻ.

***

Biện Biên những ngày tháng 4, sắc hoa ban đã nhạt, núi rừng trắng bừng hoa trẩu. 70 năm, lòng chảo Điện Biên ầm ào bom rơi đã trở thành vựa lúa lớn, trổ những hạt gạo ngon nức tiếng cả nước. Dấu tích còn lại của chiến trường xưa đã thành những địa chỉ đỏ, những điểm tham quan, du lịch nổi tiếng. Nhưng câu chuyện của chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” vẫn được nối tiếp, trao truyền qua những cựu chiến binh năm xưa như cụ Điều; qua những người con vẫn chưa dừng chặng đường đi tìm mộ cha như bà Hải, ông Phúc; và qua cả những người dân bình dị, những du khách trong và ngoài nước mang trong mình sự cảm phục, biết ơn...

Và trong lung linh đêm Điện Biên, 56 cây đèn xếp thành hình ngôi sao rực sáng trong Đền thờ liệt sĩ tại chiến trường Điện Biên Phủ nằm sát bên đồi A1 như những nén tâm hương tưởng nhớ công ơn của các chiến sĩ đã không tiếc tuổi xanh vì Tổ quốc càng khiến mỗi chúng ta hôm nay không được phép quên quá khứ, và càng thêm biết ơn, thêm tự hào, thêm trách nhiệm với đất nước, với Điện Biên.

Bài viết: Hà Vân
Ảnh - Video: Tuấn Điệp
Thiết kế đồ họa: Hữu Tiệp

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Núi vọng, sông rền hào khí Điện Biên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.