Kinh tế Việt Nam đã đi qua 1/3 chặng đường của năm kế hoạch 2024 và thu về một số kết quả đáng ghi nhận, thể hiện đà phục hồi khá rõ nét thông qua sự tăng trưởng của các trụ đỡ quan trọng.
Song, các bộ, ngành, địa phương không được phép chủ quan, bởi phía trước còn những yếu tố bất định, bất lợi từ bên ngoài, bên cạnh sự phục hồi chậm của hoạt động khởi nghiệp và sức mua trong nước… Nhiệm vụ đặt ra là cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tăng trưởng một cách bền vững.
Cải thiện đáng ghi nhận
Theo Tổng cục Thống kê, sản xuất công nghiệp tiếp tục xu hướng tăng trưởng tích cực. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 4 tháng đầu năm 2024 tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023. Kết quả trên cho thấy nền kinh tế đang từng bước phục hồi suôn sẻ, rõ nét hơn. Cùng thời gian, lượng vốn mới được “bơm” vào nền kinh tế cũng gia tăng đáng kể.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước đạt 20,1% kế hoạch năm, tăng 5,9% so với cùng kỳ. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân đạt 6,28 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Lượng vốn trên như chất xúc tác để kích hoạt, thu hút thêm vốn đầu tư từ khu vực dân doanh.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng năm 2024 tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu từ dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 15,3%; doanh thu du lịch lữ hành tăng 49,3%.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cũng đạt 123,64 tỷ USD trong 4 tháng, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt, hiện đã có 21 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 86,4% tổng kim ngạch xuất khẩu (trong đó có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD).
Tính chung, nền kinh tế đã xuất siêu 8,4 tỷ USD giá trị hàng hóa (cùng kỳ năm 2023 xuất siêu 7,66 tỷ USD). Như vậy, lĩnh vực xuất khẩu là điểm sáng của nền kinh tế, xứng đáng là một động lực tăng trưởng quan trọng.
Những con số trên cho thấy, hầu hết các trụ đỡ của nền kinh tế đã thu về những kết quả đáng ghi nhận, đóng góp tích cực vào tăng trưởng, trong khi lạm phát tiếp tục được khống chế hiệu quả. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy một số tồn tại, hạn chế hoặc bất lợi cần nhận diện, khắc phục kịp thời. Đó là, kinh tế thế giới đang đối mặt với bất ổn. Kinh tế Mỹ - nền kinh tế đầu tàu và là đối tác quan trọng của Việt Nam, tăng trưởng chậm lại trong quý I-2024, thấp hơn nhiều so với dự báo trước đó. Sự gia tăng tỷ giá giữa VND và USD tạo áp lực lạm phát và có thể kìm hãm đà tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, dự báo kinh tế trong nước quý II-2024 vẫn duy trì quá trình phục hồi nhưng chậm và khó bứt phá mạnh mẽ như mong muốn.
Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm, để kinh tế Việt Nam vượt qua khó khăn, phục hồi nhanh và bền vững hơn, Chính phủ và các địa phương cần tập trung thúc đẩy tổng cầu tiêu dùng trong nước thông qua các chương trình khuyến mại, ưu đãi tín dụng tiêu dùng, bình ổn giá cước vận tải, đặc biệt là giá vé máy bay, nhằm khuyến khích du lịch. Cùng với đó là tiếp tục tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn vốn, tạo thanh khoản cho doanh nghiệp thông qua việc thực hiện đồng bộ, nhất quán chính sách tài khóa và tiền tệ; có chính sách tín dụng ưu đãi đối với các ngành, lĩnh vực và doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu chủ lực của nền kinh tế.
Các chuyên gia cũng cho rằng, trong bối cảnh cộng đồng doanh nghiệp còn đối diện nhiều thách thức và khó khăn, việc thúc đẩy phát triển doanh nghiệp chính là động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng. Theo đó, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn các cấp, ngành kiểm soát giá cả, ổn định nguồn cung nguyên vật liệu; giảm bớt điều kiện, thủ tục vay vốn; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính liên quan đến các dự án đầu tư; bảo đảm cung ứng đầy đủ điện, xăng, dầu cho sản xuất, kinh doanh...
Triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, hướng tới phục hồi kinh tế bền vững, Bộ Tài chính cho hay, Bộ đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2024; gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước...
Trong khi đó, Bộ Công Thương cũng tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu để giảm thiểu tác động từ bên ngoài; hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng hiệu quả cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do. Bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm đúng trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, phù hợp với khả năng thực hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đang tập trung tạo sự đột phá trong thu hút và giải ngân vốn FDI thông qua tăng cường năng lực cạnh tranh của môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin và logistics.
Đặc biệt, ngày 2-5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg về triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô. Trong đó, Thủ tướng chỉ đạo tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ tín dụng, đặc biệt là với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các động lực tăng trưởng truyền thống và các động lực tăng trưởng mới; nâng cao năng lực quản trị điều hành của ngân hàng, thị trường tài chính; giảm lãi suất cho vay ở mức hợp lý; giảm chi phí giao dịch, hoạt động, thủ tục hành chính...
Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài Nguyễn Văn Toàn:
Điểm sáng của nền kinh tế
Thời gian gần đây, kết quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) rất khả quan, là điểm sáng của nền kinh tế. Các đối tác giàu tiềm năng, đều quan tâm, mong muốn hiện diện lâu dài ở Việt Nam. Việt Nam đang nắm giữ nhiều lợi thế nổi trội, như môi trường đầu tư - kinh doanh ổn định, chất lượng môi trường đầu tư ngày càng cải thiện, nguồn nhân lực dồi dào… Đặc biệt, Việt Nam đã ký nhiều hiệp định thương mại tự do, với những ưu đãi hấp dẫn. Bên cạnh đó, Chính phủ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI, sẵn sàng đối thoại và tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư làm ăn lâu dài…
Để khu vực FDI đóng góp nhiều hơn, tác động tích cực vào mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế, Việt Nam cần nâng cao hiệu quả hợp tác, chủ động nâng cao chất lượng các dự án FDI; lựa chọn dự án có trình độ cao, công nghệ hiện đại để tham gia vào chuỗi cung ứng quốc tế. Đặc biệt, doanh nghiệp trong nước cần lớn mạnh về trình độ sản xuất để có thể trở thành đối tác của doanh nghiệp FDI.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội Nguyễn Vân:
Hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực hơn
Sản xuất công nghiệp và xuất khẩu tăng trưởng là dấu hiệu tích cực cho thấy sức cạnh tranh và khả năng tiêu thụ của hàng Việt gia tăng trên thị trường quốc tế. Với thế mạnh là tình hình chính trị ổn định cùng lực lượng lao động trẻ dồi dào, Việt Nam đứng trước cơ hội đón nhận trào lưu chuyển dịch đầu tư. Để tận dụng cơ hội và tăng khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, bên cạnh sự chủ động của doanh nghiệp về đầu tư công nghệ, thiết bị và nhân lực để đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng cao của các đối tác, doanh nghiệp cần nhiều hơn sự kết nối và hỗ trợ của cơ quan quản lý và hiệp hội ngành nghề.
Các hiệp hội không chỉ giúp doanh nghiệp hội viên kết nối với nhau, mà còn tạo ra nhiều chương trình quảng bá, kết nối với những đối tác trong nước và quốc tế. Trong khi đó, Nhà nước cần nâng cao hơn nữa chính sách hỗ trợ, ưu đãi về thuế, đào tạo nhân lực, tín dụng và thị trường để giúp doanh nghiệp nhanh chóng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh:
Cần đặc biệt quan tâm đầu tư công
Quý I-2024, chúng ta đã đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất trong 5 năm gần đây. Duy trì đà tăng trưởng, nền kinh tế trong 4 tháng đầu năm 2024 tiếp tục tăng trưởng tương đối tốt. Trong đó, sản xuất công nghiệp tiếp tục xu hướng tăng trưởng tích cực với mức tăng 6%; xuất nhập khẩu hàng hóa tăng hơn 15%; đầu tư, giải ngân vốn đầu tư công cũng tương đối tốt. Tuy nhiên, sức chống chịu của một bộ phận doanh nghiệp còn yếu, dưới áp lực rất lớn về vốn, công nghệ và thị trường đầu ra cho sản phẩm, trong khi yêu cầu nâng cấp, bảo đảm chất lượng của sản phẩm từ phía nhà nhập khẩu hoặc người tiêu dùng ngày càng tăng.
Thực tế cho thấy, trong tháng 1 và tháng 2-2024, tăng trưởng kinh tế không cao như mong muốn bởi đây là thời điểm có đợt nghỉ dài tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu. Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đầu tư công cần được đặc biệt quan tâm và là động lực quan trọng. Cùng với đó là tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nhất là trong tiêu thụ sản phẩm.
Nhóm phóng viên ghi
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.