Thế giới

Bầu cử Ấn Độ 2024: Cuộc tổng tuyển cử quy mô hàng đầu thế giới

Thanh My 18/04/2024 - 12:21

Ngày mai (19-4), Ấn Độ bắt đầu bước vào cuộc tổng tuyển cử được đánh giá là có quy mô lớn hàng đầu thế giới với gần 970 triệu cử tri đăng ký tham gia bỏ phiếu, gồm 7 giai đoạn (từ 19-4 đến 1-6). Các chuyên gia đánh giá, dự kiến sẽ có rất ít thay đổi về mặt chính trị khi đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) cầm quyền của Thủ tướng Narendra Modi dẫn đầu các cuộc thăm dò.

bau-cu-an-do1.jpeg
Thủ tướng Modi và đảng BJP giới thiệu tuyên ngôn bầu cử của đảng vào hôm 14-4.
Ảnh: Reuters

Thủ tướng Modi và đảng BJP được cử tri ủng hộ

Thủ tướng Narendra Modi hy vọng sẽ giành được nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp, khi cử tri bầu 543 thành viên của Lok Sabha, hạ viện Ấn Độ.

Cuộc tranh cử có sự tham gia của 6 đảng quốc gia, 57 đảng tiểu bang và 2.597 đảng nhỏ hơn được phép bỏ phiếu nhưng không đáp ứng các điều khoản để được Ủy ban Bầu cử quốc gia chính thức công nhận.

Tuy nhiên, cuộc đua chính là giữa hai đảng chính trị lớn nhất của Ấn Độ: Đảng BJP cầm quyền và Đảng Quốc đại Ấn Độ (INC).

Trong cuộc bầu cử kéo dài hơn 40 ngày, bắt đầu từ ngày 19-4, cử tri Ấn Độ bỏ phiếu bầu 543/545 nghị sĩ vào Hạ viện nhiệm kỳ 5 năm tới. Đảng giành được đa số ghế tại Hạ viện sẽ đứng ra thành lập chính phủ mới.

Mặc dù đối mặt sự cạnh tranh từ liên minh 26 đảng đối lập do đảng INC đứng đầu, song kết quả các cuộc thăm dò dư luận mới đây cho thấy, đảng BJP của Thủ tướng Modi đang chiếm ưu thế trên đường đua vào Hạ viện.

Ông Modi, 74 tuổi, lần đầu tiên lên nắm quyền vào năm 2014 với những cam kết về phát triển kinh tế. Trong 2 nhiệm kỳ Thủ tướng của ông Modi, kinh tế Ấn Độ đã tăng trưởng với mức đột phá, giúp Ấn Độ trở thành nền kinh tế lớn phát triển nhanh nhất thế giới ở thời điểm hiện tại. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ấn Độ đang trong đà vượt lên so với 2 nền kinh tế lớn của thế giới là Đức và Nhật Bản.

Nếu ông Modi giữ chức Thủ tướng đủ 3 nhiệm kỳ, tổng cộng 15 năm cho đến năm 2029, sẽ trở thành Thủ tướng có thời gian tại vị lâu thứ 3 tại Ấn Độ, khi mà trước đó ông Jawaharlal Nehru (1889-1964) - Thủ tướng đầu tiên của nước này, tại nhiệm trong 16 năm 9 tháng, và con gái ông - bà Indira Gandhi, giữ chức Thủ tướng tổng cộng khoảng 15 năm 350 ngày dù không liên tục.

Trong cuộc bầu cử năm 2019, đảng BJP đã giành chiến thắng vang dội với 303 ghế và thành lập một liên minh kiểm soát tổng cộng 353 ghế. Mặt khác, đảng INC giành được 52 ghế, và có thêm 91 ghế các đồng minh.

bau-cu.jpeg
Công nhân ở Ấn Độ đóng gói lọ mực dùng để đánh dấu ai đã bỏ phiếu và ngăn chặn việc bỏ phiếu trùng lặp. Ảnh: Reuters

Khu vực bầu cử lớn nhất thế giới

Ấn Độ là quốc gia lớn thứ 7 về diện tích và là quốc gia đông dân nhất trên thế giới, bao gồm 28 bang và 7 lãnh thổ liên bang. Là quốc gia đa ngôn ngữ (22 ngôn ngữ chính thức), nền văn hóa đặc sắc và Ấn Độ cũng là nơi có sự đa dạng về thiên nhiên, với 500 khu bảo tồn các loài hoang dã và 13 khu dự trữ sinh quyển.

Theo số liệu chính thức, Ấn Độ có 497 triệu cử tri nam và 471 triệu cử tri nữ. Tỷ lệ cử tri đã tăng 6% so với cuộc tổng tuyển cử gần đây nhất vào năm 2019. Hơn 20 triệu cử tri trẻ trong độ tuổi từ 18 đến 29 đã được bổ sung vài đơn vị bầu cử.

Chính trị gia BJP GVL Narasimha Rao chia sẻ với DW: “Giới trẻ đang thể hiện một xu hướng khác và xu hướng thú vị là họ không chỉ bỏ phiếu cho các đảng phái mà còn cho các nhà lãnh đạo. Hình ảnh của các nhà lãnh đạo và các ứng viên dường như là yếu tố quan trọng đối với họ hơn so với các cử tri lớn tuổi”.

Tỷ lệ cử tri đi bầu cho các cuộc bầu cử ở Ấn Độ nói chung rất cao. Theo Ủy ban bầu cử Ấn Độ (ECI), năm 2019, 66% cử tri đã bỏ phiếu.

Cuộc bầu cử diễn ra như thế nào?

Ấn Độ tổ chức tổng tuyển cử 5 năm một lần. Cuộc bầu cử năm 2024 sẽ bầu 543 thành viên vào Hạ viện của Quốc hội Ấn Độ trong nhiệm kỳ 5 năm. Số cử tri của Ấn Độ còn nhiều hơn dân số của Mỹ, Nga và Liên minh châu Âu (EU) cộng lại.

Các cuộc bầu cử quốc gia được giám sát bởi ECI, cơ quan triển khai các quan sát viên bầu cử để đảm bảo tính minh bạch trong suốt sáu tuần bỏ phiếu.

Diễn ra theo 7 giai đoạn, việc bỏ phiếu sẽ thực hiện so le theo khu vực, được ECI xác định dựa trên các yếu tố như dân số của bang, cùng với các yếu tố chính trị như khả năng gián đoạn hoặc lo ngại về an ninh. Việc bỏ phiếu so le theo khu vực cũng cho phép các quan chức bầu cử, quan sát viên và nhân viên an ninh đi từ khu vực này sang khu vực khác và đảm bảo không có sai phạm.

Việc bỏ phiếu trong giai đoạn cuối cùng sẽ diễn ra vào ngày 1-6 và tất cả các lá phiếu sẽ được kiểm vào ngày 4-6. Kết quả sẽ được công bố cùng ngày. Để đảm bảo đa số, một đảng hoặc liên minh phải giành được 272 ghế trong quốc hội.

ECI đã thực thi một bộ quy tắc ứng xử kiểu mẫu, là một bộ hướng dẫn ứng xử của các đảng phái chính trị và ứng cử viên trong cuộc bầu cử, đồng thời áp dụng các hình thức xử lý một cách hiệu quả đối với những người vi phạm quy tắc. Mục đích chính của bộ quy tắc này là đảm bảo rằng các đảng cầm quyền không lạm dụng vị trí của họ để đạt được lợi thế không công bằng, các quy tắc cũng được thiết kế để ngăn chặn các hành vi bị coi là tiêu cực.

Gần 340.000 nhân viên an ninh từ lực lượng cảnh sát vũ trang trung ương đã được trưng dụng để hỗ trợ các lực lượng cảnh sát nhà nước hiện có.

Hàng tỷ USD chi cho chiến dịch bầu cử

Vào năm 2024, cử tri sẽ bỏ phiếu tại hơn 1,25 triệu điểm bỏ phiếu trên 5,5 triệu máy bỏ phiếu điện tử (EVM) được thiết lập trên khắp 28 bang và 9 vùng lãnh thổ liên bang của Ấn Độ.

Ấn Độ đã sử dụng EVM an toàn từ năm 1999. Vào năm 2014, các nhà in đã được giới thiệu tính năng gửi bản sao cứng của mỗi lá phiếu vào một hộp kín được gọi là "Dấu kiểm tra giấy có thể xác minh của cử tri", đảm bảo một lớp bảo mật bổ sung.

Trong cuộc bầu cử năm 2019, ước tính các đảng chính trị và ứng cử viên đã chi khoảng 8,7 tỷ USD (8,02 tỷ euro). Tuy nhiên, năm nay con số này đã tăng lên khi Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông có trụ sở tại New Delhi ước tính rằng các đảng chính trị và ứng cử viên sẽ chi hơn 14,4 tỷ USD cho cuộc bầu cử.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bầu cử Ấn Độ 2024: Cuộc tổng tuyển cử quy mô hàng đầu thế giới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.