Theo dõi Báo Hànộimới trên

Báo động bệnh ung thư trên toàn cầu, 9,6 triệu người tử vong, một nửa ở châu Á

Theo TTXVN/Báo Tin tức| 13/09/2018 09:36

Dự kiến trong năm nay có thêm hơn 18 triệu ca ung thư và sẽ có khoảng 9,6 triệu người tử vong do căn bệnh này.

Đây là ước tính mới nhất của IARC về tỷ lệ mắc và tử vong ở 185 quốc gia cho 36 loại ung thư. Ảnh: twitter.com


Con số đáng báo động này được Cơ quan quốc tế Nghiên cứu Ung thư trực thuộc Liên hợp quốc (IARC) công bố ngày 12-9. Con số này tăng so với 14,1 triệu ca mắc bệnh mới và 8,2 triệu người tử vong vì ung thư hồi năm 2012 trong cuộc khảo sát gần nhất trước đó.

Theo báo cáo đầu tiên kể từ năm 2012 của IARC nhận định, căn bệnh này đang là mối đe dọa ngày càng nghiêm trọng tới sức khỏe của người dân trên toàn cầu. Tính trung bình trên thế giới cứ 5 nam giới thì có 1 người và 6 phụ nữ thì có 1 người mắc chứng bệnh ung thư trong cuộc đời của mình và 1/8 số nam giới và 1/11 số nữ giới tử vong do căn bệnh này.

Trên phạm vi toàn cầu, châu Á ước tính chiếm gần nửa số ca mắc bệnh mới và hơm một nửa số ca tử vong do ung thư trong năm 2018, một phần vì gần 60% dân số thế giới sống tại khu vực này. Châu Âu chiếm gần 1/4 số ca ung thư mới và 1/5 số ca tử vong do ung thư, mặc dù châu lục này chỉ chiếm 9% dân số thế giới. Châu Mỹ chiếm hơn 13% dân số thế giới, song chiếm tới 21% ca ung thư và khoảng 14% ca tử vong do căn bệnh này trên toàn cầu.

Ung thư phổi là "thủ phạm" gây nhiều ca tử vong nhất ở cả nam giới lẫn phụ nữ và là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến những cái chết do ung thư ở phụ nữ tại 28 quốc gia. Những quốc gia có tỷ lệ phụ nữ tử vong do ung thư phổi cao nhất tập trung ở Bắc Mỹ, Bắc và Tây Âu - nhất là Đan Mạch và Hà Lan - Trung Quốc Australia, New Zealand, với Hungary chiếm đầu bảng.

Cũng theo báo cáo của IARC, sở dĩ căn bệnh ung thư ngày càng phổ biến là do nhiều nhân tố, từ sự tăng trưởng dân số tới sự lão hóa, trong khi sự thay đổi về các loại ung thư được chẩn đoán có liên quan tới sự phát triển kinh tế và xã hội. IARC nhấn mạnh điều này đặc biệt đúng tại những nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh chóng đồng thời lưu ý đến một xu hướng mới, đó là nghèo đói và các bệnh truyền nhiễm không còn là thủ phạm chính gây ung thư, mà thay vào đó là phong cách sống tại các quốc gia công nghiệp hóa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Báo động bệnh ung thư trên toàn cầu, 9,6 triệu người tử vong, một nửa ở châu Á

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.