Sức khỏe

Gia tăng tỷ lệ học sinh tiểu học thừa cân, béo phì

Bảo Ngọc 21/04/2024 17:50

Hơn 10 năm qua, Việt Nam đối mặt với gánh nặng “kép” về dinh dưỡng ở lứa tuổi tiểu học. Đáng chú ý, trong khi ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi phía Bắc, nhiều trẻ nhỏ bị suy dinh dưỡng, chậm phát triển, thì ở khu vực nội thành các thành phố lớn, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, trẻ em bị thừa cân, béo phì tăng lên nhanh chóng.

beo-phi.jpg
Trẻ em bị thừa cân và béo phì có nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường, ung thư, các vấn đề về sức khỏe tâm thần và các bệnh nghiêm trọng khác.

Nhiều trường tiểu học ở Hà Nội có hơn 50% học sinh béo phì

Đầu tháng 4 vừa qua, nhân dịp triển khai mô hình can thiệp phòng chống thừa cân béo phì cho học sinh giai đoạn 2023-2025, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã cung cấp kết quả khảo sát tình trạng dinh dưỡng ở trẻ em lứa tuổi học đường giai đoạn 2017-2021, tại 90 trường tại Hà Nội với các khối lớp 5, 9, 12 (mỗi năm khảo sát khoảng 7.300 học sinh). Theo đó, học sinh tiểu học có tỷ lệ thừa cân béo phì cao nhất với 37,8%, trung học cơ sở là 16,8%, và trung học phổ thông là 11,3%. Đáng lưu ý, tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì gia tăng nhanh theo các năm, khu vực nội thành cao hơn ngoại thành, thậm chí một số trường tiểu học khu vực nội thành có tỷ lệ thừa cân, béo phì lên tới 55,7%.

Tình trạng học sinh tiểu học ở các thành phố lớn dễ bị thừa cân, béo phì không phải là câu chuyện chỉ riêng Việt Nam mà còn đang là vấn nạn toàn cầu. PGS.TS Bùi Thị Nhung, Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho biết, trong khi tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi, suy dinh dưỡng nhẹ cân ở nước ta đang dần giảm xuống, thì tỷ lệ béo phì ở lứa tuổi học sinh lại rất đáng báo động.

Nguyên nhân của tình trạng này, theo các chuyên gia dinh dưỡng, xuất phát từ sự chiều chuộng và thiếu kiến thức dinh dưỡng trong chăm sóc con của nhiều ông bố bà mẹ. Không ít phụ huynh vẫn có tâm lý "nhồi" cho con ăn, cho con bụ bẫm để “bù trừ” những khi đau ốm, khi đi học có các bữa ăn không nhiều dinh dưỡng như ở nhà. Đây là một quan điểm chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ rất nguy hiểm. Khi trẻ đã thừa cân nhưng vẫn được bố mẹ “nhồi” ăn uống thoải mái cộng thêm việc lười vận động khiến trẻ càng dễ béo lên.

“Hệ quả của thừa cân, béo phì đối với học sinh tiểu học là đặc biệt nguy hiểm bởi đây cũng sẽ là tác nhân gây ra các bệnh về tim mạch, trầm cảm, ung thư… Bên cạnh đó, nguy cơ đái tháo đường trên nền trẻ béo phì cũng tăng lên. Cá biệt, có những bệnh nhân mắc đái tháo đường khi mới 8 tuổi”, PGS Nhung nhấn mạnh.

Ngoài nguyên nhân từ phía người lớn thì lối sống hiện đại với những bữa ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, nước ngọt… tuy kích thích sự thèm ăn của trẻ nhưng lại thừa năng lượng và chất đạm, thiếu vi chất dinh dưỡng, thiếu vitamin và chất xơ nên khiến trẻ dễ bị béo phì. Nhất là ở lứa tuổi tiểu học, các em vẫn có xu hướng “nghiện” ăn đồ chế biến sẵn như đồ ngọt, thức uống có gas, đồ ăn có nhiều chất béo, thực phẩm chiên rán, không thích ăn cá, thủy hải sản, lười ăn rau, ít ăn hoa quả và đặc biệt ít vận động càng làm gia tăng nguy cơ béo phì.

Triển khai mô hình can thiệp phòng, chống thừa cân béo phì

Ông Vũ Cao Cương, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, thời gian qua, Sở Y tế đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai nhiều hoạt động phòng, chống dịch bệnh, tiêm chủng; phòng, chống tai nạn thương tích; bảo đảm vệ sinh thực phẩm; phòng, chống suy dinh dưỡng, các bệnh không lây, thừa cân, béo phì... Những hoạt động này đã dần đi vào nền nếp và từng bước góp phần cho sự phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ của học sinh.

Nhằm hạn chế tình trạng béo phì ở trẻ em, trong giai đoạn 2023-2025, Sở Y tế Hà Nội phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai mô hình can thiệp phòng, chống thừa cân, béo phì cho học sinh tại một số trường tiểu học của Hà Nội. Mô hình can thiệp hướng tới phấn đấu thực hiện 5 mục tiêu gồm: Đảm bảo môi trường, điều kiện thực hiện mô hình can thiệp; nâng cao kiến thức, thực hành về phòng, chống thừa cân, béo phì cho học sinh, phụ huynh, nhân viên y tế, giáo viên, nhân viên chế biến bữa ăn bán trú trong các trường học được can thiệp; cung cấp bữa ăn theo nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị của ngành y tế cho trẻ có tình trạng dinh dưỡng bình thường, trẻ thừa cân, béo phì tại trường học và gia đình; tăng cường hoạt động thể lực nhằm phòng, chống thừa cân, béo phì ở học sinh tiểu học; kiểm soát tỷ lệ thừa cân, béo phì ở học sinh tại các trường tiểu học trong thời gian can thiệp...

Trước mắt, mô hình này sẽ được thực hiện tại trường một số trường như Trường Tiểu học La Thành (quận Đống Đa), Trường Tiểu học Nguyễn Du (quận Hoàn Kiếm), Trường Tiểu học Lê Lợi (quận Hà Đông)... Cô Đỗ Thị Minh Yến, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Lợi (quận Hà Đông) cho biết, tỷ lệ học sinh tiểu học béo phì tăng cao tại các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh… đã là tình trạng được ngành Y tế cảnh báo cách đây nhiều năm. Nhóm tuổi tiểu học cũng là giai đoạn quan trọng của quá trình tăng trưởng. Do đó, nếu can thiệp phòng, chống thừa cân, béo phì ở giai đoạn này sẽ đạt hiệu quả cao.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Gia tăng tỷ lệ học sinh tiểu học thừa cân, béo phì

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.