(HNM) - Dù ở giai đoạn nào của cách mạng Việt Nam do Đảng lãnh đạo, các tổ chức cơ sở Đảng luôn là gốc rễ, là nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị lãnh đạo ở cơ sở đồng thời là cấp trực tiếp tiến hành các hoạt động xây dựng nội bộ Đảng, bảo đảm cho đường lối của Đảng đi vào cuộc sống. Sự vững mạnh của các tổ chức cơ sở Đảng là điều kiện bảo đảm cho sự vững mạnh của toàn Đảng.
Thời gian qua, có thực tế là năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của không ít tổ chức cơ sở Đảng còn yếu, thậm chí có nơi mất sức chiến đấu; chưa đủ sức phát hiện, giải quyết những vấn đề phức tạp xảy ra ở cơ sở… Để xảy ra tình trạng cán bộ cấp cao cũng như đảng viên giữ các vị trí quản lý khác nhau trong bộ máy Đảng, chính quyền, doanh nghiệp nhà nước bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự thời gian qua không thể không nhắc tới trách nhiệm từ các tổ chức cơ sở Đảng nơi đảng viên đó sinh hoạt.
Vì thế, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) vừa qua đã thảo luận sôi nổi, tâm huyết và thống nhất cao về sự cần thiết phải tạo cho được sự chuyển biến mạnh mẽ, thực chất hơn nữa trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Qua đó, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh toàn diện từ gốc, từ cơ sở.
Để thực hiện được yêu cầu này, việc tiên quyết cần làm là nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng gắn liền với xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng được biểu hiện ở khả năng tự phát hiện và khắc phục những biểu hiện tiêu cực, sai trái, những hạn chế, khuyết điểm của chính tổ chức cơ sở Đảng, cơ quan, đơn vị; không để đảng viên bị ảnh hưởng bởi những tác động tiêu cực từ bên ngoài.
Đồng thời, cấp ủy các cấp cần không ngừng đổi mới, hoàn thiện tổ chức của các loại hình tổ chức cơ sở Đảng; rà soát, sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, mối quan hệ công tác cho phù hợp với từng loại hình tổ chức cơ sở Đảng. Trong quá trình thực hiện cũng cần chủ động đề ra các giải pháp sao cho thật sát hợp với yêu cầu, nhiệm vụ và đặc điểm của địa phương, cơ quan, đơn vị mình.
Các cấp ủy cần hết sức coi trọng dân chủ trong Đảng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng. Qua đó, kịp thời phát hiện, biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến; kịp thời củng cố các tổ chức Đảng yếu kém; xử lý nghiêm các đảng viên thoái hóa, biến chất, vi phạm pháp luật và kỷ luật Đảng.
Đối với mỗi đảng viên, phải xác định rõ bổn phận, trách nhiệm thiêng liêng và cao cả khi được đứng trong hàng ngũ của Đảng; không ngừng phấn đấu, rèn luyện bản lĩnh chính trị, tu dưỡng về phẩm chất đạo đức, lối sống; thường xuyên tự phê bình và phê bình, gương mẫu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh. Chỉ có như vậy thì tổ chức Đảng và đảng viên mới thật sự trong sạch, vững mạnh, có uy tín với quần chúng nhân dân, đủ sức hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Mỗi đảng viên tốt, tổ chức cơ sở Đảng tốt là Đảng được mạnh thêm một phần. Sức mạnh to lớn của Đảng ta là ở chỗ khéo kết hợp sức mạnh của tổ chức cơ sở Đảng với sức mạnh của từng đảng viên. Đây là yếu tố quyết định để Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, bảo đảm thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ của cách mạng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.