Thế giới

Nước Đức bên thềm bầu cử Quốc hội trước thời hạn: Dồn sức cho cuộc đua gay cấn

Quỳnh Dương 14/12/2024 - 07:51

5 tuần sau khi liên minh cầm quyền 3 đảng của Đức sụp đổ trong một cuộc tranh cãi về biện pháp phục hồi nền kinh tế trì trệ, Thủ tướng Olaf Scholz chính thức đưa đất nước vào lộ trình bầu cử sớm bằng cách yêu cầu bỏ phiếu tín nhiệm Chính phủ tại Quốc hội vào ngày 16-12 tới.

Sau đó, các đảng phái tại Đức sẽ dồn sức cho cuộc đua được đánh giá là khá gay cấn vào cơ quan lập pháp được tổ chức ngày 23-2-2025.

quoc-hoi-duc-se-bo-phieu-ba.jpg
Quốc hội Đức sẽ bỏ phiếu bất tín nhiệm Chính phủ vào ngày 16-12.

Đến thời điểm này, các đảng ở Đức vẫn chưa chính thức đưa ra chương trình tranh cử. Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, có một số chủ đề sẽ được ưu tiên để thu hút sự ủng hộ của cử tri gồm cách thức phục hồi nền kinh tế, biện pháp giải quyết làn sóng người nhập cư, giảm giá năng lượng...

Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của Thủ tướng Olaf Scholz, đảng Xanh đã đề xuất khuyến khích đầu tư tư nhân và nâng cấp cơ sở hạ tầng bằng quỹ ngoài ngân sách trị giá 100 tỷ euro. Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck, ứng cử viên thủ tướng của đảng Xanh, đã đưa ra các kế hoạch tương tự, đồng thời kêu gọi cải cách chế độ phanh nợ được ghi nhận trong Hiến pháp để cho phép chi tiêu công cao hơn.

Về vấn đề nhập cư, các đảng lớn có những quan điểm khá thống nhất về việc siết chặt quy định đối với người tị nạn. SPD ủng hộ thực thi các biện pháp kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn và đẩy nhanh việc trục xuất, song ưu tiên cấp thị thực cho những lao động có tay nghề cao. Liên minh Bảo thủ giữa đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) và Liên minh Xã hội Thiên chúa giáo (CSU) theo đuổi lập trường giám sát nghiêm ngặt hơn về nhập cư trong những năm gần đây, ủng hộ việc trả về những người xin tị nạn tại biên giới, đồng thời kêu gọi hạn chế đoàn tụ gia đình và nhập tịch cho người tị nạn.

Đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) đang nỗ lực kêu gọi rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) trong cái gọi là "Dexit" và muốn Đức từ bỏ đồng euro và tái sử dụng đồng tiền trước đây là mark. Đảng này cũng phản đối tiếp nhận người di cư, đồng thời thúc đẩy đóng cửa biên giới. Ngược lại, đảng Xanh duy trì chính sách tị nạn cởi mở hơn, thúc đẩy các sáng kiến cứu hộ trên biển do nhà nước hậu thuẫn và đơn giản hóa các quy trình đoàn tụ gia đình và tăng cường hội nhập.

Giá năng lượng cao vẫn là thách thức lớn đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp ở Đức và là chủ đề quan trọng trong chiến dịch tranh cử. CDU, SPD và đảng Xanh nhất trí mở rộng phát triển năng lượng tái tạo để giảm chi phí nhưng có quan điểm khác nhau về cách tiếp cận tài chính. CDU đề xuất thu phí chứng chỉ CO2 cao hơn, trong khi SPD và đảng Xanh ủng hộ trợ cấp nhà nước trong giai đoạn chuyển tiếp. CDU/CSU và AfD đề xuất đánh giá việc quay trở lại sử dụng năng lượng hạt nhân, một ý tưởng bị SPD và đảng Xanh bác bỏ.

Theo kết quả thăm dò dư luận mới nhất, hiện CDU/CSU đang dẫn đầu về số cử tri ủng hộ với tỷ lệ 31,5%. Đứng thứ hai là đảng cực hữu AfD (19%). Đảng SPD cầm quyền đã tụt xuống vị trí thứ ba từ vị trí dẫn đầu trong cuộc bầu cử năm 2021, với 17%. Tiếp theo là đảng Xanh với 11,5%.

Các nhà bình luận cho rằng, dù đảng nào lên nắm quyền cũng phải đối mặt với “bài toán” kinh tế nhiều khó khăn của Đức. Báo cáo gần đây nhất của Hội đồng chuyên gia kinh tế Đức cho thấy, tốc độ tăng trưởng của đầu tàu châu Âu đang tiếp tục chậm lại.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong năm nay sẽ giảm 0,1% theo giá trị thực và phục hồi nhẹ ở mức 0,4% trong năm tới. Tỷ lệ lạm phát dự kiến sẽ ở mức 2,2% trong năm nay và 2,1% trong năm tới. Cả khối lượng đầu tư, sản lượng và giá trị gia tăng trong lĩnh vực sản xuất đều giảm. Sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu không thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu của Đức tăng lên mức thông thường. Mức độ tiêu dùng của các hộ gia đình chỉ tăng ở mức không đáng kể.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, tốc độ tăng trưởng ở Đức yếu hơn đáng kể so với các nền kinh tế tiên tiến khác. Ở Mỹ, GDP đã cao hơn 12% so với mức ngay trước đại dịch Covid-19. Còn ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), con số này là 4%.

Bên cạnh đó, tình trạng chia rẽ trong xã hội Đức ngày càng gia tăng. Điều này thể hiện trong các cuộc bầu cử gần đây. Không có đảng nào giành được số phiếu áp đảo để có thể tự đứng ra thành lập chính phủ độc lập. Bởi vậy, nhiệm kỳ sắp tới của tân Chính phủ Đức không phải là chặng đường dễ dàng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nước Đức bên thềm bầu cử Quốc hội trước thời hạn: Dồn sức cho cuộc đua gay cấn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.