Góc nhìn

Phân loại nợ thuế để có biện pháp thu hiệu quả

Gia Khánh 08/12/2024 - 06:19

Theo số liệu thống kê, 11 tháng năm 2024, cơ quan thuế thu hồi được 61.227 tỷ đồng tiền nợ thuế, tăng 33,2% so với cùng kỳ năm 2023. Tính đến ngày 30-11, tổng nợ thuế giảm 2,5% so với thời điểm cuối tháng 10-2024.

Người nộp thuế giao dịch tại Chi cục Thuế quận Đống Đa (Cục Thuế thành phố Hà Nội). Ảnh: Quang Thái

Kết quả này có được thông qua nhiều biện pháp quản lý nợ thuế của cơ quan chức năng, trong đó, riêng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh với người nợ thuế hoặc người đại diện tổ chức nợ thuế, cơ quan thuế thu được 4.289 tỷ đồng tiền thuế nợ của 6.648 người nộp thuế; trong đó có 2.523 người nộp thuế đã bỏ địa chỉ kinh doanh, với số tiền là 236 tỷ đồng.

Tuy nhiên, con số này còn ít so với thống kê của cơ quan thuế. Lũy kế đến hết tháng 11-2024, cơ quan thuế các cấp ban hành 58.687 thông báo tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế, với số tiền nợ lên tới hơn 80.500 tỷ đồng, trong đó có hơn 35.600 người nộp thuế bỏ địa chỉ kinh doanh, với số tiền nợ hơn 12.970 tỷ đồng.

Số liệu từ Tổng cục Thuế tính đến ngày 30-9 cũng cho thấy, nợ thuế tăng 20,9% so với thời điểm cuối năm 2023, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm 2023. Không kể số tiền thuế nợ đang xử lý và tiền thuế nợ đang khiếu nại, khiếu kiện, tổng số tiền thuế nợ ước tính tăng 25,6% so với thời điểm ngày 31-12-2023, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm 2023.

Có nhiều nguyên nhân khiến số nợ thuế tăng, như doanh nghiệp còn gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và tác động của kinh tế thế giới; dự án gặp ách tắc về thủ tục nên nhà đầu tư chưa nộp tiền sử dụng đất; các khoản thuế được gia hạn trong năm 2023 đã đến hạn phải nộp... Tuy nhiên, không loại trừ cả việc doanh nghiệp chây ỳ, có doanh thu, dòng tiền nhưng cố tình không nộp ngân sách.

Vì vậy, để thu hồi nợ hiệu quả, trước hết cơ quan chức năng cần phân loại nợ. Doanh nghiệp thực sự gặp khó khăn thì đôn đốc, hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh, từ đó sớm nộp ngân sách. Ngược lại, đơn vị có doanh thu, có dòng tiền, lợi nhuận nhưng cố tình không nộp ngân sách, lợi dụng chính sách hỗ trợ để nợ thuế, cơ quan chức năng cần kiên quyết xử lý bằng biện pháp mạnh. Ngoài việc tạm hoãn xuất cảnh với cá nhân nợ thuế, người đại diện đơn vị nợ thuế, cơ quan chức năng nên định kỳ công khai danh sách đơn vị nợ thuế trên phương tiện thông tin đại chúng.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, áp dụng các biện pháp cưỡng chế thu nợ thuế khác thông qua phong tỏa tài khoản, thu hồi giấy phép kinh doanh, dừng xem xét cấp phép đầu tư, chấp thuận dự án đầu tư… với doanh nghiệp cố tình nợ thuế. Trường hợp nghiêm trọng xem xét chuyển cơ quan công an điều tra và thông tin công khai để cảnh báo, phòng ngừa chung.

Được biết, Tổng cục Thuế đã ban hành 11 biện pháp tăng cường thu hồi nợ thuế đến hết năm, như đôn đốc, nhắc nhở thu hồi nợ theo số ngày nợ, áp dụng đầy đủ biện pháp cưỡng chế thu hồi nợ, tăng cường rà soát, xử lý nợ sai, nợ ảo; giám sát cục thuế địa phương triển khai quản lý nợ… Song điều quan trọng hơn là tăng cường trách nhiệm của từng đơn vị, người đứng đầu và từng cán bộ, công chức trong xử lý nợ thuế; phân công, giao nhiệm vụ cụ thể gắn với trách nhiệm thu hồi nợ thuế, xử lý nợ đọng thuế trên địa bàn, đồng thời theo dõi, giám sát chặt chẽ tiến độ thu hồi nợ, với mục tiêu vừa giảm tỷ lệ nợ cũ vừa không phát sinh thêm nợ mới.

Cuối cùng, chính doanh nghiệp nên ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ với nhà nước, với xã hội, đồng thời phải hiểu có thể đối mặt với vấn đề pháp lý khi cố tình chây ỳ nợ thuế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phân loại nợ thuế để có biện pháp thu hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.