Góc nhìn

Quyết liệt xử lý ô nhiễm môi trường

Đình Hiệp 10/12/2024 - 06:28

Theo bảng xếp hạng những thành phố ô nhiễm nhất thế giới của Tổ chức đo chất lượng không khí thế giới (AirVisual) công bố mới đây, Hà Nội là thành phố ô nhiễm không khí thứ 3 thế giới (chỉ sau Delhi của Ấn Độ và Lahore của Pakistan), với chỉ số AQI mức 198.

Đây là mức ô nhiễm không khí cao, gây hại khi tiếp xúc trực tiếp, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ.

Đây không phải là lần đầu tiên AirVisual đưa ra những khuyến cáo “khẩn” về chất lượng không khí tại Hà Nội, khi chỉ số bụi mịn PM2.5 luôn ở mức rất cao, gấp hàng chục lần so với giá trị theo hướng dẫn về chất lượng không khí hằng năm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Đáng nói, nhiều làng nghề, cụm công nghiệp với thiết bị, công nghệ sản xuất lạc hậu thải ra chất thải gây ô nhiễm môi trường không khí, ô nhiễm môi trường nước...

Nhiều hội thảo khoa học cũng như nghiên cứu của các chuyên gia môi trường thời gian qua đã chỉ rõ nguyên nhân khiến tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội chưa được cải thiện. Trong đó, chủ yếu là do khói thải ô tô, xe máy, công trình xây dựng, đốt rác thải, rơm rạ...

Bảo vệ môi trường nước, cải thiện chất lượng không khí là yêu cầu cấp thiết nhằm bảo vệ sức khỏe, cuộc sống của mỗi người dân Thủ đô. Đây cũng là vấn đề “nóng” sẽ được các đại biểu HĐND thành phố Hà Nội chất vấn các cơ quan chức năng, người đứng đầu các đơn vị có liên quan vào ngày 11-12 trong kỳ họp cuối năm này.

Để kiểm soát chất lượng không khí cần triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp về chính sách lẫn kỹ thuật cũng như ý thức bảo vệ môi trường của mỗi người dân, doanh nghiệp. Trong đó, các đơn vị, địa phương cần kiểm tra, giám sát chặt chẽ các nguồn thải, khí thải; đồng thời yêu cầu chủ các cơ sở sản xuất công nghiệp, công trình xây dựng phải kiểm soát, bảo đảm xử lý khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường, đặc biệt là các cơ sở có phát sinh nguồn bụi, khí thải lớn. Với những cơ sở này, cần có sự giám sát chặt chẽ, xử phạt nghiêm nếu có vi phạm.

Về lâu dài cần hướng đến lộ trình chuyển đổi công nghệ từ sử dụng nhiều nguyên liệu thô, phát thải nhiều sang công nghệ sử dụng ít nguyên liệu, phát thải thấp; tăng tỷ lệ cây xanh đô thị… Đồng thời, cần nhanh chóng tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo về chất lượng không khí để giảm thiểu những tổn thất của nền kinh tế, ảnh hướng tới các hoạt động xã hội và thiệt hại về sức khỏe con người.

Ngoài ra, theo kế hoạch về phát triển hệ thống thoát nước và xử lý nước thải đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, thành phố sẽ chú trọng 5 nhóm giải pháp để tổ chức thực hiện nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền về nghĩa vụ, trách nhiệm của người dân trong việc chi trả phí bảo vệ môi trường, giá dịch vụ thoát nước; bố trí nguồn đầu tư; có cơ chế, chính sách cụ thể và tổ chức điều hành, phối hợp thực hiện.

Thành phố tiếp tục triển khai các nhà máy xử lý nước thải tập trung quy mô lớn theo quy hoạch; xây dựng hệ thống xử lý nước thải phân tán (phi tập trung) cho từng tiểu khu hay từng công trình như các khu biệt thự, nhà vườn, các khu có tính chất nửa đô thị, nửa nông thôn…, với mục tiêu hoàn thành tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đến năm 2025 đạt 50-55%.

Hy vọng rằng với các giải pháp đồng bộ, quyết liệt trên, tình trạng ô nhiễm môi trường của Hà Nội, đặc biệt là ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, sẽ sớm được cải thiện rõ rệt, góp phần bảo đảm sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quyết liệt xử lý ô nhiễm môi trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.