Toàn thành phố có 20 tổ chức cơ sở Đảng yếu kém cần củng cố, gồm 12 tổ chức cơ sở Đảng chuyển tiếp năm 2023 sang và 8 tổ chức cơ sở Đảng mới phát sinh.
Sáng 12-7, Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU, Chỉ thị 15-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì và phát biểu chỉ đạo.
Tham dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo - Phó Trưởng ban chỉ đạo, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà, Bí thư Quận ủy Thanh Xuân Bùi Huyền Mai.
20 tổ chức cơ sở Đảng yếu kém cần củng cố
Báo cáo tại hội nghị, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Thành ủy Nguyễn Hồng Nhật cho biết: 6 tháng đầu năm, Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 4-7-2017 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Hà Nội” và Chỉ thị số 15-CT/TU ngày 16-12-2016 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố Hà Nội”, các cấp ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, đề ra các giải pháp tổ chức thực hiện có hiệu quả.
Đồng thời, các cấp ủy chủ động triển khai đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh; thực hiện nghiêm túc công tác tiếp dân, đối thoại, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân; tập trung xử lý, giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, tồn đọng, qua đó góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, hạn chế không để xảy ra tình trạng khiếu kiện vượt cấp, nhất là không để phát sinh “điểm nóng” về an ninh trật tự, góp phần vào thành công chung trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của thành phố.
Các ban Đảng Thành ủy, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các sở, ban, ngành đã tích cực, chủ động tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chỉ đạo thành phố triển khai thực hiện tốt công tác tiếp nhận và xử lý đơn, thư, giải quyết tố cáo, giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng đối với tổ chức Đảng, đảng viên theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Đồng thời, phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc củng cố tổ chức cơ sở Đảng yếu kém, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Đảng và đội ngũ đảng viên; đôn đốc, hướng dẫn và từng bước phối hợp giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng theo quy định.
Từ đầu năm đến nay, toàn thành phố có 20 tổ chức cơ sở Đảng yếu kém cần củng cố, gồm 12 tổ chức cơ sở Đảng chuyển tiếp 2023 sang và 8 tổ chức cơ sở Đảng mới phát sinh. Trong đó, có 3 tổ chức cơ sở Đảng cấp thành phố theo dõi, 17 tổ chức cơ sở Đảng cấp huyện theo dõi, thuộc 10 đảng bộ quận, huyện và 2 đảng bộ khối.
Trong 6 tháng đầu năm, Ban Chỉ đạo thành phố đã xem xét, đánh giá kết quả củng cố của một số đơn vị và chuyển Ban Chỉ đạo cấp huyện tiếp tục theo dõi đối với 4 tổ chức cơ sở Đảng. Hiện tại, các cấp ủy đang tập trung thực hiện các giải pháp củng cố tổ chức cơ sở Đảng theo Đề án, Kế hoạch đã ban hành, dự kiến sẽ hoàn thành củng cố trong năm 2024.
Trong 6 tháng đầu năm, Ban Nội chính Thành ủy đã tiếp 39 buổi/168 lượt công dân tại Trụ sở tiếp công dân thành phố; tiếp nhận và xử lý 2.861 đơn gửi đến Thường trực Thành ủy và Ban Nội chính Thành ủy. Ủy ban Kiểm tra Thành ủy nhận được 743 lượt đơn các loại, trong đó có 148 đơn liên quan đến cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý. Đồng thời, thực hiện tiếp 71 lượt đảng viên, công dân đến gửi đơn khiếu nại, tố cáo tại Trụ sở Ban tiếp công dân thành phố theo quy định.
Tập trung củng cố tổ chức cơ sở Đảng yếu kém
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung làm rõ những kết quả nổi bật trong thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU, Chỉ thị 15-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy 6 tháng đầu năm. Đồng thời, các đại biểu cho rằng, công tác xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố tổ chức cơ sở Đảng yếu kém có nơi còn khó khăn. Ở một số nơi, việc triển khai thực hiện các đề án củng cố tổ chức cơ sở Đảng yếu kém theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Thành ủy chưa quyết liệt, triệt để, chậm tiến độ.
Trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, một số đơn vị, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền còn chưa quyết liệt chỉ đạo nhằm giải quyết dứt điểm vụ việc mới phát sinh ngay từ cơ sở. Một số vụ việc khiếu nại, tố cáo giải quyết còn chậm, thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, các cấp có thẩm quyền trong quá trình giải quyết dẫn đến việc người dân tiếp tục gửi đơn thư vượt cấp.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo thành phố Nguyễn Văn Phong đánh giá cao sự vào cuộc của các đơn vị, địa phương trong thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU, Chỉ thị 15-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy. Trong đó, nhiều địa phương, đơn vị có những cách làm hay, sáng tạo nhằm quyết liệt củng cố các tổ chức cơ sở Đảng yếu kém.
Đồng chí Nguyễn Văn Phong cho rằng 6 tháng cuối năm 2024, thành phố có khối lượng công việc rất lớn phải giải quyết, đặc biệt là hiện thực hóa các nội dung của Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua; Chính phủ đang xem xét, cho ý kiến vào 2 quy hoạch lớn của thành phố; Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ ngày 1-8-2024… cùng nhiều vấn đề khác liên quan.
Vì thế, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đề nghị các địa phương, đơn vị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả các vấn đề liên quan đến Nghị quyết 15-NQ/TU, Chỉ thị 15-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy.
“Trong đó, các địa phương, đơn vị chú ý các vấn đề liên quan đất đai, giải phóng mặt bằng xây dựng các dự án lớn, với tính chất phức tạp có nguy cơ phát sinh điểm nóng”, đồng chí Nguyễn Văn Phong lưu ý.
Đồng chí Nguyễn Văn Phong cũng đề nghị các địa phương tăng cường phối hợp, trao đổi với các đơn vị liên quan để giải quyết những vấn đề phức tạp ngay từ cơ sở. Cho rằng tình trạng đơn, thư khiếu nại, tố cáo vẫn diễn biến phức tạp, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, trong đó tăng cường công khai, minh bạch các nội dung liên quan để người dân bàn, kiểm tra và đóng góp ý kiến.
Đối với các quận, huyện, đồng chí Nguyễn Văn Phong yêu cầu tập trung làm tốt công tác sắp xếp đơn vị hành chính, tạo sự đồng thuận trong nhân dân khi thực hiện; làm tốt công tác chuẩn bị cho đại hội đảng bộ các cấp trong thời gian tới.
Đối với các đảng bộ khối, cần làm tốt công tác xây dựng quy chế phối hợp của các đơn vị; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy cũng như giải quyết các khiếu nại, tố cáo để hạn chế tình trạng đơn, thư vượt cấp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.