Góc nhìn

Đảng viên phải gương mẫu, đi đầu chấp hành pháp luật

Bình Yên 09/12/2024 - 06:14

Bài viết “Phát huy tính Đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” của Tổng Bí thư Tô Lâm nhận được nhiều sự quan tâm và đồng tình của dư luận, thực sự là luồng gió mới tạo ra sinh khí mới để thúc đẩy quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Để thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc còn nhiều việc phải làm, trong đó đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, đi đầu chấp hành và tuân thủ pháp luật.

1. Tại Khoản 1, Điều 2 Hiến pháp năm 2013 khẳng định: "Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân". Từ đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng cũng như đặc điểm của hệ thống chính trị, "Đảng lãnh đạo bằng đường lối, chính sách; lãnh đạo thể chế hóa đường lối, chính sách thành pháp luật để quản lý Nhà nước và xã hội" quan điểm chỉ đạo này khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; đồng thời còn đề cao trách nhiệm của các cấp ủy, cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, đi đầu trong chấp hành và tuân theo pháp luật.

Vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng đã được hiến định: “Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội”. Việc quy định Đảng lãnh đạo nhà nước và xã hội không chỉ là tư tưởng xuyên suốt, nhất quán để khẳng định vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng, mà còn là một nguyên tắc bất di bất dịch của cách mạng Việt Nam, phù hợp với thể chế chính trị - xã hội mà Việt Nam đã lựa chọn.

Mục tiêu của Đảng ta đã được xác định trong Điều lệ Đảng đó là "xây dựng nước Việt Nam độc lập, dân chủ, giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh, không còn người bóc lột người, thực hiện thành công chủ nghĩa xã hội và cuối cùng là chủ nghĩa cộng sản". Điểm mấu chốt trong lý luận về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đó là sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước phải là hai mặt không thể tách rời, nhưng cần có sự phân định rõ ràng về vai trò và trách nhiệm. Đảng cầm quyền, định hướng và đưa ra chủ trương, đường lối, chính sách; Nhà nước thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách thành pháp luật và quản lý đất nước, quản lý xã hội bằng pháp luật.

Để thực hiện tốt vai trò lãnh đạo đối với Nhà nước, đòi hỏi Đảng phải thường xuyên củng cố, đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo; không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức Đảng, đảng viên trong bộ máy nhà nước. Theo đó, tổ chức Đảng và cả hệ thống chính trị cần thực hiện hiệu quả Nghị quyết số

21-NQ/TƯ, ngày 16-6-2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tăng cường củng cố xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới”. Cấp ủy cơ sở thường xuyên kiểm tra, giám sát các chi bộ, đảng viên thực hiện chế độ sinh hoạt đảng, việc thực hiện nhiệm vụ của đảng viên. Trong đó, từng cấp ủy, đảng viên luôn quán triệt sâu sắc tinh thần: Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng; kiên quyết, kiên trì chống chủ nghĩa cá nhân, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chống tham nhũng, tiêu cực trong Đảng với phương châm “không ngừng”, “không nghỉ”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, “bất kể người đó là ai”, “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”.

2. Cũng trong bài viết, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, để Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự phát huy hiệu quả, cần phải kết hợp hài hòa giữa “đức trị” và “pháp trị”. “Đức trị” đề cao đạo đức, phẩm chất của những người lãnh đạo, đặc biệt là đảng viên và cán bộ nhà nước - những người giữ vai trò quan trọng trong thực thi pháp luật và quản lý xã hội. “Pháp trị” là sự thượng tôn pháp luật, bảo đảm mọi hoạt động của Nhà nước và xã hội đều được điều chỉnh bởi hệ thống pháp luật thống nhất, minh bạch và công bằng.

Yêu cầu quan trọng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là pháp luật phải được thực hiện nghiêm minh, khẳng định sự thượng tôn pháp luật. Vì vậy, đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, đi đầu trong chấp hành và tuân theo pháp luật. Bởi mọi công dân đều phải có trách nhiệm sống và làm việc theo pháp luật, song đối với cán bộ, đảng viên cần có trách nhiệm cao hơn, ngoài tuân thủ chuẩn mực đạo đức con người còn cần tuân thủ chuẩn mực đạo đức cách mạng. Trên hết, mỗi cán bộ, đảng viên cần: “Nêu cao ý thức tổ chức kỷ luật, kỷ cương, nhất là kỷ luật phát ngôn. Nói và làm theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chấp hành các quy định của cơ quan, đơn vị; phục tùng sự phân công của Đảng, của tổ chức” theo Quy định số 144-QĐ/TƯ ngày 9-5-2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới. Nói một cách khác, cán bộ, đảng viên phải nêu cao tính đảng trong trong việc chấp hành nghiêm và tuân thủ pháp luật. Cán bộ là gốc của mọi công việc.

Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Trong bối cảnh hiện nay, việc Tổng Bí thư nhấn mạnh yếu tố "đức trị" là nhằm phát huy các ưu điểm, thế mạnh, vị trí, vai trò của tổ chức cơ sở Đảng, tính tiên phong, nêu gương của cán bộ, đảng viên để dẫn dắt yếu tố "pháp trị" là giải pháp căn cơ để phát huy tính Đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng như trong việc thực hiện quản lý xã hội bằng pháp luật. Qua đó, góp phần củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, tạo động lực và niềm tin để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới toàn diện, đồng bộ hướng đến thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đảng viên phải gương mẫu, đi đầu chấp hành pháp luật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.