Thời gian qua, thành phố Hà Nội tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện quy định phân cấp, khắc phục những khó khăn, vướng mắc.
Đến nay, việc triển khai các quy định về phân cấp quản lý nhà nước lĩnh vực kinh tế - xã hội; phân cấp, ủy quyền thủ tục hành chính cơ bản ổn định, thông suốt. Đây là thông tin được UBND thành phố Hà Nội báo cáo với HĐND thành phố tại kỳ họp thứ hai mươi vừa qua.
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, để chuẩn bị cho đánh giá 2 năm thực hiện Nghị quyết số 23/NQ-HĐND ngày 12-9-2022 thông qua Đề án phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn thành phố Hà Nội; Nghị quyết số 21/2022/NQ-HĐND ngày 12-9-2022 quy định phân cấp quản lý nhà nước về một số lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội đối với những nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của HĐND thành phố, từ tháng 6-2024, UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành hướng dẫn, tham mưu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các quận, huyện, thị xã; các quận, huyện, thị xã triển khai các biện pháp tự khắc phục những nội dung thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình.
Đã có 65 khó khăn, vướng mắc được hướng dẫn, giải quyết, đặc biệt là khó khăn, vướng mắc về nguồn lực đầu tư các trường trung học phổ thông, xử lý chuyển tiếp đối với lĩnh vực chiếu sáng. Sau 2 năm thực hiện Đề án phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn thành phố Hà Nội, các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất trong việc thực hiện phân cấp nói riêng và thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước nói chung giảm nhiều so với thời điểm đánh giá 1 năm thực hiện Đề án.
Cơ bản những khó khăn, vướng mắc các đơn vị báo cáo hiện nay chủ yếu là từ thực tiễn khách quan về quản lý nhà nước khi thành phố đang trong quá trình phát triển nhanh, đáp ứng yêu cầu đổi mới. Có 4 kiến nghị điều chỉnh quy định phân cấp quản lý nhà nước lĩnh vực kinh tế - xã hội (không mang tính đại diện và là các vấn đề nghiệp vụ cụ thể đơn lẻ trong lĩnh vực).
Theo khảo sát của HĐND thành phố, sau 2 năm thực hiện Đề án phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn thành phố Hà Nội đã đạt nhiều kết quả. Điểm mới trong lĩnh vực này là thành phố thực hiện phân cấp quản lý 16 ngành, lĩnh vực cho cấp huyện, gồm: Quản lý đường bộ; chiếu sáng công cộng; công viên, vườn hoa, cây xanh, thảm cỏ; thoát nước đô thị và xử lý nước thải; vệ sinh môi trường; bến xe ô tô, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, điểm đón, trả khách, vận tải hành khách tuyến cố định và vận tải hành khách công cộng; cấp nước sạch; thủy lợi; đê điều; quản lý rừng; thông tin truyền thông; giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp; quản lý văn hóa - thể thao, du lịch; quản lý y tế; quản lý các hoạt động xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng; quản lý chợ.
Tại Đề án, thành phố cũng điều chỉnh bổ sung quy định phân cấp cho cấp huyện 9 lĩnh vực: Đầu tư, cải tạo, nâng cấp, mở rộng trường trung học phổ thông; đầu tư hệ thống nước sạch ở vùng sâu, vùng xa; công trình xử lý nước thải cục bộ không kết nối được với hệ thống thu gom nước, xử lý nước thải tập trung của thành phố; đầu tư chợ hạng 1; cấp điện chiếu sáng ngõ, ngách trên địa bàn các quận; quản lý tượng đài tranh hoành tráng; quản lý di tích; bến, bãi đỗ xe; đèn tín hiệu giao thông…
Theo nhận định của HĐND thành phố, việc phân cấp đã tăng tính chủ động cho các quận, huyện, thị xã có năng lực tổ chức triển khai, có nguồn lực tốt; cho phép các quận, huyện, thị xã có nguồn lực, có khả năng cân đối được ngân sách, có năng lực tổ chức thực hiện tốt thì được sử dụng ngân sách cấp huyện để thực hiện các dự án chi ngân sách cấp thành phố (không phân biệt tính chất, quy mô, loại hình, lĩnh vực dự án). Đối với các dự án này, thành phố đã ủy quyền cho cấp huyện toàn bộ các thủ tục hành chính được phép theo 3 quy định: Giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư; thẩm định và phê duyệt dự án, thẩm định và phê duyệt dự toán; thẩm định và phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, thẩm định và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, thẩm định và phê duyệt quyết toán. Các quận, huyện, thị xã khác còn lại, thành phố sẽ giao các đơn vị làm chủ đầu tư các dự án cấp thành phố bằng ngân sách cấp thành phố.
Thực tế cho thấy, việc thực hiện phân cấp, ủy quyền không phải là không còn khó khăn, vướng mắc. Hiện tại, 12 quận, huyện (Ba Đình, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Long Biên, Đan Phượng, Hoài Đức, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Quốc Oai, Thanh Trì) báo cáo là khối lượng công việc nhiều theo phân cấp, ủy quyền nên còn thiếu biên chế, khó khăn trong giải quyết công việc.
Riêng quận Hoàn Kiếm cho rằng, việc tuyển dụng công chức chuyên trách, có bằng cấp chuyên ngành để giải quyết công việc được phân cấp, ủy quyền trong các lĩnh vực đặc thù, quan trọng (lĩnh vực du lịch cấp quận, lĩnh vực lao động - thương binh - xã hội cấp phường) còn khó khăn, số lượng công chức phường lĩnh vực này còn thiếu.
Trong khi đó, huyện Phúc Thọ và huyện Thanh Trì phản ánh, chế độ chính sách mặc dù đã có thay đổi, tuy nhiên đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động còn nhiều khó khăn. Nhiều công chức, viên chức chưa yên tâm công tác, sau khi trúng tuyển hoặc hết tập sự có nguyện vọng chuyển công tác (đa số do điều kiện đi lại, gia đình ở quá xa nơi làm việc).
Trước những khó khăn trên, các địa phương đã kiến nghị, đề xuất thành phố bổ sung biên chế cho các quận, huyện thực hiện nhiệm vụ được giao. Thành phố mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức nâng cao trình độ chuyên môn trong giải quyết thủ tục hành chính phát sinh trong lĩnh vực tổ chức phi chính phủ, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, tín ngưỡng, tôn giáo. Đặc biệt, quận Bắc Từ Liêm đề xuất bổ sung vị trí việc làm chuyên trách cho phòng nội vụ các quận, huyện, thị xã về công tác quản lý nhà nước về công tác hội. Quận Cầu Giấy đề xuất UBND thành phố và các sở, ngành quan tâm đặc biệt đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, văn minh; có hình thức khen thưởng, động viên kịp thời đối với người làm tốt, có sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hoàn thiện quy trình tiếp nhận, giải quyết công việc cho người dân và doanh nghiệp theo đúng quy định.
Ngoài ra, một số quận, huyện như: Hoàng Mai, Đông Anh, Thanh Trì, Quốc Oai, Ứng Hòa... cho rằng, nguồn lực còn hạn chế để đáp ứng yêu cầu phát triển địa phương; nguồn thu còn khó khăn, tỷ lệ phân chia phần trăm nguồn thu giữa các cấp ngân sách chưa bảo đảm yêu cầu phát triển; định mức chi thường xuyên còn thấp so với nhu cầu. Các địa phương kiến nghị thành phố điều chỉnh, bổ sung nguồn thu, tỷ lệ điều tiết nguồn thu cho quận, huyện để bảo đảm việc thực hiện các nhiệm vụ chi theo phân cấp; tăng định mức chi và hỗ trợ mục tiêu cho các huyện phát triển thành quận; hỗ trợ đặc thù cho các huyện khó khăn...
Những vấn đề trên đã được HĐND, UBND thành phố nắm bắt, từng bước tháo gỡ, tạo thuận lợi cho các đơn vị thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy sự phát triển của địa phương.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.