Bất động sản

Tháo “nút thắt” nhiều dự án bất động sản

Hồng Anh 14/12/2024 - 06:45

Trước thực trạng triển khai các dự án bất động sản trên địa bàn còn chậm, thậm chí gần như không có dự án mới được phê duyệt trong khi thị trường đang phát triển thiếu lành mạnh do khan hiếm nguồn cung, UBND thành phố Hà Nội đã xác định rõ các vướng mắc để xóa bỏ tình trạng này.

khoi-cong-xay-dung-du-an-nh.jpg
Khởi công xây dựng dự án nhà ở xã hội tại ô đất NO1 Khu đô thị Hạ Đình (quận Thanh Xuân). Ảnh: Triệu Hoa

Gỡ vướng dự án chậm, muộn

Đầu tháng 12-2024, dự án nhà ở xã hội tại ô đất NO1 Khu đô thị Hạ Đình (quận Thanh Xuân) bắt đầu thi công sau thời gian bỏ không, chậm triển khai. Trước đó, vì xảy ra một số vướng mắc do liên danh chủ đầu tư xin điều chỉnh quy hoạch, dự án này phải tuân thủ các quy định về quản lý, sử dụng vốn nhà nước và thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy nên dẫn tới chậm tiến độ. UBND thành phố đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với liên danh chủ đầu tư, đồng thời giao Sở Xây dựng nghiên cứu, tham mưu, từng bước giải quyết hài hòa các vướng mắc.

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, dự án đã khởi công theo đúng tiến độ cam kết, trở thành một trong số ít các dự án được khởi công trong năm 2024. Khu nhà ở xã hội này cũng là dấu ấn quan trọng trong nỗ lực thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước và thành phố Hà Nội.

Trước đó, vào cuối tháng 11-2024, chung cư CT1 với quy mô gần 600 căn thuộc khu nhà ở xã hội Thượng Thanh, quận Long Biên đã được Sở Xây dựng cấp giấy phép xây dựng. Đây là những động thái rất tích cực, đẩy nhanh tiến độ phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố, được kỳ vọng sẽ giúp sớm hạ nhiệt giá nhà, bảo đảm thị trường phát triển lành mạnh, cân bằng.

Thông tin từ Sở Xây dựng, từ nay đến năm 2025, trên địa bàn thành phố sẽ có 11 dự án hoàn thành với gần 6.000 căn, tương đương 345.000m2 sàn. Với tổng 19 căn dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025, thành phố đạt hơn 78% chỉ tiêu tại kế hoạch phát triển nhà ở xã hội với khoảng 15.440 căn, tương ứng 952.000m2 sàn.

Ngoài các dự án trên, nhiều dự án chậm triển khai nhiều năm qua đã được tháo gỡ vướng mắc. Cụ thể, đối với Dự án Công viên văn hóa, du lịch vui chơi giải trí Kim Quy, nhà đầu tư đang tập trung nguồn lực, phối hợp chặt chẽ với UBND huyện Đông Anh trong công tác giải phóng mặt bằng phần diện tích còn lại, hoàn thành dứt điểm trong năm 2024; thực hiện việc di chuyển đường điện cao thế theo hướng áp dụng tương tự, thống nhất với cách thức triển khai tại 2 dự án đầu tư khu trung tâm hội chợ triển lãm quốc gia và khu đô thị thành phố thông minh trên địa bàn huyện Đông Anh.

Đối với dự án xây dựng khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp, về chuyển đổi các hạng mục A2, A3, A4 sang nhà ở xã hội cho thuê, Sở Xây dựng, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng thành phố đang tích cực lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, tổ chức thẩm định, trình HĐND thành phố xem xét, thông qua chủ trương đầu tư tại phiên họp đầu năm 2025.

Ngoài ra, dự án khu nhà ở tái định cư thuộc Khu đô thị Đền Lừ III; dự án Tổ hợp hỗn hợp trung tâm thương mại, dịch vụ, văn hóa tại số 148 phố Giảng Võ hay dự án Trung tâm Nghiên cứu chuyển giao công nghệ và Giám định công nghệ tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, huyện Thạch Thất cũng đã được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đưa ra chỉ đạo với các mốc thời gian cụ thể nhằm xử lý dứt điểm tình trạng kéo dài, chậm triển khai, chậm đưa vào sử dụng.

Tiếp tục nhận diện khó khăn, giải quyết dứt điểm

Theo báo cáo của UBND thành phố, Hà Nội có tổng số 712 dự án vốn ngoài ngân sách chậm triển khai, trong đó đã có 705 dự án với tổng diện tích 11.345ha đất đã có kết luận thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm và chỉ đạo xử lý. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đã có 410 dự án được tháo gỡ, đưa ra khỏi danh sách cùng với các giải pháp tăng kiểm tra định kỳ, giám sát thực hiện.

Các chuyên gia bất động sản chỉ ra nhiều nguyên nhân khiến các dự án chậm triển khai, trong đó chủ yếu do vướng mắc liên quan đến những quy định pháp luật, thủ tục pháp lý thiếu rõ ràng, có sự thay đổi hoặc chủ đầu tư gặp khó khăn về tài chính. Tuy nhiên, dù với nguyên nhân chủ quan hay khách quan, thành phố nhìn nhận dự án chậm triển khai, chậm đưa vào sử dụng sẽ lãng phí. Do đó, các cấp lãnh đạo thành phố đã có những giải pháp quyết liệt và cụ thể đối với từng dự án, nhất là các dự án nhà ở tại khu trung tâm để giải quyết bài toán nhà ở cho người dân, đồng thời tránh lãng phí các nguồn lực...

“Sau gần 3 năm giá chung cư và nhà đất Hà Nội đã tăng 40-50%. Tình trạng nhiều dự án bất động sản gặp vướng mắc pháp lý đã dẫn đến việc khan hiếm nguồn cung, đẩy giá bất động sản tăng cao. Dự kiến, mức tăng này sẽ không dừng lại nếu nút thắt pháp lý của các dự án không được tháo gỡ”, Tiến sĩ Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhận định.

Đón đầu giai đoạn thị trường bất động sản đã có dấu hiệu khởi sắc rõ rệt khi chuẩn bị bước vào năm 2025, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã sẵn sàng chiến lược kinh doanh cũng như kế hoạch tài chính. Nhiều doanh nghiệp chủ động điều chỉnh chiến lược phát triển sản phẩm để phù hợp hơn với xu hướng thị trường đặc biệt là các sản phẩm thuộc phân khúc nhà ở vừa túi tiền, đáp ứng nhu cầu bộ phận lớn khách hàng.

Động thái này cùng với các chỉ đạo, giải pháp kịp thời được thành phố Hà Nội ban hành để tháo gỡ nút thắt về pháp lý sẽ là hai thành tố cần và đủ để các dự án tìm được “lối ra”. Thời điểm này, thành phố khẳng định sẽ tiếp tục nhận diện, rà soát, lập danh mục cụ thể để chỉ đạo các sở, ngành đánh giá tồn tại, vướng mắc cần tháo gỡ để giải quyết dứt điểm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tháo “nút thắt” nhiều dự án bất động sản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.