Hà Nội là địa bàn đứng thứ hai cả nước về số lượng các cơ sở bức xạ và hạt nhân. Trước nhu cầu phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử trong các ngành kinh tế - xã hội tăng trưởng nhanh, công tác quản lý an toàn bức xạ, bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ trên địa bàn Hà Nội đã được chú trọng và triển khai thực hiện có hiệu quả.
Những năm gần đây, các kỹ thuật hạt nhân tiên tiến, thiết bị bức xạ công nghệ cao được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, đặc biệt là các ứng dụng trong y tế, công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp và tài nguyên môi trường, xuất, nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa..., mang lại nhiều lợi ích to lớn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn thành phố Hà Nội có khoảng 250 cơ sở tiến hành công việc bức xạ (có sử dụng, lưu giữ nguồn phóng xạ; sản xuất, chế biến chất phóng xạ; sử dụng thiết bị bức xạ, vận hành thiết bị chiếu xạ; lưu giữ chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng); hơn 400 cơ sở tiến hành công việc bức xạ (sử dụng thiết bị X-quang chẩn đoán trong y tế).
Hằng năm, số lượng giấy phép cấp cho các công việc bức xạ, các loại hình thiết bị bức xạ, nguồn phóng xạ; giấy đăng ký cho các hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử đều tăng. Từ tháng 1-2022 đến hết tháng 12-2023, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã tiếp nhận và giải quyết hơn 700 hồ sơ. Đặc biệt, thiết bị X-quang có kỹ thuật cao, công nghệ hiện đại càng ngày càng được đầu tư và sử dụng rộng rãi, góp phần vào việc chẩn đoán điều trị tại các đơn vị y tế trên địa bàn.
Đi đôi với việc đẩy mạnh các hoạt động ứng dụng bức xạ và hạt nhân trong các ngành kinh tế - xã hội, thành phố Hà Nội cũng tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân nhằm giảm thiểu đến mức tối đa, hạn chế các nguy cơ tiềm ẩn có thể gây ra sự cố bức xạ và hạt nhân.
Sở Khoa học và Công nghệ luôn chú trọng công tác thông tin tuyên truyền phổ biến pháp luật cho các tổ chức, cá nhân, các cơ sở tiến hành công việc bức xạ để đưa các quy định của pháp luật về an toàn bức xạ và hạt nhân vào đời sống xã hội; giáo dục ý thức chấp hành pháp luật nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân. Các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, các quy định về việc thực hiện khai báo, cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ, chứng chỉ nhân viên bức xạ… cho các cơ sở sử dụng thiết bị X-quang chẩn đoán y tế và các cơ sở có nguồn phóng xạ được cập nhật đầy đủ trên trang web của Sở Khoa học và Công nghệ.
Các văn bản mới được phổ biến tới các đối tượng chịu sự tác động chính là các cơ sở tiến hành công việc bức xạ qua công tác thẩm định, các cuộc thanh tra, kiểm tra... nhằm nâng cao hiểu biết cho các tổ chức, cá nhân tiến hành công việc bức xạ. Đồng thời phối hợp với Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, Báo Hànộimới, tổ chức thực hiện nhiều bài viết, phóng sự truyền hình phát trên báo, đài để nâng cao nhận thức của cộng đồng về công tác an toàn bức xạ và hạt nhân.
Bên cạnh đó, Sở cũng tiến hành kiểm tra định kỳ hằng năm sau cấp phép nhằm xem xét sự tuân thủ, chấp hành pháp luật của đơn vị quản lý, sử dụng; xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân; tổ chức diễn tập ứng phó sự cố bức xạ.
Theo Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Tố Quyên, nhờ sự hỗ trợ, quan tâm chỉ đạo về chuyên môn của Bộ Khoa học và Công nghệ mà trực tiếp là Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, công tác quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân của Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã ngày một nâng cao. Đặc biệt, quy trình, thủ tục cấp phép đã minh bạch, công khai, kết hợp việc ứng dụng công nghệ thông tin giúp việc hướng dẫn, tiếp nhận và xử lý các hồ sơ cũng như giải quyết thắc mắc của người dân được nhanh gọn, rõ ràng. Công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra, chuẩn bị ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân được quan tâm...
Mặc dù đạt được một số kết quả song công tác quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân trên địa bàn Hà Nội vẫn còn một số vấn đề đặt ra. Đó là: Cơ sở dữ liệu về các đơn vị sử dụng nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ trên địa bàn chưa đồng bộ từ trung ương đến địa phương; thiếu cán bộ quản lý về an toàn bức xạ và hạt nhân; một số cơ sở chưa thực hiện tốt công tác báo cáo định kỳ về thực trạng an toàn bức xạ; chế tài xử phạt vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực năng lượng nguyên tử chưa đủ sức răn đe…
Bên cạnh những lợi ích và hiệu quả mang lại, ứng dụng bức xạ cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro, sự cố về mất an toàn, an ninh, có thể gây tác động tiêu cực đến con người, môi trường và xã hội như: Sự cố mất nguồn phóng xạ; vận chuyển nguồn, dược chất phóng xạ; nhiễm bẩn phóng xạ tại các bệnh viện có ứng dụng y học hạt nhân sử dụng thuốc phóng xạ (I-131)...
Vì vậy, việc nâng cao nhận thức, năng lực về phòng ngừa, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân cho cơ sở bức xạ, cơ quan quản lý, doanh nghiệp là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên.
Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội luôn chủ động và tích cực phối hợp với Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ Khoa học và Công nghệ), trực tiếp là Trung tâm Hỗ trợ kỹ thuật an toàn bức xạ và Ứng phó sự cố để định kỳ tổ chức diễn tập ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân trên địa bàn Hà Nội.
Mục đích của các cuộc diễn tập nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy và tổ chức hiệp đồng, phối hợp giữa các lực lượng để luôn luôn sẵn sàng ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân xảy ra trên địa bàn thành phố. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố về công tác bảo đảm an toàn bức xạ và an ninh nguồn phóng xạ.
Để tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn bức xạ hạt nhân trong thời gian tới, theo bà Nguyễn Tố Quyên, cần xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung để bảo đảm thông tin quản lý các đơn vị sử dụng nguồn phóng xạ, cơ sở tiến hành công việc bức xạ đồng bộ từ trung ương đến địa phương. Việc xây dựng có thể do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì thực hiện, các địa phương cập nhật, sử dụng trong công tác quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân. Bên cạnh đó, cũng cần nâng cấp các kho lưu giữ nguồn phóng xạ đã qua sử dụng, có cơ chế hỗ trợ phù hợp đối với các đơn vị có nguồn phóng xạ đã qua sử dụng để bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.