Từng đối mặt với thách thức ô nhiễm môi trường từ chăn nuôi nhỏ lẻ, xã Minh Châu (huyện Ba Vì) đã tiên phong thực hiện mô hình hợp tác xã mua chất thải chăn nuôi. Đây là mô hình mới, giúp giải quyết hiệu quả bài toán môi trường, hứa hẹn trở thành giải pháp xử lý chất thải bền vững cho các vùng chăn nuôi ở Ba Vì và địa phương lân cận...
Bán chất thải thu tiền triệu
Xã Minh Châu hiện có khoảng 5.000 con bò thịt, chủ yếu được nuôi theo quy mô hộ gia đình, 2-5 con/hộ. Tuy nhiên, lượng chất thải lớn từ chăn nuôi xả thẳng ra hệ thống cống rãnh, ao, hồ trong khu dân cư, gây ứ đọng, ô nhiễm nguồn nước ngầm và không khí. Khí amoniac (NH3), mê-tan (CH4) từ chuồng trại thải ra, không chỉ giảm chất lượng môi trường sống, mà còn tăng nguy cơ bệnh về hô hấp, da liễu...
Trước thực trạng này, xã Minh Châu xác định xử lý chất thải chăn nuôi là nhiệm vụ trọng tâm để bảo vệ môi trường, hướng đến phát triển bền vững. Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ và Dịch vụ bảo vệ môi trường Minh Châu (Hợp tác xã (HTX) Minh Châu Organic Farm) đuợc thành lập, đóng vai trò tiên phong trong xử lý chất thải chăn nuôi.
HTX Minh Châu Organic Farm đã triển khai chương trình thu mua chất thải từ các hộ chăn nuôi với mức giá 4.000 đồng/thùng. Người dân chỉ cần gom chất thải tại chuồng trại và vận chuyển đến HTX. Mỗi tháng, HTX xử lý hàng trăm tấn chất thải, trị giá khoảng 300 triệu đồng, giảm đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trường. Chất thải sau xử lý trở thành phân bón hữu cơ, thúc đẩy nền nông nghiệp sạch.
Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Minh Châu Organic Farm Ngô Thị Thanh Vân cho biết: "HTX được thành lập từ tâm huyết của các thành viên, nhằm bảo vệ môi trường và lan tỏa đến khu vực lân cận. Chúng tôi đã đầu tư hơn 3 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý chất thải ngay tại địa phương, biến chất thải thành nguồn tài nguyên giá trị. Ngoài việc thu mua chất thải, HTX còn phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức các hội thảo, phát tờ rơi, tuyên truyền sâu rộng về tầm quan trọng của việc xử lý chất thải đúng cách. Nội dung bảo vệ môi trường cũng được lồng ghép vào các chương trình sinh hoạt văn hóa cộng đồng, từng bước xây dựng ý thức tự giác trong mỗi người dân. Môi trường không chỉ là tài sản của hiện tại, mà còn là di sản cho thế hệ mai sau"...
Anh Nguyễn Danh Nhật, một hộ chăn nuôi 40 con bò sữa tại thôn Chu Châu, xã Minh Châu chia sẻ: "Chăn nuôi bò sữa mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng cũng gây áp lực lớn đến môi trường. Nhờ HTX đứng ra thu mua chất thải, mỗi tháng, gia đình tôi vừa có thêm thu nhập 10-15 triệu đồng, vừa cải thiện môi trường chăn nuôi. Ngoài ra, các loại rác thải hữu cơ trước đây bị bỏ phí, gây ô nhiễm môi trường, nay cũng bán được. Đây thực sự là mô hình nên nhân rộng"...
Hướng tới môi trường xanh, sạch, bền vững
Theo Chủ tịch UBND xã Minh Châu Nguyễn Danh Đạt, với sự phối hợp hiệu quả từ HTX Minh Châu Organic Farm và địa phương, xã Minh Châu đã giảm lượng chất thải thải ra môi trường lên đến 50%. Hiện toàn xã đã có 1.500 hộ được phát miễn phí 1.500 thùng chứa để thu gom chất thải và phân loại rác ngay tại nguồn. Các đoàn thể: Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ cũng tham gia tích cực trong tuyên truyền, vận động người dân thu gom nước thải vào hầm chứa biogas, xử lý triệt để trước khi thải ra ngoài.
Song song với hoạt động thu gom chất thải để bán, địa phương đang triển khai xử lý ô nhiễm hai ao trong khu dân cư tại các thôn: Chu Tràng, Chu Châu. "Tới đây, toàn bộ hệ thống cống rãnh, ao hồ của địa phương cũng được thu gom chất thải, làm sạch triệt để. Nếu thành công, cách làm này sẽ được nhân rộng sang nhiều khu vực khác, góp phần giảm tình trạng ô nhiễm, mà vẫn bảo đảm phát triển nông nghiệp, chăn nuôi", Chủ tịch UBND xã Minh Châu Nguyễn Danh Đạt cho biết.
Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ba Vì Nguyễn Thị Nam cho rằng, Ba Vì là vùng đất giàu tiềm năng về nông nghiệp và du lịch sinh thái. Tuy nhiên, bài toán xử lý chất thải chăn nuôi vẫn là thách thức lớn, khi địa phương có đàn bò thịt và bò sữa với số lượng đứng trong tốp đầu của thành phố. Các mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ, tuy mang lại lợi ích kinh tế đáng kể, song chưa được quản lý chặt chẽ, chất thải xử lý không triệt để, ảnh hưởng xấu đến môi trường sống và định hướng phát triển du lịch sinh thái... Vì vậy, mô hình thu gom, mua chất thải chăn nuôi sẽ được địa phương nhân rộng.
Về phía huyện, Ba Vì đang đầu tư cho các hợp tác xã và hộ chăn nuôi chuyển đổi sang phương thức sản xuất an toàn, thân thiện môi trường. Những chính sách hỗ trợ, gồm: Đầu tư hệ thống xử lý chất thải, tập huấn kỹ thuật sản xuất hữu cơ, xây dựng cơ chế khuyến khích người dân tham gia chuỗi giá trị bền vững.
Có thể thấy, việc nỗ lực bảo vệ môi trường ở xã Minh Châu đang hướng đến tương lai bền vững và xanh hơn. Đây là mô hình hay cần được nhân rộng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.