(HNM) - Do điều kiện đặc thù, việc đặt, đổi tên đường, phố trên địa bàn Hà Nội hiện nay vẫn còn những bất cập, hạn chế. Tại hội nghị nâng cao chất lượng công tác đổi, đặt tên đường, phố và công trình công cộng do Sở VH&TT Hà Nội vừa tổ chức, các nhà khoa học và quản lý văn hóa cho rằng
Nhu cầu cấp thiết
Hà Nội là địa phương đi đầu trong cả nước xây dựng quy chế đổi, đặt tên đường phố và công trình công cộng cho nên việc đổi, đặt tên đường, phố và công trình công cộng ở Hà Nội hiện nay đã có nhiều chuyển biến tích cực so với những năm trước đó. Song, do tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều làng, xã ở Hà Nội xưa kia nay đã phát triển thành phường, thị trấn. Trong các phường, thị trấn ấy có rất nhiều đường, phố hình thành nhưng chưa có tên gọi, gây ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của nhân dân. Ở quận Long Biên, tuyến đường từ cuối phố Lâm Du (bể bơi Phương Hiền) đến cầu Thanh Trì dài gần 5km; đường trong Khu đô thị mới Việt Hưng (cạnh Vincom) đến điểm giao với quốc lộ 1B dài xấp xỉ 2km, rộng 48m; đường từ cầu Đông Trù đến Cầu Đuống, dài 3km, rộng 11m; đoạn đường từ cuối đường Cổ Linh (giao cắt với đường Thạch Bàn) đến nút giao cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, dài 1,85km, rộng 50m… và hàng chục đường, phố khác đã tồn tại nhiều năm đến nay vẫn chưa có tên. Tương tự, đại diện Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Gia Lâm phản ánh, gần 20 tuyến đường, phố bắt đầu từ đường Nguyễn Đức Thuận (nằm trên quốc lộ 5) hình thành nhiều năm chưa được đặt tên buộc người dân phải tự đặt, tự ghi biển tên để lấy địa chỉ giao dịch.
Góc phố Tăng Bạt Hổ, Yec Xanh. Ảnh: Minh Dũng |
Do đó, hệ thống đường, phố trong khu vực này có rất nhiều cái tên lạ như: Phố mới Kiên Trung, phố Trung Kiên, phố Kiên Thành, Km13 Đặng Xá, đường Ỷ Lan, Km8 thị trấn Trâu Quỳ, phố mới Khu đô thị Đặng Xá… Cách đường Nguyễn Đức Thuận chừng 500m, đoạn đường dài gần 1km đi qua xã Phú Thị có vô số tên gọi khác nhau (đường Phú Thị, Hapro, ngã ba Sủi, Phố Sủi, phố Trung tâm, Trân Tảo, Linh Quy Bắc, đường 181, Cầu Giàng…). Đáng nói hơn, nhiều khu đô thị ở huyện Gia Lâm đã đi vào hoạt động, các tuyến đường trong khu đô thị cũng đủ điều kiện hạ tầng để đặt tên, song lấy tên địa danh cổ để đặt cho các con đường này thì không được, lấy tên danh nhân lại càng không vì mỗi khu đô thị có vài chục con đường, mỗi con đường có một cái tên khác nhau thì ngân hàng tên sẽ không "cung ứng" đủ.
Tại huyện Đông Anh, việc đặt tên đường phố cũng "rối như canh hẹ". Suốt 11 năm, từ năm 2004 đến 2015, huyện Đông Anh chỉ có 30 đường, phố được đặt tên, trong khi nhu cầu thực tế lớn hơn rất nhiều. "Do nhu cầu giao dịch, đi lại, các khu dân cư hiện nay tự đặt tên cho đường của làng, xã mình theo địa danh xóm làng nên Đông Anh hiện nay mới có các con đường tạm thời mang tên Văn Học, Ao Dài, Lộc Hà, Tiên Hội, Cổ Loa, Cổ Dương, Vân Trì, Nam Hồng…", bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin Đông Anh, cho biết. Theo thống kê, việc nhân dân tự đặt tên cho đường, phố mới tồn tại ở tất cả những quận mới và các huyện ngoại thành. "Kỳ họp HĐND nào quận Cầu Giấy cũng nhận được nhiều ý kiến phản ánh của người dân về việc bao giờ những đường, phố mới hình thành sẽ được đặt tên. Tình trạng phố không tên chưa được khắc phục gây ra những ảnh hưởng không nhỏ tới việc sinh hoạt, giao thương, buôn bán của nhân dân", đại diện Phòng Văn hóa - Thông tin quận Cầu Giấy khẳng định.
Cần mở rộng ngân hàng tên
Nhìn nhận việc nhiều tuyến, đường phố trên địa bàn Hà Nội chưa có tên chính thức một mặt là do ngân hàng dữ liệu về tên đường, phố đã cạn; mặt khác do thiếu quy hoạch và dự báo, TS Phạm Quốc Quân, Ủy viên Hội đồng DSVH quốc gia kiến nghị các ngành chức năng của Hà Nội cần có cái nhìn cởi mở, khoa học hơn về vấn đề này. Trước mắt, thay vì quá chú ý tới việc chọn tên danh nhân, Hà Nội có thể quan tâm tới các địa danh lịch sử và các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đặc biệt để đặt tên cho đường, phố, công trình công cộng, bởi đây là kho dữ liệu vô cùng lớn. Bên cạnh đó, Hà Nội nên xây dựng các tiêu chí cụ thể, khoa học cho việc đổi, đặt tên đường, phố và công trình công cộng làm căn cứ cho các ngành, các địa phương thực hiện. "Trong tương lai, Hà Nội nên xây dựng quy hoạch và đưa ra các dự báo về xu hướng phát triển của hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông để có thể chủ động hơn trong việc đổi, đặt tên đường phố, tránh tình trạng bị động như hiện nay", TS Phạm Quốc Quân nói.
Đồng tình với quan điểm này, GS Phan Huy Lê (Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam) nhấn mạnh: Hà Nội là Thủ đô của một nước nên việc lựa chọn tên địa danh để đặt cho tên đường, phố không nhất thiết chỉ bó hẹp trong phạm vi Hà Nội mà có thể lựa chọn các địa danh tiêu biểu của Việt Nam hoặc quốc tế. Đó có thể là những cái tên như: Sài Gòn, Hoàng Sa, Trường Sa và nhiều tên khác nữa, tương tự như TP Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) đã có phố mang tên Hà Nội. Về việc quy hoạch, dự báo tên đường, phố, GS Phan Huy Lê cho rằng, Hà Nội nên tiến hành cuộc tổng kiểm kê, rà soát lại việc đổi, đặt tên đường phố trên toàn địa bàn làm cơ sở khoa học và thực tiễn trước khi thực hiện. Việc này cần có sự phối hợp chặt chẽ của nhiều ngành, chứ không riêng ngành văn hóa.
Ở góc độ khác, đại diện phòng văn hóa - thông tin các quận, huyện, thị xã đề nghị thành phố để các địa phương chủ động đề xuất tên dự kiến cho các đường, phố trên địa bàn, sau đó Hội đồng đặt, đổi tên đường, phố đi kiểm tra và thẩm định nhằm rút ngắn thời gian và quy trình đổi, đặt tên. Để mở rộng ngân hàng tên, các địa phương cũng đề nghị thành phố sửa đổi, bổ sung một số điều trong quy chế đổi, đặt tên đường, phố hiện hành cho phù hợp với tình hình thực tiễn...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.