Chính trị

Đánh giá kỹ tác động khi đổi tên Tòa án nhân dân các cấp

Đình Hiệp 09/11/2023 - 19:06

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV, chiều 9-11, các đại biểu thảo luận ở tổ về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).

d-2.jpg
Các đại biểu Quốc hội đoàn thành phố Hà Nội thảo luận tại tổ chiều 9-11.

Không quy định lại những vấn đề luật khác quy định

d-3.jpg
Đại biểu Quốc hội Lê Nhật Thành (Đoàn Hà Nội) phát biểu.

Góp ý vào nội dung dự thảo Luật, đại biểu Lê Nhật Thành (Đoàn Hà Nội) cho biết, dự thảo Luật cần tiếp tục kế thừa quy định của Luật hiện hành đã phát huy hiệu quả thời gian qua. Đồng thời, dự thảo luật này về bản chất là một luật quy định về tổ chức bộ máy, nên đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo không quy định sang các lĩnh vực khác, không quy định lại những vấn đề luật khác đã quy định. Tất cả quy định mới phải bảo đảm tính thống nhất.

Đại biểu Lê Nhật Thành cho biết, trong dự thảo Luật, dự kiến đổi tên Tòa án nhân dân các cấp nhưng không thay đổi về chức năng, nhiệm vụ và vẫn dùng tên tỉnh và thành phố, địa phương đặt sau cụm từ sơ thẩm, phúc thẩm. Vì thế, cơ quan chủ trì soạn thảo cần đánh giá kỹ lưỡng giữa chi phí và lợi ích của việc đổi tên (cần phải sửa đổi bao nhiêu văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và chi phí cho việc sửa đổi con dấu, biển hiệu, các loại mẫu giấy tờ, bảng chức danh…) và bảo đảm tính đồng bộ với các cơ quan tiến hành tố tụng khác như thế nào?

d-1.jpg
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội phát biểu.

Thảo luận tại tổ, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bởi sau 8 năm thi hành, Luật Tòa án nhân dân đã bộc lộ những tồn tại, vướng mắc. Hơn nữa, cần thiết phải tổng kết, sửa đổi luật để giải quyết những vấn đề mới đặt ra trong bối cảnh, tình hình hiện nay cũng như thời gian tới.

Dù vậy, đại biểu Nguyễn Hải Trung cho biết, còn băn khoăn về hai nội dung. Trước hết, theo tờ trình về dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp đều nhấn mạnh, việc xây dựng luật phải phù hợp với thể chế của Việt Nam. Cụ thể, Tờ trình dự thảo luật nêu rõ, việc xây dựng dự án Luật phải bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, thể chế hóa được các chủ trương, nghị quyết của Đảng; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật…

“Thể chế của Việt Nam là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ. Quyền lực Nhà nước là tập trung thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa 3 quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Trong Nghị quyết số 49-NQ/TƯ đã nêu và khi tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 49 cũng đã bổ sung quan điểm phải có sự giám sát lẫn nhau giữa 3 quyền này”, Trung tướng Nguyễn Hải Trung nói.

Đại biểu Nguyễn Hải Trung đặt câu hỏi: “Thực tế dự thảo Luật đã phù hợp với thể chế này hay chưa? Đây là vấn đề còn ý kiến băn khoăn thì chúng ta phải giải đáp cho thấu đáo”.

Vấn đề băn khoăn thứ hai mà đại biểu Nguyễn Hải Trung nêu ra, theo dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) thì hoạt động xét xử của Tòa án hoàn toàn là nhánh tư pháp. Trong khi đó, theo Nghị quyết số 49-NQ/TƯ và theo nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác thì vấn đề tư pháp rất rộng. Tư pháp bao gồm cả hoạt động của cơ quan điều tra; hoạt động hỗ trợ tư pháp của ngành công an như bảo vệ, dẫn giải, áp giải ra phiên tòa; rồi cả vấn đề về bổ trợ tư pháp.

Cần cân nhắc

Phát biểu tại tổ, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình (đại biểu Đoàn Bắc Giang) cho hay, về nội dung đổi tên tòa án cấp tỉnh thành tòa án phúc thẩm và tòa án cấp huyện thành tòa án sơ thẩm, vẫn còn nhiều ý kiến. Đại biểu nêu việc đổi tên này thực hiện theo đúng Nghị quyết về tổ chức tòa án theo thẩm quyền xét xử. Thẩm quyền xét xử theo Hiến pháp quy định 2 cấp là phúc thẩm, sơ thẩm. Trường hợp đặc biệt có giám đốc thẩm, tái thẩm.

hoa-binh.jpg
Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu.

“Tổ chức tòa án theo thẩm quyền xét xử là đúng bản chất tố tụng, phù hợp thẩm quyền, bảo đảm tính độc lập và cũng phù hợp với tổ chức tòa án quốc tế. Các nước họ cũng tổ chức theo thẩm quyền xét xử”, đại biểu Nguyễn Hòa Bình nói.

Đại biểu Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, ở đây cần hiểu rõ tòa án là cơ quan xét xử của Nhà nước, thực hiện quyền tài phán quốc gia, chứ không phải quyền tài phán của huyện, tỉnh. Việc tổ chức theo tỉnh, huyện có thể dễ ngộ nhận là tỉnh chỉ đạo huyện về mặt hành chính, không bảo đảm độc lập.

“Việc đổi này đơn thuần là một cái tên nhưng nội hàm là bước tiến lớn, phù hợp với các quy định chung của thế giới, phù hợp với truyền thống pháp lý của chúng ta”, đại biểu Nguyễn Hoà Bình nêu rõ.

mai-van-hai(1).jpg
Đại biểu Quốc hội Mai Văn Hải (Đoàn Thanh Hóa) phát biểu.

Tại thảo luận tổ, đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn Thanh Hóa) cho biết, về tổ chức bộ máy tòa án, dự luật quy định tổ chức Tòa án nhân dân phúc thẩm thay cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân sơ thẩm thay cho Tòa án nhân dân cấp huyện. Về đề xuất thay đổi này, ông Hải cho rằng, phải cân nhắc. Bởi chức năng, nhiệm vụ của Tòa sơ thẩm, phúc thẩm vẫn giống như Tòa án nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh.

“Nên chăng đặt ra vấn đề đổi tên hay không?”, ông Hải đặt câu hỏi và nêu vấn đề, đi kèm với sự thay đổi này là một loạt thủ tục hành chính thay đổi.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đánh giá kỹ tác động khi đổi tên Tòa án nhân dân các cấp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.