Văn hóa

Tin tức đặc biệt trên báo in Hànộimới ngày 13-12-2024

Chí Kiên 13/12/2024 - 06:13

Hơn 700 dự án được rà soát, kết luận thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm; Hệ thống bảo tàng trong thời đại số: Đổi mới, sáng tạo để hút khách; OCOP - Nâng cao giá trị cho làng nghề; 30 công trình còn tồn tại về phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn Hà Nội: Từng bước khắc phục, bảo đảm an toàn… là những thông tin đáng chú ý trên báo in Hànộimới số ra ngày 13-12-2024.

Sớm đưa các nghị quyết vào cuộc sống

cac-dai-bieu-bieu-quyet-thong-qua-nghi-quyet-quy-dinh-thuc-hien-vung-phat-thai-thap-tren-dia-ban-thanh-pho-ha-noi.-anh-nhat-nam.jpg
Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết quy định thực hiện vùng phát thải thấp trên địa bàn thành phố Hà Nội. Ảnh Nhật Nam

Sáng qua, 12-12, sau 3 ngày rưỡi làm việc nghiêm túc, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, kỳ họp thứ hai mươi, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI đã thành công tốt đẹp, hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra và tiến hành phiên họp bế mạc.

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh: “Ngay sau kỳ họp này, HĐND thành phố đề nghị, UBND thành phố, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, xây dựng kế hoạch, chủ động tổ chức triển khai, bảo đảm các nghị quyết của HĐND thành phố được tổ chức thực hiện kịp thời, đầy đủ, sớm đi vào cuộc sống và đạt hiệu quả thiết thực”.

Hơn 700 dự án được rà soát, kết luận thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm

ha-noi-ra-soat-xu-ly-cac-du-an-von-ngoai-ngan-sach-nha-nuoc-co-su-dung-dat-cham-trien-khai-tren-dia-ban-thanh-pho.-anh-ha-thai.png
Hà Nội thực hiện rà soát, xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách nhà nước có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn thành phố. Ảnh: Hà Thái

UBND thành phố Hà Nội xác định 712 dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ và ban hành kế hoạch để xử lý, giải quyết theo Nghị quyết số 04/NQ-HĐND ngày 8-4-2022 của HĐND thành phố Hà Nội về biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đến tháng 11-2024, đã có 706 dự án (chiếm 99,2%) với tổng diện tích 11.352ha đất đã được rà soát, kết luận thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm và chỉ đạo xử lý. Đây là nội dung được UBND thành phố báo cáo HĐND thành phố tại kỳ họp thứ hai mươi.

Hệ thống bảo tàng trong thời đại số: Đổi mới, sáng tạo để hút khách

Trong kỷ nguyên số, hệ thống các bảo tàng với vai trò lưu giữ những hình ảnh, hiện vật của quá khứ đang đứng trước bài toán cần phải đổi mới để thu hút khách. Trước yêu cầu này, không ít bảo tàng có cách làm sáng tạo, hấp dẫn, qua đó góp phần vào việc giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc tới người dân, du khách trong và ngoài nước.

cac-khong-gian-trung-bay-tai-bao-tang-lich-su-quan-su-viet-nam-thu-hut-nguoi-dan-den-tham-quan.-anh-nguyen-quang.jpg
Các không gian trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam thu hút đông đảo người dân đến tham quan. Ảnh: Nguyễn Quang

Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua (tháng 11-2024) đã bổ sung nhiệm vụ mới cho bảo tàng. Đó là không chỉ dừng lại ở chức năng sưu tầm, bảo quản và trưng bày hiện vật, bảo tàng còn có nhiệm vụ diễn giải, giáo dục và truyền thông di sản văn hóa thuộc đối tượng và phạm vi hoạt động. Điều này cũng đặt ra bài toán cho các bảo tàng cần mạnh dạn đổi mới tư duy trong quản lý, vận hành, tổ chức trưng bày và quảng bá, từ đó phát huy tốt vai trò của bảo tàng trong đời sống đương đại.

OCOP - Nâng cao giá trị cho làng nghề

Trong số hơn 2.900 sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) được Hà Nội chứng nhận, có tới hơn 770 sản phẩm đến từ các làng nghề. Đây là lợi thế rất lớn của Thủ đô trong việc khai thác hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn. Điều này khẳng định làng nghề vẫn là một trong những khu vực còn nhiều dư địa phát triển sản phẩm OCOP, từ đó nâng cao giá trị kinh tế và thu nhập cho người dân.

san-xuat-san-pham-ocop-tai-cong-ty-co-phan-gom-su-quang-vinh-xa-bat-trang-huyen-gia-lam-.-anh-nguyen-quang.jpg
Sản xuất sản phẩm OCOP tại Công ty cổ phần Gốm sứ Quang Vinh (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm). Ảnh: Nguyễn Quang

Thành phố hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 334 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc địa bàn 25 quận, huyện, thị xã. Mỗi làng nghề ở Hà Nội đều có thế mạnh riêng, tạo ra những sản phẩm vừa thân thiện với môi trường, vừa đậm bản sắc văn hóa dân tộc, cũng như đem lại hiệu quả kinh tế ngày càng cao cho người làm nghề.

30 công trình còn tồn tại về phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn Hà Nội: Từng bước khắc phục, bảo đảm an toàn

Những tồn tại về phòng cháy, chữa cháy tại 30 công trình đã được UBND thành phố Hà Nội "chỉ mặt, điểm tên". Các cơ quan, đơn vị liên quan đã, đang triển khai, xây dựng kế hoạch khắc phục. Bằng nhiều giải pháp, tiếp cận từ nhiều hướng, công tác khắc phục đã và đang được các đơn vị nỗ lực thực hiện trên tinh thần ở mức tối đa.

hang-muc-nha-a1-benh-vien-da-khoa-huyen-thach-that-chua-duoc-nghiem-thu-ve-phong-chay-chua-chay..jpg
Hạng mục nhà A1, Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy.

Trong đó, UBND thành phố Hà Nội vừa tiếp tục có Công văn số 3832/UBND-NC ngày 19-1-2024, yêu cầu các cơ quan, đơn vị cam kết không để xảy ra cháy, nổ tại trụ sở cơ quan, đơn vị... Đây là thách thức không nhỏ nên các cơ quan, đơn vị càng phải nâng cao ý thức trong phòng ngừa và chủ động khắc phục tồn tại với tiến độ nhanh nhất nhằm bảo đảm an toàn trong quá trình hoạt động.
Chí Kiên

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tin tức đặc biệt trên báo in Hànộimới ngày 13-12-2024

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.