(HNM) - Một chiến dịch quân sự mới vừa được Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phát động nhằm vào lực lượng dân quân người Kurd tại khu vực Đông Bắc Syria.
Chiến dịch quân sự mới của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria làm tăng nguy cơ bất ổn tại khu vực. |
Trong vòng 2 năm trở lại đây, tình trạng căng thẳng càng leo thang tại Syria sau khi Thổ Nhĩ Kỳ phát động các chiến dịch quân sự, mới đây nhất là chiến dịch "Cành ô liu" tại khu vực miền Bắc Syria. Các chiến dịch này giúp quân đội Thổ Nhĩ Kỳ chiếm được 282 thị trấn và làng mạc, trong đó có TP Afrin. Tuy nhiên, các hoạt động quân sự chỉ diễn ra ở bờ Tây sông Euphrates và không vươn xa hơn về khu vực bờ Đông nơi có binh sĩ Mỹ đóng quân nhằm tránh các cuộc đụng độ trực tiếp.
Thế nhưng, chiến dịch quân sự vừa được công bố sẽ triển khai trong vài ngày tới tại khu vực bờ Đông sông Euphrates, nơi có khoảng 2.000 binh sĩ Mỹ đang đóng quân. Theo Tổng thống R.Erdogan, bước đi này giúp hướng tới một giải pháp chính trị và hợp tác thuận lợi hơn. Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ còn nhấn mạnh, mục tiêu của chiến dịch không nhằm vào binh sĩ Mỹ mà là các phần tử khủng bố đang hoạt động tại khu vực - ám chỉ các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) bị Ankara coi là tổ chức khủng bố và có liên hệ với đảng Công nhân người Kurd (PKK).
Từ lâu lực lượng PKK đã nhận được sự hậu thuẫn của Mỹ và được Washington coi là nòng cốt trong cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Tuyên bố của Tổng thống R.Erdogan được đưa ra chỉ một ngày sau khi Mỹ bắt đầu dựng các trạm quan sát tại miền Bắc Syria nhằm giảm xung đột giữa quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng dân quân người Kurd do Mỹ ủng hộ, bất chấp phản đối của Ankara. Những khác biệt liên quan đến vấn đề YPG vẫn luôn thường trực và được coi là dấu hiệu cho thấy bất đồng ngày càng lớn giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ liên quan đến cuộc chiến Syria.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã có nhiều động thái nhằm xoa dịu đồng minh quan trọng tại khu vực. Đại diện đặc biệt của Mỹ về can dự Syria James Jeffrey và Đặc phái viên về Syria Joel Rayburn đã có chuyến đi tới Thổ Nhĩ Kỳ để thảo luận với các quan chức quân sự của Ankara về tình hình tại miền Đông Syria. Trước đó, tháng 6-2018, hai bên đã nhất trí về lộ trình rút các tay súng người Kurd do Mỹ hậu thuẫn khỏi thị trấn Manbij. Tuy nhiên, những nỗ lực này không đủ giải tỏa mối lo ngại của Thổ Nhĩ Kỳ khi nhiều lần tỏ ra thất vọng với sự chậm trễ, thiếu trung thực của Mỹ trong việc thực hiện các thỏa thuận chung. Việc hóa giải những mâu thuẫn tiếp tục gặp trở ngại khi ông chủ Nhà Trắng duy trì sự ủng hộ đối với Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman, người đang bị Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc có liên quan đến vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi tại Lãnh sự quán Saudi Arabia ở TP Istanbul.
Những động thái mới nhất diễn ra trong bối cảnh cuộc xung đột tại Syria đã bước sang năm thứ 8 và vẫn còn nhiều rối ren. Căng thẳng trong quá trình triển khai chiến dịch này chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng tới tiến trình hòa giải dân tộc của Syria, trong đó lợi ích của người Kurd là một trong những vấn đề cốt lõi không thể không bàn tới. Dù nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã nhấn mạnh, mâu thuẫn trước mắt về Syria không thể cản trở sự phát triển quan hệ giữa Ankara và Washington, nhưng giới quan sát nhận định những toan tính riêng của các bên khi giải pháp quân sự đang dần được thay thế bằng giải pháp chính trị vẫn sẽ là trở ngại lớn cho hòa bình Syria.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.