(HNM) - Lâu nay, có tình trạng khá phổ biến ở các cấp là không rõ trách nhiệm: Trách nhiệm cá nhân thường lẫn vào trách nhiệm tập thể, thực chất là không ai chịu trách nhiệm cuối cùng. Nguyên tắc "tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách" thực tế nhiều nơi chỉ là hình thức.
Do vậy, vừa có đất cho cá nhân dựa dẫm vào tập thể, vừa không khuyến khích người đứng đầu nhiệt tình, tâm huyết, dám nghĩ, dám làm; tạo kẽ hở cho cách làm tắc trách, trì trệ, hoặc lạm dụng quyền lực một cách tinh vi để mưu cầu lợi ích cá nhân.
Thời gian gần đây trên địa bàn thành phố tái bùng phát tình trạng vi phạm trật tự xây dựng. Có phường, cùng một thời điểm xuất hiện nhiều công trình vi phạm với quy mô lớn mà không được kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý dứt điểm ngay từ đầu. Khi sự việc được dư luận, báo chí phơi bày, kiểm điểm nguyên nhân thiếu sót thì chủ yếu là: "do cấp ủy, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc công tác lãnh đạo, chỉ đạo và có lúc buông lỏng công tác quản lý trật tự xây dựng. Mặt khác, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo còn thiếu kiểm tra, giám sát, nể nang, né tránh, dung túng, bao che đối với các vi phạm…", tuyệt nhiên không đề cập trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, người được giao phụ trách lĩnh vực xảy ra sai phạm.
Mới đây, sự kiện "làm mới" di tích lịch sử cấp quốc gia chùa Trăm Gian, xã Tiên Phương (Chương Mỹ) khiến dư luận không khỏi bức xúc. Việc vi phạm là rất nghiêm trọng, bắt đầu từ ý thức và nhận thức chưa đúng của sư trụ trì, Ban quản lý di tích, cấp ủy, chính quyền từ xã, huyện, đến các sở, ngành. Nhưng khi đề cập đến hai chữ "trách nhiệm" cá nhân thì chẳng thấy ai dũng cảm dám nhận về mình. Người đứng đầu chính quyền địa phương sở tại còn cho rằng: "…việc làm như thế nào là trách nhiệm của nhà chùa". Sự việc diễn ra cả mấy tháng trời mà huyện không biết vì xã không báo cáo, sở chức năng không biết vì huyện không báo cáo…
Hai ví dụ trên đã phần nào nói lên tình trạng "khi xảy ra sai sót, khuyết điểm thì không ai chịu trách nhiệm" mà Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng chỉ rõ và yêu cầu phải chấn chỉnh kịp thời. Thiết nghĩ, song hành với việc đề cao vai trò, vị trí, xác định rõ thẩm quyền của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền thì điều quan trọng là cần quy định, xác định rõ trách nhiệm pháp lý của người đứng đầu, với những chế định cụ thể để người đứng đầu hoàn toàn phải chịu trách nhiệm trước tổ chức, trước Đảng, Nhà nước và nhân dân về việc thực thi quyền lực, trách nhiệm với công việc của họ. Có như vậy, mới khắc phục tình trạng "đổ lỗi" hoặc "tranh công"...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.