Ứng dụng công nghệ thông tin và coi trọng nguồn nhân lực là giải pháp được thành phố Hà Nội triển khai nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác tiếp công dân, chìa khóa để giải quyết khiếu nại, tố cáo, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Kiện toàn đội ngũ cán bộ tiếp công dân có năng lực
Thống kê năm 2023, các cơ quan hành chính của thành phố đã tiếp 22.858 lượt công dân (giảm 5,7% so với cùng kỳ năm 2022). Thực hiện quy định về việc tiếp công dân định kỳ và đột xuất của thủ trưởng đơn vị, lãnh đạo các cơ quan hành chính của thành phố đã tiếp 11.751 lượt công dân (tăng 6,5% so với cùng kỳ), trong đó lãnh đạo UBND thành phố tiếp 297 lượt công dân; lãnh đạo các quận, huyện, thị xã, sở, ngành tiếp 11.617 lượt công dân (cấp huyện tiếp 6.898 lượt; cấp xã tiếp 4.570 lượt; sở, ngành tiếp 149 lượt).
Các đơn vị, địa phương đã thực hiện đúng quy định của pháp luật về tổ chức tiếp công dân; bố trí cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu công việc; thường xuyên kiện toàn đội ngũ cán bộ tiếp công dân có năng lực chuyên môn, nắm vững chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; thực hiện đúng quy định về chế độ chính sách đối với người làm nhiệm vụ tiếp công dân.
Chú trọng kiểm tra, giám sát công tác tiếp công dân tại cơ sở, từ năm 2023, Hà Nội đã thành lập Đoàn kiểm tra việc thực hiện công tác tiếp công dân, xử lý, giải quyết đơn, thư khiếu nại, đơn tố cáo, kiến nghị, phản ánh; việc thực hiện nội dung chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố về giải quyết đơn thư trên địa bàn Thủ đô. Đoàn kiểm tra đã tiến hành kiểm tra tại 9 đơn vị gồm: Sở Tài nguyên và Môi trường; UBND các quận, huyện: Đống Đa, Thanh Trì, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Thanh Oai, Phúc Thọ, Hoài Đức và Thạch Thất. Kết quả kiểm tra đến đầu năm 2024 cho thấy, công tác tiếp công dân được lãnh đạo UBND các quận, huyện, thủ trưởng đơn vị quan tâm chỉ đạo, giải quyết; tổ chức bộ máy, cán bộ công chức tiếp công dân của UBND quận, huyện, thị xã, UBND phường, xã, thị trấn được triển khai theo đúng quy định của Luật Tiếp công dân.
Theo Phó Chánh Văn phòng UBND thành phố, Trưởng ban Tiếp công dân thành phố Cù Ngọc Trang, qua kiểm tra, đoàn đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế. Trong đó đáng chú ý là tại một số đơn vị, việc phân công các cơ quan (ban tiếp công dân, thanh tra, các phòng chuyên môn) tham mưu, theo dõi, tổng hợp, kiểm tra, đôn đốc còn chồng chéo, chưa rõ người, rõ việc, dẫn đến kém hiệu quả trong công tác chung. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác tiếp công dân chưa được khoa học, hiệu quả...
Ngoài ra, thống kê nhiều năm gần đây cho thấy, số lượt tiếp công dân của Hà Nội là rất lớn. Vì vậy, cán bộ, công chức làm nhiệm vụ tiếp công dân phải chịu sức ép lớn do áp lực và tính chất công việc cũng như thời gian thực hiện.
Ứng dụng công nghệ, quan tâm đội ngũ thực thi nhiệm vụ
Phó Trưởng ban Tiếp công dân thành phố Phạm Đình Thực cho biết, công tác tiếp công dân là giai đoạn đầu và nếu làm tốt, đây là chìa khóa để giải quyết khiếu nại, tố cáo, qua đó bảo vệ lợi ích của tập thể, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng tiếp công dân, xử lý đơn thư được xác định là nhiệm vụ quan trọng, được triển khai theo hướng vừa đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, vừa quan tâm lựa chọn đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp công dân.
Hà Nội đã đưa vào vận hành hiệu quả kênh tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp về quy định hành chính qua ứng dụng Zalo. Thành phố cũng giao Văn phòng UBND thành phố chủ trì cùng Thanh tra thành phố và các đơn vị liên quan trên cơ sở kết quả xây dựng và triển khai, tiếp tục hoàn thiện phần mềm hệ thống quản lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh kiến nghị tại Ban Tiếp công dân thành phố. Đồng thời thực hiện thí điểm việc tiếp công dân bằng hình thức trực tuyến tại Trụ sở Tiếp công dân thành phố đối với công dân 4 quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Ba Vì, Quốc Oai và Mỹ Đức. Qua đó thúc đẩy hiệu quả hơn công tác tiếp dân, tháo gỡ nhiều vấn đề ngay từ cơ sở.
Bên cạnh đó, Nghị quyết của HĐND thành phố quy định chính sách hỗ trợ đối với công tác tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại các trụ sở tiếp công dân hoặc địa điểm tiếp công dân cấp thành phố và cấp huyện thuộc thành phố được ban hành là sự quan tâm, động viên đối với cán bộ làm công tác tiếp công dân và xử lý đơn, thư.
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, thành phố giao chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã; thủ trưởng các sở, ban, ngành chỉ đạo kiểm tra, rà soát kiện toàn Ban Tiếp công dân, bộ phận tiếp công dân bảo đảm bố trí đủ cán bộ, công chức có năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức thực hiện công tác này theo quy định. Cùng với đó là rà soát chức năng, nhiệm vụ, sự phân công, phối hợp giữa các đơn vị trong công tác tiếp công dân, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, tham mưu, nhất là trong công tác theo dõi, tổng hợp, kiểm tra, đôn đốc… bảo đảm rõ người, rõ việc.
Đặc biệt, các địa phương, đơn vị quan tâm bố trí cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác tiếp công dân với tinh thần phục vụ nhân dân, đáp ứng yêu cầu công việc.
Chánh Thanh tra thành phố Hà Nội Trần Đức Hoạt:
Chấn chỉnh, khắc phục những thiếu sót
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ngày càng được quan tâm hơn; nhận thức, trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân của người đứng đầu các cấp, các ngành và đội ngũ cán bộ tham mưu, giúp việc có nhiều chuyển biến tích cực. Bên cạnh đó, nhằm góp phần nâng cao chất lượng hoạt động tiếp công dân tại các đơn vị, hằng năm, Thanh tra thành phố tổ chức thực hiện công tác thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, qua đó đã kịp thời kiến nghị tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc, chấn chỉnh, khắc phục những thiếu sót trong công tác này.
Cùng với đó, ngành Thanh tra Hà Nội tiếp tục tăng cường tiếp, đối thoại với công dân, chủ động theo dõi, rà soát các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài; nắm chắc tình hình để phục vụ công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.
Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Võ Đăng Dũng:
Duy trì nghiêm túc lịch tiếp công dân định kỳ
Công tác tiếp công dân được quận Thanh Xuân quan tâm, chỉ đạo thực hiện, tổ chức bộ máy thường xuyên được củng cố, kiện toàn. UBND quận chỉ đạo Văn phòng HĐND và UBND quận, Ban Tiếp công dân quận tham mưu lịch tiếp công dân theo quý và niêm yết công khai trên Cổng thông tin điện tử quận, tại trụ sở tiếp công dân. Ban Tiếp công dân quận trực và thực hiện đầy đủ thời gian tiếp công dân; chuẩn bị, phục vụ tốt việc tiếp công dân của Thường trực HĐND quận, các ban, tổ đại biểu HĐND quận, lãnh đạo UBND quận theo quy định.
Lãnh đạo UBND quận duy trì nghiêm túc lịch tiếp công dân định kỳ vào ngày thứ ba, tuần thứ hai và tuần thứ tư hằng tháng để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, đồng thời giúp lãnh đạo UBND quận tiếp thu ý kiến của công dân, chỉ đạo xem xét, kết luận, quyết định giải quyết chính xác các vụ việc, yêu cầu các đơn vị tăng cường phối hợp trao đổi thông tin, nhất là trong việc phối hợp giải quyết các vụ khiếu nại phức tạp.
Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Cảnh:
Giải quyết kịp thời, dứt điểm các đề xuất, kiến nghị của công dân
Tại các buổi tiếp công dân, lãnh đạo UBND huyện Mỹ Đức đã tiếp thu, trả lời làm rõ một số nội dung công dân kiến nghị, phản ánh. Đồng thời giao Văn phòng UBND huyện chỉ đạo, đôn đốc các phòng, ban, ngành tham mưu hướng giải quyết thỏa đáng, trả lời cho công dân đúng quy trình, thời gian và quy định của pháp luật để người dân không phải đi lại vất vả, bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng cho người dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện.
Việc tiếp công dân là nhiệm vụ chung của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn huyện. Trong đó, các địa phương phải thường xuyên tăng cường quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, đặc biệt liên quan đến đất đai, tài nguyên - môi trường, giải phóng mặt bằng, trật tự xây dựng, đầu tư xây dựng nông thôn mới. Qua đó giải quyết kịp thời, dứt điểm các đề xuất, kiến nghị của công dân góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương.
Mai Hữu ghi
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.