Phòng cháy chữa cháy

Nêu cao vai trò người đứng đầu trong phòng cháy, chữa cháy

Đình Hiệp 31/12/2023 - 06:15

Thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TƯ ngày 25-6-2015 và Kết luận số 02-KL/TƯ ngày 18-5-2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy và chữa cháy, các cấp ủy Đảng thành phố Hà Nội luôn xác định công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên hằng ngày. Trong đó, thành phố đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của người đứng đầu tại các cơ quan, đơn vị về công tác này.

chay-1.jpg
Các lực lượng chức năng quận Hai Bà Trưng diễn tập công tác phòng cháy, chữa cháy.

Lấy chủ động phòng ngừa là chính

Năm 2023, trên địa bàn quận Hai Bà Trưng xảy ra 10 vụ cháy (giảm 9 vụ so với năm 2022), có 67 sự cố cháy được lực lượng tại chỗ và người dân dập tắt ngay từ ban đầu. Trung tá Nguyễn Khắc Nam, Phó Trưởng Công an quận cho biết, quận đã làm tốt công tác phòng cháy theo hướng lấy phòng ngừa là “cơ bản - chiến lược - lâu dài”. Trong đó, quận huy động tối đa các lực lượng tại chỗ và nhân dân tham gia chữa cháy, nhất là trong “thời điểm vàng” 5 phút kể từ khi vụ cháy xảy ra với phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ). Nhờ đó, trong năm, quận đã ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới không để xảy ra cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Báo cáo của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cho thấy, trên địa bàn thành phố hiện có 150.621 cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy, trong đó có 8.824 cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ. Tình hình cháy, nổ trên địa bàn thành phố vẫn diễn biến phức tạp, tuy giảm về số vụ cháy nhưng thiệt hại về người và tài sản vẫn ở mức cao...

Báo cáo cũng chỉ ra các nhóm nguyên nhân, trong đó việc tham mưu cấp ủy, chính quyền tại một số địa bàn, đơn vị chưa thực sự quyết liệt, nhiều khi chưa kịp thời, đồng bộ, chiến lược lâu dài, tổng thể, hiệu lực, hiệu quả chưa cao. Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về phòng cháy, chữa cháy chưa nghiêm, chưa kiểm tra, đánh giá đầy đủ và hướng dẫn cơ sở khắc phục các hạn chế, thiếu sót về phòng cháy, chữa cháy, còn hiện tượng công trình bị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động nhưng vẫn lén lút hoạt động.

Đưa vào tiêu chí đánh giá của tổ chức cơ sở Đảng

Từ thực tiễn công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn thời gian qua, Phó Chủ tịch UBND phường Khương Trung (quận Thanh Xuân) Nguyễn Hữu Phúc cho rằng, cần nhân rộng các mô hình như Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy; điểm chữa cháy công cộng; khu dân cư, chung cư, tập thể an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, đồng thời mở lối thoát nạn thứ hai, cũng như đầu tư các bể nước ngầm để phục vụ cho công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Cùng với đó là thường xuyên diễn tập, thực hành cho nhân dân để xử lý thành thục khi có cháy, nổ xảy ra.

Bí thư Quận ủy Hoàng Mai Nguyễn Xuân Linh cho rằng, cần phát huy hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, doanh nghiệp và phát huy vai trò giám sát của HĐND, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn. Trong đó, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, hạn chế các vụ cháy, nổ, nhất là ở các khu vực có nguy cơ cao và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về phòng cháy, chữa cháy theo quy định.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu, cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị các cấp tiếp tục phổ biến, quán triệt thực hiện nghiêm Chỉ thị số 47-CT/TƯ ngày 25-6-2016 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy”; Kết luận số 02-KL/TƯ ngày 18-5-2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TƯ; Chỉ thị số 25-CT/TU ngày 20-9-2023 của Ban Thường vụ Thành ủy về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trên địa bàn thành phố trong tình hình mới.

Trong đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần xác định công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên hằng ngày. Nâng cao nhận thức, coi việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy là một tiêu chí đánh giá chất lượng hoạt động của tổ chức cơ sở Đảng, cơ quan, đơn vị, đoàn thể, hội viên, cán bộ, đảng viên, công nhân, viên chức và người lao động.

Đại tá Dương Đức Hải, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội:
Chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân

duc-hai.jpg

Thành phố đã bắt đầu triển khai đợt cao điểm, trong đó có nhiệm vụ bảo đảm an toàn cháy, nổ mùa hanh khô, an ninh trật tự dịp Tết Nguyên đán 2024. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, Công an thành phố đã yêu cầu chỉ huy các đơn vị cần chủ động kiểm tra, khắc phục tồn tại trong đó bảo đảm không có ngoại lệ trong xử lý các vi phạm. Đây là điều được quán triệt kỹ tới các đơn vị, đặc biệt ở cơ sở để hạn chế tối đa nguy cơ cháy nổ. Dự báo tình hình cháy nổ có diễn biến phức tạp, ngoài việc tổ chức các phương án thực tập sát thực tế, các lực lượng cần quyết liệt triển khai đồng bộ biện pháp, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân đối với công tác phòng cháy, chữa cháy để qua đó giảm số vụ cháy và thiệt hại về người, tài sản do cháy, nổ gây ra. Đồng thời, Công an thành phố thường xuyên phối hợp cùng các địa phương, các đơn vị tổ chức và thực hiện các phương án diễn tập bên cạnh ứng trực sẵn sàng xử lý sự cố hỏa hoạn xảy ra.

Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến:
Tăng cường kiểm tra chỉ rõ tồn tại để khắc phục

dinh-khuyen.jpg

Công tác phòng ngừa cháy, nổ luôn được cấp ủy, chính quyền quận Tây Hồ quan tâm đặc biệt. Thời gian qua, quận Tây Hồ đã chỉ đạo các lực lượng tổ chức diễn tập phương án chữa cháy, tìm kiếm cứu nạn tại theo từng địa bàn, khu dân cư để qua đó tuyên truyền nâng cao ý thức người dân, thực hiện hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”. Theo thống kê, địa bàn quận có hơn 1.100 nhà cho thuê trọ, bao gồm 19 chung cư mini. UBND quận Tây Hồ đã xây dựng kế hoạch và tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành để tổng kiểm tra việc thực hiện chấp hành pháp luật đối với loại hình nhà ở nhiều căn hộ, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ trên địa bàn, việc rà soát đã hoàn thành vào tháng 9-2023. Đối với nhà ở nhiều căn hộ, các lực lượng của quận đã phối hợp rà soát, kiểm tra chỉ rõ tồn tại, khuyến cáo người dân trang bị phương tiện và đặc biệt là làm việc với chủ đầu tư để đưa ra giải pháp khắc phục sớm nhất nhằm bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy cho người dân.

Trưởng ban An toàn Công ty cổ phần Phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ Nguyễn Văn Hiếu:
Thường xuyên tập huấn nâng cao kỹ năng phòng cháy, chữa cháy

van-hieu.jpg

Với đặc thù, quy mô hoạt động của các cơ sở bên trong, Cụm công nghiệp vừa và nhỏ Phú Thị được huyện Gia Lâm xác định là khu vực trọng điểm về kinh tế đồng thời cũng là khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao. Từ quá trình hình thành đến nay, tại cụm công nghiệp này cũng đã xảy ra một số vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng. Do vậy, tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy tại cụm công nghiệp là hết sức cần thiết. Trong năm qua, cơ sở được UBND huyện Gia Lâm lựa chọn diễn tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, huy động nhiều lực lượng tham gia nhằm thể hiện vai trò của công tác phòng cháy, chữa cháy tại cơ sở này với tổng diện tích mặt bằng hơn 6.000m2… Hiện tại, cơ sở được trang bị các bình chữa cháy xách tay, xe đẩy, hệ thống họng nước chữa cháy trong và ngoài nhà, đèn chỉ dẫn thoát nạn, đèn chiếu sáng sự cố. Lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở cũng thường xuyên được tập huấn nâng cao và nắm vững các kỹ năng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.

Dương Hiệp ghi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nêu cao vai trò người đứng đầu trong phòng cháy, chữa cháy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.