(HNM) - Đầu tháng 12, 52 nghệ nhân hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể (DSVH PVT) trên địa bàn TP Hà Nội đã được Hội đồng thẩm định của thành phố đề nghị Bộ VH-TT&DL xét tặng danh hiệu
Như vậy, Hà Nội cùng nhiều địa phương khác trong cả nước sắp có lớp nghệ nhân (NN) đầu tiên được Nhà nước ghi nhận, tôn vinh; tạo điều kiện cho các NN yên tâm cống hiến tâm huyết, tài năng cho việc gìn giữ, trao truyền DSVH PVT…
Nghệ nhân ca trù Phạm Thị Huệ (phải) được đề cử danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. |
Tạo điều kiện cho nghệ nhân gắn bó với di sản
Theo nội dung Nghị định 62/2014/NĐ-CP về xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân (NNND), NNƯT trong lĩnh vực DSVH PVT, có hiệu lực từ ngày 7-8-2014, cùng với danh hiệu và tiền thưởng, các NN sẽ được tạo điều kiện thuận lợi để hoàn thiện tri thức và kỹ năng, giúp các NN có thể truyền dạy, phổ biến tri thức và kỹ năng đó cho cộng đồng. Đối với những NN có thu nhập thấp, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn sẽ được hưởng trợ cấp hằng tháng. Đó là sự đãi ngộ xứng đáng bởi từ trước đến nay, các NN dân gian được ví như những "báu vật nhân văn sống" hầu như chưa nhận được sự quan tâm chính thức nào của Nhà nước cả về vật chất lẫn tinh thần. Một số loại hình DSVH PVT vì thế mà đứng trước nguy cơ mai một hoặc biến mất.
Với những quyền lợi và trách nhiệm rõ ràng như trên, quy trình đề nghị xét tặng danh hiệu NNƯT lần thứ nhất đòi hỏi phải được tiến hành công khai, minh bạch, chặt chẽ để có thể chọn ra những người tiêu biểu nhất, xứng đáng nhất. Trên tinh thần đó, từ tháng 9 đến nay, Sở VH-TT&DL Hà Nội đã phối hợp với phòng VH-TT các quận, huyện, thị xã tuyên truyền, giới thiệu công khai nội dung của nghị định và các hướng dẫn liên quan qua nhiều kênh khác nhau, giúp NN nắm bắt được và lập hồ sơ đề nghị xem xét. Trong quá trình làm hồ sơ, các NN tuổi cao, sức yếu hoặc không lưu giữ được nhiều tư liệu để chứng minh quá trình hoạt động và truyền dạy DSVH PVT được cán bộ ngành văn hóa hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ. Sau khi hoàn thiện hồ sơ, thành tích của các NN được cộng đồng xác minh, chính quyền sở tại xác nhận.
Có thể nói, với 52 NN của Hà Nội được đề nghị xét tặng danh hiệu NNƯT trong đợt này là những người có nhiều đóng góp cho việc gìn giữ, trao truyền di sản. Tiêu biểu như NN ca trù Vũ Văn Cốm, sinh năm 1925 (phường Mỹ Đình II, quận Nam Từ Liêm) với 69 năm theo nghề và có 100 học trò qua sự dạy bảo, rèn rũa của ông trở thành những ca nương, kép đàn được nhiều người yêu mến; là nghệ nhân ca trù Nguyễn Thị Khướu, sinh năm 1928 (xã Văn Nhân, Phú Xuyên) với 76 năm thực hành di sản và nỗ lực truyền dạy cho 40 học trò khi tuổi đã cao; là nghệ nhân hát dô Nguyễn Thị Lan, sinh năm 1956 (xã Liệp Tuyết, Quốc Oai) mạnh dạn bước qua lời nguyền khôi phục điệu hát dô đứng trước nguy cơ biến mất và dày công truyền dạy cho 560 học trò… Cùng với NN gạo cội, lớp trẻ có nhiều thành tích, đủ số năm thực hành, trao truyền di sản cũng được TP Hà Nội đề nghị xem xét. Đó là chị Lê Thị Hân (sinh năm 1981) ở xã Đại Thịnh (Mê Linh) từng được Bằng công nhận Nghệ nhân dân gian của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, huy chương vàng, bạc tại các Liên hoan ca trù toàn quốc; chị Nguyễn Thị Tuyết (sinh năm 1982) ở phường Bồ Đề (Long Biên) với 16 năm đeo đuổi các làn điệu hát văn, có công dẫn dắt, truyền đạt cho 200 học trò… Ngoài ra, những cái tên quen thuộc với công chúng như NN Phạm Thị Huệ (CLB Ca trù Hà Nội); NN Lê Đình Nghiên chuyên làm tranh dân gian Hàng Trống… được đánh giá là "ứng cử viên" sáng giá…
Như vậy, những NN của Hà Nội được đề nghị xét tặng danh hiệu NNƯT lần thứ nhất đều là những người có tài năng, cống hiến cho cộng đồng, có đủ số năm thực hành, trao truyền DSVH PVT, chứ không phải là những nghệ sĩ chuyên nghiệp. Sự băn khoăn của công chúng trước việc những người không lưu giữ đủ thông tin, tư liệu, không có nhiều giải thưởng nhưng có sự cống hiến rõ ràng sẽ không đủ điều kiện để xem xét công nhận danh hiệu NNƯT cũng đã được Hà Nội giải quyết một cách thấu đáo.
Bức tranh di sản sẽ tươi sáng hơn
Thực tế cho thấy, từ trước đến nay, lớp NN gạo cội vẫn hằng ngày, hàng giờ gìn giữ, trao truyền DSVH PVT bằng sự nhiệt huyết và đam mê, bằng trách nhiệm với cộng đồng. Nhờ đó, nước ta mới có di sản cồng chiêng Tây Nguyên, nhã nhạc cung đình Huế, ca trù, quan họ, ví giặm, hội Gióng… được UNESCO tôn vinh. Thế nhưng, thực tế cũng cho thấy, mối lo đối với tương lai của di sản khi thiếu đi lớp người kế cận chưa bao giờ vơi đi.
Chủ nhiệm CLB Hát Dô, xã Liệp Tuyết (Quốc Oai) Nguyễn Thị Lan cho biết: "Không có chế độ đãi ngộ, bao nhiêu năm nay chúng tôi vẫn truyền dạy và thực hành di sản với tất cả tình yêu và trách nhiệm. Nhưng nếu được Nhà nước quan tâm cả về vật chất và tinh thần, tôi chắc chắn hiệu quả truyền dạy sẽ cao hơn, lớp trẻ sẽ có niềm tin vào tương lai để theo học". Tương tự, NN cồng chiêng Bùi Bích Thìn (thôn Đồng Dâu, xã Tiến Xuân, Thạch Thất) cho rằng: "Nhờ những nỗ lực không mệt mỏi của những người yêu nghệ thuật, cồng chiêng dần dần trở lại với người Mường. CLB cồng chiêng Đồng Dâu của chúng tôi nay đã có những cháu 13-14 tuổi theo học, có cháu 16 tuổi đã biết chơi chiêng. Dịp này, chúng tôi thành lập "CLB cồng chiêng và hát múa dân gian của người Mường" và nhận được sự tham gia nhiệt tình của cộng đồng người Mường. Cứ đà này, tôi tin di sản sẽ từng bước sống lại trong đời sống sinh hoạt của cộng đồng".
NN Lê Đình Nghiên, trú ở phố Cửa Đông, Hoàn Kiếm (gia đình duy nhất còn theo nghề làm tranh dân gian Hàng Trống) khẳng định, nếu Nhà nước có sự quan tâm xứng đáng thì không riêng gì tranh Hàng Trống mà nhiều loại hình DSVH PVT khác sẽ có cơ hội hồi sinh mạnh mẽ.
Chưa bao giờ công chúng ngừng đặt niềm tin vào tương lai tươi sáng của các DSVH PVT. Với sự quan tâm của Nhà nước, chắc chắn rằng các NN sẽ tiếp tục nỗ lực cống hiến hết mình cho việc giữ gìn, trao truyền DS và tình yêu văn hóa truyền thống sẽ bùng lên mạnh mẽ trong thế hệ trẻ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.