Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghệ nhân ưu tú Thanh Tâm: Giọng ca Huế mẫu mực, truyền cảm

Mai Đình| 24/12/2022 06:00

(HNMCT) - Nghệ nhân ưu tú Thanh Tâm năm nay đã 77 tuổi nhưng vẫn nhanh nhẹn, đặc biệt là giọng hát còn vang vọng. Mới đây, bà ra Hà Nội tham gia chương trình âm nhạc nhân Ngày Di sản văn hóa Việt Nam do Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội tổ chức. Với bà, điều hạnh phúc là được hát, mang tinh hoa văn hóa dân tộc đến với muôn phương.

- Thưa Nghệ nhân ưu tú Thanh Tâm, đây là lần đầu tiên tôi được nghe bà ca trực tiếp. Mỗi lần nghe “Tương tư”, “Hò mái nhì” lại thấy chất Huế đang hiện diện, vừa gần lại vừa xa?

- Lần này ra Thủ đô, tôi đã hát những làn điệu cổ như “Tương tư”, “Hò mái nhì - Nam Bình”... Nếu như “Hò mái nhì” đưa người nghe trở về với khung cảnh đối đáp trên sông Hương vào ban đêm, chỉ riêng Huế mới có thì “Nam Bình” du dương, man mác khi nói về mối tình giữa công chúa Huyền Trân và vua Chế Mân. Trong lần biểu diễn này, phần trình bày của tôi được lồng thêm nhạc đệm violon, cello nên có cả cái xưa, cái mới. Đối với tôi, được lên sân khấu là sung sướng rồi. Tôi chỉ cầu xin tổ nghiệp cho mình sức khỏe, cho tôi được hát, được làm nghệ thuật đến hơi thở cuối cùng thôi.

- Đêm nhạc “Xưa và Mới” của nhóm Đông Kinh cổ nhạc nhân Ngày Di sản văn hóa Việt Nam mới đây là sự hội ngộ của các nghệ sĩ đã từng gặp nhau tại Pháp cách đây 27 năm để quảng bá âm nhạc cổ truyền Việt Nam?

- Cách đây 27 năm, tôi được mời sang Pháp biểu diễn và quảng bá âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Trước đó, theo lời mời của Giáo sư Tôn Thất Tiết, tôi đã thể hiện bài “Tương tư” để đưa vào phim. Lúc ấy anh Trần Thảo là con ông Trần Kích mới giới thiệu tôi cho nhạc sĩ Tôn Thất Tiết. Tôi hỏi anh Trần Thảo: “Chứ răng lại giới thiệu tôi?”. Anh nói: “Tôi thấy chị ca hay nhất”. Từ đó, năm nào ông ấy cũng mời tôi và còn nhờ tìm người cũng có khả năng hát như tôi.

- Ngày xưa bà học ca Huế như thế nào?

- Người hát phải là người am hiểu ca Huế và nhã nhạc cung đình. Năm 12 tuổi tôi đã vào nhóm nhạc cung đình, vừa ca, vừa múa, vừa hát cho đến bây giờ. Vốn cổ tôi vẫn giữ. Cha mẹ tôi là nghệ sĩ, đi biểu diễn ở đâu cũng đưa tôi theo. Ông là Phan Hữu Lễ, một kép hát rất giỏi, từng đóng nhiều vai, đánh trống giỏi. Từ nhỏ tôi đã là một “kép con”, đóng hoàng tử, công chúa..., vùa múa, vừa hát. Hồi đó nghèo lắm, tất cả đều học qua truyền khẩu, tự mò mẫm. Tôi học từ cha mình và các thầy trong Đại Nội, học tuồng, học múa, ca Huế... Hễ có thời gian thì tôi lại học đàn. Có những lúc gia đình gặp nhiều khó khăn, tôi từng nghỉ hát để buôn bán, rồi làm bưng bê ở các quán ăn hay đám cưới. Nhưng rồi khi nghe người ta hát, mình lại nhớ nghề. Thế là tôi lên hát, được dăm ba chục nghìn. Dần dần, tôi thành lập một đội nhỏ cùng đi hát với nhau. Nhiều khi đi hát cũng không có tiền đâu.

- Theo bà, một người có thể học hết các làn điệu ca Huế hay không?

- Nếu cố gắng thì học được. Bây giờ các em học không hết đâu. Tôi học từ năm 12 tuổi, đến 40 tuổi mới hết. Nhưng để trở nên điêu luyện, thành thục thì phải dần dần, cố gắng tìm tòi, học hỏi thêm, chữ nào của thầy hay thì mình phải học lấy. Còn về luyến láy, ngân nga trong ca Huế thì phải có đam mê, chịu rèn luyện. Tôi mê lắm, nhịn đói được chứ không nhịn hát. Khi nấu ăn tôi cũng hát, đạp xe đạp, tập thể dục cũng hát.

- Hiện nay, theo quan sát của bà thì việc bảo tồn ca Huế đang được thực hiện ra sao?

- Tại Huế, nhã nhạc cung đình cũng như các làn điệu ca Huế nói riêng, dân ca nói chung đang được ưu tiên bảo tồn. Theo thời gian, bất cứ loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian nào cũng sẽ bị “hao mòn”. Có những người trẻ học chưa đến nơi nên chưa hiểu hết và cũng chưa hát đúng từng thể loại dân ca. Bảo tồn song hành cùng khai thác giá trị di sản. Nhờ khách du lịch mà ca Huế được biết đến nhiều hơn, nhưng cũng phải tính đến chuyện âm nhạc bác học có thể bị "bình dân hóa" qua những màn diễn vội vã phục vụ khách du lịch. Tôi cho rằng ca Huế ở một tầm cao hơn - thâm thúy, bác học, còn dân ca thì gần gũi. Ca Huế cũng đòi hỏi ở người nghe khả năng hiểu, cách cảm nhất định.

Ca Huế đòi hỏi sự đồng điệu giữa người ca và người thưởng thức, một chữ thôi mà người ta ngân nga tưởng như không dứt, càng nghe càng thấm. Nhưng ca Huế là thể loại âm nhạc bác học, người ca phải hiểu thấu đáo từng làn điệu, ngữ cảnh trong từng bài hát. Nếu các em không cố gắng học và dành thời gian để học thì sẽ không thể hát như các bà ngày xưa được. Ca Huế là bác học, là nhập hồn, tức là có chiều sâu tâm hồn nhập vào đó thì mới hát nên lời ca. Nó đâu như tân nhạc, chỉ tập một thời gian ngắn là hát được.

- Trân trọng cảm ơn Nghệ nhân ưu tú Thanh Tâm!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghệ nhân ưu tú Thanh Tâm: Giọng ca Huế mẫu mực, truyền cảm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.