Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tìm lời giải mới cho “bài toán” cũ

Thống Nhất| 26/04/2018 06:48

(HNM) - Nhằm tạo ra “sản phẩm” đạt chuẩn, TP Hà Nội đang nỗ lực huy động nguồn lực để xây dựng môi trường dạy và học tốt nhất.

Tuy nhiên, thực tế tại các quận, huyện, thị xã cho thấy, nhiều đơn vị đang đứng trước mối lo thiếu đất và kinh phí. Để đạt mục tiêu đề ra, theo chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý, việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia cần có sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở.

Vẫn là bài toán cũ

Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, thành phố hiện có 62% trường học công lập đạt chuẩn quốc gia, trong đó, cấp tiểu học có tỷ lệ trường đạt chuẩn cao nhất với 70,4%, xếp vị trí thứ hai là cấp THCS - 68,4%. Mầm non là cấp học đứng vị trí “đội sổ” trong các cấp học với gần 51% trường đạt chuẩn quốc gia.

Một lớp thuộc Trường Mầm non Thọ Xuân - một trong 43 trường đạt chuẩn quốc gia của huyện Đan Phượng.


Đáng chú ý, giữa các địa bàn còn có sự chênh lệch khá lớn về tỷ lệ trường đạt chuẩn. Trong khi các đơn vị như Bắc Từ Liêm, Long Biên, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Đan Phượng có tỷ lệ trường đạt chuẩn chiếm hơn 80% trong tổng số trường trên địa bàn thì một số đơn vị lại có tỷ lệ trường chuẩn khá thấp như Phú Xuyên - 35%, Ba Vì - 39%, Mỹ Đức - 49%.

“Mẫu số chung” khiến công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia chưa đạt tiến độ tại khu vực nội thành là thiếu đất, tại khu vực ngoại thành thì chủ yếu là do thiếu kinh phí. Hai năm gần đây, mỗi năm huyện Mỹ Đức dành gần chục tỷ đồng để đầu tư cơ sở vật chất cho các trường học theo các tiêu chí của trường chuẩn quốc gia, nhưng vẫn không xuể bởi toàn huyện có tới gần 80 trường học, nhiều trường được xây dựng từ khá lâu, cơ sở vật chất đã xuống cấp.

Đơn cử, riêng Trường Tiểu học Phù Lưu Tế hiện còn thiếu trang thiết bị và cần cải tạo nhiều hạng mục cơ sở vật chất với tổng kinh phí gần chục tỷ đồng. Ngoài ra, huyện này cũng đối mặt với khó khăn về nguồn lực khi còn tới 13 trường chuẩn quốc gia đã quá thời hạn 5 năm, nay cần được đầu tư, thẩm định để công nhận lại. Một số huyện như Phú Xuyên, Ba Vì, Thanh Oai... cũng trong tình trạng tương tự khi nguồn lực địa phương hạn hẹp mà nhu cầu đầu tư của các nhà trường ngày càng lớn.

Ba Đình là đơn vị duy nhất trong số 12 quận nằm trong danh sách có tỷ lệ trường đạt chuẩn thấp nhất thành phố. Phó Chủ tịch UBND quận Nguyễn Quang Trung cho biết, nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng nói trên là diện tích đất hạn hẹp trong khi quy mô học sinh trong những năm gần đây không ngừng gia tăng, hầu hết các trường học trên địa bàn đều đối mặt với tình trạng quá tải. Trường THCS Nguyễn Tri Phương là một ví dụ: Mặc dù vừa được công nhận đạt chuẩn quốc gia vào năm học 2015-2016 nhưng tới năm học tiếp theo đơn vị này đã “vỡ chuẩn” bởi sĩ số học sinh vượt quá quy định.

Nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị


Thực tế cho thấy, việc tháo gỡ khó khăn trong công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia hiện nay đòi hỏi sự chung tay của nhiều phía. Ông Bùi Thanh Sơn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ứng Hòa cho rằng, một trong những khó khăn tại nhiều huyện hiện nay là nguồn lực của địa phương hạn chế, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, khó có thể kêu gọi xã hội hóa để đầu tư xây dựng trường chuẩn. Trong khi đó, việc giải quyết vướng mắc về kinh phí, đất đai... đều nằm ngoài khả năng của ngành Giáo dục.

Còn tại huyện Mê Linh, nguồn kinh phí dành cho giáo dục trong 5 năm qua của huyện lên tới hơn 1 nghìn tỷ đồng, song tỷ lệ trường đạt chuẩn của huyện vẫn thấp hơn tỷ lệ trung bình của thành phố. Lý do là quy mô giáo dục lớn, nhiều trường được xây dựng từ lâu, số hạng mục cần đầu tư nhiều, trong khi đó nguồn kinh phí chủ yếu trông chờ vào ngân sách, việc huy động xã hội hóa là bất khả thi.

Tại hội nghị giao ban về công tác xây dựng trường chuẩn diễn ra ngày 5-4, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý nhấn mạnh: "Việc xây dựng trường chuẩn quốc gia cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở. Các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã phải xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, có giải pháp cụ thể, hiệu quả từng năm, ưu tiên quan tâm đến các điều kiện về cơ sở vật chất, cân đối nguồn lực theo phân cấp, rà soát quỹ đất cho giáo dục để hoàn thành và phấn đấu vượt chỉ tiêu 70% số trường học đạt chuẩn vào năm 2020. Các đơn vị phải xây dựng chi tiết danh mục trường cần xây dựng mới, xây dựng lại; xác định cụ thể lộ trình xây dựng theo từng tiêu chí và kế hoạch bố trí vốn để triển khai tại mỗi trường, tránh đầu tư dàn trải”.

Nhằm tháo gỡ khó khăn về quỹ đất, kinh phí của các đơn vị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý chỉ đạo các sở, ngành liên quan xem xét, cân đối nguồn lực, đề xuất UBND thành phố hỗ trợ kinh phí cho một số huyện khó khăn như Mỹ Đức, Phú Xuyên, Ba Vì; phân công các sở, ngành rà soát quy hoạch trường học tại khu vực nội thành, bảo đảm quỹ đất, diện tích theo quy định để đạt mục tiêu xây dựng trường chuẩn quốc gia đến năm 2020.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tìm lời giải mới cho “bài toán” cũ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.