Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thủ tướng Nhật Bản thăm Canada và Mỹ: Khẳng định tầm nhìn chung

Quỳnh Dương| 14/01/2023 07:03

(HNM) - Ngay sau khi kết thúc chuyến thăm châu Âu, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã lên đường sang Canada và Mỹ. Thông qua chuyến đi lần này, Nhật Bản muốn khẳng định tầm nhìn chung với các đồng minh về tình hình thế giới hiện tại và nền kinh tế đang phải đối mặt nguy cơ suy thoái. Chuyến đi này cũng làm rõ hơn chính sách đối ngoại của Nhật Bản khi đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7).

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida (bên phải) và Thủ tướng Canada đã bàn thảo nhiều vấn đề nhằm tăng cường quan hệ đồng minh.

Tại chặng dừng chân ở Canada, Thủ tướng Fumio Kishida và Thủ tướng nước chủ nhà Justin Trudeau đã thảo luận về các ưu tiên của Nhật Bản trong nhiệm kỳ chủ tịch G7 năm nay, trong đó tiếp tục hợp tác về các giá trị chung của hai nước, bao gồm tầm nhìn về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở; tăng cường hơn nữa hoạt động thương mại, đầu tư và đổi mới để phát triển nền kinh tế, mang lại lợi ích cho người dân ở cả hai nước. Các cuộc thảo luận cũng hướng tới giải pháp để Canada và Nhật Bản có thể thực hiện các ưu tiên chung trong nhiều vấn đề...

Trong 3 thập kỷ qua, các doanh nghiệp Canada đã để lỡ nhiều cơ hội đầu tư vào Nhật Bản. Dù dân số Nhật Bản đang già đi với tốc độ nhanh nhất thế giới, nhưng nước này vẫn là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới và nắm giữ nguồn vốn dồi dào. Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã giúp thúc đẩy xuất khẩu của Canada sang Nhật Bản, đặc biệt là các sản phẩm thịt lợn và hạt cải dầu. Năm 2021, tổng giá trị hàng hóa của Canada xuất sang Nhật Bản đạt 14,5 tỷ CAD (tương đương 10,8 tỷ USD), trong khi giá trị nhập khẩu từ Nhật Bản là 15,5 tỷ CAD. Các sản phẩm nông nghiệp, năng lượng, khoáng sản và lâm sản nằm trong số các mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Canada sang Nhật Bản. Hai nước sẽ khai thác tối đa tiềm năng hợp tác để nâng kim ngạch trao đổi thương mại song phương, qua đó thắt chặt mối quan hệ chiến lược.

Trong khi đó, chuyến thăm Mỹ bắt đầu từ ngày 13-1 của ông F.Kishida được xem là nhằm củng cố sức mạnh của liên minh Nhật - Mỹ và khẳng định cách hai nước có thể hợp tác chặt chẽ hơn sau khi Tokyo đề ra chiến lược an ninh và quốc phòng mới. Để đáp ứng các mục tiêu được đưa ra trong chiến lược an ninh, quốc phòng mới, Nhật Bản đang xem xét mua khoảng 500 tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ cho đến năm tài chính 2027. Vì thế, chương trình nghị sự cuộc gặp giữa Thủ tướng F.Kishida và Tổng thống Mỹ Joe Biden được xây dựng dựa trên sự mở rộng hợp tác từ an ninh và quốc phòng, biến đổi khí hậu đến các công nghệ quan trọng, thúc đẩy một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Ngay trước thềm chuyến thăm của Thủ tướng F.Kishida, Nhật Bản và Mỹ đã nhất trí cam kết tăng cường năng lực răn đe và mở rộng phạm vi của hiệp ước an ninh song phương sang lĩnh vực không gian nhằm đối phó với các thách thức an ninh nghiêm trọng mà hai nước đang phải đối mặt. Theo đó, các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng của hai nước đã thống nhất có thể sẽ kích hoạt Điều 5 của Hiệp ước An ninh Nhật - Mỹ, điều khoản phòng thủ chung của hiệp ước trong trường hợp có các cuộc tấn công từ hoặc trong không gian. Tokyo đồng ý để Mỹ triển khai một đơn vị thủy quân lục chiến cơ động mới tại đảo Okinawa, miền Nam Nhật Bản.

Có thể thấy rằng, năm 2023 là một năm rất quan trọng đối với Nhật Bản khi giữ vai trò là Chủ tịch G7 và bắt đầu nhiệm kỳ của Ủy viên Không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Chuyến thăm các nước đồng minh, đặc biệt là Mỹ, cho thấy Thủ tướng F.Kishida luôn đề cao mối quan hệ với các thành viên G7, đồng thời có thể giúp Nhật Bản, trong vai trò nước chủ nhà, đạt được sự đồng thuận cao về các nội dung bàn thảo tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 sẽ diễn ra vào tháng 5 tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng Nhật Bản thăm Canada và Mỹ: Khẳng định tầm nhìn chung

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.