Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Sẽ mời Chủ tịch tỉnh lên nhận dân về giải quyết khiếu nại

Bảo Hân| 28/12/2017 17:12

(HNMO) - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến người dân ở nhiều địa phương kéo về các cơ quan Trung ương để khiếu nại là do lãnh đạo chính quyền địa phương không chịu đối thoại với dân.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị trực tuyến. Ảnh: VGP/Quang Hiếu


Những khiếu nại của người dân chủ yếu về đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng nhưng lãnh đạo chính quyền địa phương đã phó mặc không giải quyết mà đẩy lên Trung ương.

"Chính quyền các cấp, nhất là cấp xã, huyện, tỉnh phải bố trí cán bộ làm việc này. Năm nay Chính phủ sẽ thực hiện chủ trương, ở nơi nào dân kéo lên Hà Nội thì sẽ mời Chủ tịch tỉnh lên nhận dân về giải quyết”.

Thủ tướng Chính phủ cũng một lần nữa quán triệt các bí thư, chủ tịch và lãnh đạo các địa phương không biếu xén quà Tết cho lãnh đạo Trung ương. "Chống tham nhũng phải từ địa phương, từ cơ sở trở đi mới chuyển biến được" - Thủ tướng Chính phủ khẳng định.

Trước đó, cũng trong chiều cùng ngày, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, năm 2017, toàn ngành đã triển khai hơn 7.500 cuộc thanh tra hành chính và 237.000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm về kinh tế trên 67.000 tỷ đồng, 17.500 ha đất, đã kiến nghị thu hồi hơn 43.000 tỷ đồng, 4.900 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý trên 24.000 tỷ đồng, 12.645 ha đất; ban hành 148.062 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền trên 2.900 tỷ dồng; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 2.093 tập thể và cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 114 vụ việc, 192 đối tượng; chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực.

Các cơ quan hành chính nhà nước các cấp cũng đã tiếp 415.383 lượt công dân với 310.633 vụ việc, có trên 5.600 đoàn đông người. Thông qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho nhà nước và trả lại cho công dân 173 tỷ đồng, 36 ha đất; trả lại quyền lợi cho 2.437 người, kiến nghị xử lý hành chính 333 người (đã xử lý 216 người).

Về giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp kéo dài, các cơ quan hành chính nhà nước đã cơ bản hoàn thành việc xem xét, giải quyết 528 vụ việc; đồng thời tiếp tục kiểm tra, rà soát, giải quyết 533 vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp; có 451 vụ việc đủ điều kiện ban hành thông báo chấm dứt thụ lý (85%), đã ban hành 263 thông báo chấm dứt.

Trên cơ sở phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, Thanh tra Chính phủ đã lập danh sách 463 vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đang tiếp tục phân loại, xác định rõ thẩm quyền để tham mưu Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết dứt điểm.


Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái báo cáo tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương. Ảnh: VGP/Quang Hiếu


Trong công tác phòng chống tham nhũng, ngành đã tiến hành 2.532 cuộc kiểm tra việc thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn, phát hiện 111 vụ việc và 54 người vi phạm; xử lý kỷ luật 18 người, kiến nghị thu hồi và bồi thường 34,6 tỷ đồng (đã thu hồi 27,8 tỷ đồng, đạt 80,3%)

Trong năm 2017, số người đã kê khai tài sản, thu nhập là trên 1,1 triệu người (tăng 10,8% so với năm 2016), đạt tỷ lệ 99,8% so với số người phải kê khai. Có 78 người được xác minh tài sản thu nhập. Qua việc xác minh tài sản, thu nhập của cơ quan có thẩm quyền, phát hiện và xử lý 5 trường hợp vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập.

Qua kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức tại 4.321 cơ quan, tổ chức, đơn vị đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các sai phạm, trong đó số cán bộ, công chức vi phạm bị xử lý là 188 người.

Ngoài ra, 20 người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng, trong đó 2 người đã bị xử lý hình sự, 14 người bị xử lý kỷ luật bằng các hình thức như cảnh cáo, khiển trách. Các trường hợp còn lại đang trong quá trình xử lý.

Nhận xét về công tác phòng, chống tham nhũng trong năm qua, Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng, tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng, phức tạp, tinh vi, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; quản lý sử dụng đất đai; quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản và đầu tư công.

Trên cơ sở đó, ngành đã đề ra một số nhiệm vụ cho năm 2018, trong đó có tăng cường phát hiện tham nhũng qua hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tập trung vào các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao; phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để xử lý các hành vi tham nhũng, chú trọng xử lý người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng; thu hồi triệt để tài sản tham nhũng được phát hiện qua hoạt động của ngành thanh tra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Sẽ mời Chủ tịch tỉnh lên nhận dân về giải quyết khiếu nại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.