Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng tự chủ, tăng chất lượng

Đình Hiệp| 23/09/2018 06:29

(HNM) - Tự chủ tài chính bệnh viện là một xu thế tất yếu trong quá trình phát triển của ngành Y tế để phù hợp với cơ chế thị trường.


Đến nay, toàn TP Hà Nội đã có 18 bệnh viện công lập được trao quyền tự chủ bảo đảm chi phí hoạt động. Rõ ràng khi được trao quyền "tự thu, tự chi”, các bệnh viện đã chủ động trong sử dụng nguồn lực tài chính để thực hiện nhiệm vụ được giao và phân bổ nguồn lực đó theo nhu cầu trên tinh thần tiết kiệm, thiết thực, hiệu quả.

Không chỉ vậy, cơ chế tự chủ còn làm tăng tính chủ động sáng tạo và ý thức tự giác, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động của các đơn vị. Qua đó, người bệnh cũng được tiếp cận với hệ thống dịch vụ y tế đa dạng, chất lượng hơn; các thủ tục hành chính cũng như việc tiếp đón người bệnh thuận lợi, nhanh chóng, chu đáo hơn.

Bên cạnh những thuận lợi, việc phải rời "bầu sữa" ngân sách, “tự bơi” trong cơ chế thị trường cũng làm cho các bệnh viện gặp không ít khó khăn, thách thức. Cùng với đó là những bất cập về cơ chế quản lý, bộ máy, biên chế... do chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết, đồng bộ, dẫn đến tình trạng thiếu nhân lực đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh; hoặc khó có chính sách thu hút bác sĩ giỏi về làm việc.

Không còn nhận ngân sách chi thường xuyên thì việc tăng nguồn thu cho các bệnh viện công lập của Hà Nội trong giai đoạn hiện nay không đơn giản. Do nguồn kinh phí hoạt động của các bệnh viện chủ yếu phụ thuộc vào thu dịch vụ khám, chữa bệnh, bảo hiểm y tế, nên khó khăn trong thanh toán tiền khám, chữa bệnh từ nguồn Quỹ Bảo hiểm y tế là nguyên nhân quan trọng khiến việc thực hiện tự chủ tài chính tại các bệnh viện công lập hiện nay của Hà Nội chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Ở chiều ngược lại, cũng có tình trạng bệnh viện "tận thu", như tăng số giường bệnh, chỉ định dịch vụ không cần thiết...

Thực tế ở những bệnh viện đã thực hiện tự chủ thành công cho thấy, đơn vị tự chủ càng cao về tài chính thì sẽ càng có điều kiện để tự chủ cao trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự. Theo lộ trình đến năm 2020, các bệnh viện công lập của TP Hà Nội sẽ thực hiện tự chủ tài chính, trừ 5 bệnh viện chuyên khoa đặc thù. Như vậy, muốn có nguồn lực tài chính mạnh thì các bệnh viện phải thu hút được người bệnh bằng cách nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, thay đổi thái độ phục vụ...

Nói cách khác, lãnh đạo bệnh viện, nhân viên y tế phải thay đổi suy nghĩ, phải coi người bệnh là “khách hàng”, bởi nếu phục vụ không tốt bệnh nhân sẽ tìm đến các bệnh viện khác. Đây là nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài của các bệnh viện công lập nói chung, ngành Y tế Thủ đô nói riêng.

Để có thể đứng vững khi tự chủ tài chính, các bệnh viện phải phát triển bền vững trong thế “kiềng ba chân”. Đó là phát triển chuyên môn kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Tiếp đó là không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ và chất lượng khám, chữa bệnh, tạo sự an tâm cho người bệnh. Đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa, liên doanh, liên kết để tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng tăng của người dân.

Đứng trên thế "kiềng ba chân", các bệnh viện không chỉ vững vàng khi tự chủ, mà còn từng bước cạnh tranh bình đẳng về chất lượng khám, chữa bệnh, hướng tới mục tiêu quan trọng là vì sự hài lòng của người bệnh. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng tự chủ, tăng chất lượng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.