(HNM) - Tình trạng buông lỏng quản lý tại Trung tâm Nghiên cứu bò và Đồng cỏ Ba Vì (huyện Ba Vì) dẫn đến việc tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất đã diễn ra từ lâu. Thế nhưng, vụ việc không được xử lý kiên quyết đã gây bức xúc trong cán bộ, nhân viên của Trung tâm.
Khu đất trồng cỏ nuôi bò nằm ven đường 87, thôn Việt Long, xã Tản Lĩnh “biến” thành dãy nhà. |
Buông lỏng kéo dài
Được thành lập từ năm 1989, Trung tâm Nghiên cứu bò và Đồng cỏ Ba Vì hiện đang quản lý, sử dụng 664,334ha đất nằm trên địa bàn các xã Vân Hòa, Tản Lĩnh (Ba Vì) và Xuân Khanh (thị xã Sơn Tây). Ngoài việc quản lý, sử dụng đất theo chức năng, nhiệm vụ: Làm chuồng trại thực nghiệm, vườn cây, đồng cỏ…, Trung tâm còn giao khoán đất đến hộ gia đình là cán bộ, nhân viên để trồng cây, cấy lúa, nuôi bò, thả cá...
Tuy nhiên, việc giao đất đến hộ có sự chênh lệch khó hiểu. Đơn cử, Trung tâm đã giao khoán 1,5ha đất thuộc đội 3 cho ông Tăng Xuân Lưu - Đội trưởng đội 3 và ông Nguyễn Viết Cần. Năm 2002, sau khi nhận được đơn phản ánh của cán bộ, nhân viên Trung tâm, cơ quan Công an tỉnh Hà Tây (cũ) đã kiểm tra, rà soát và khẳng định việc giao đất “thiếu dân chủ và chưa hợp lý, vì 2 hộ này đã được giao rất nhiều đất khoán”. Trên cơ sở đó, Trung tâm đã tiến hành thu hồi lại số đất đã giao cho hộ gia đình ông Lưu và ông Cần.
Tuy nhiên, điều khó hiểu là, sau khi thu hồi đất của 2 hộ này, Trung tâm lại tiếp tục… giao trở lại cho hộ ông Cần 4.100m2 đất để nuôi bò, mặc dù trước đó, hộ ông Cần đã nhận được nhiều đất khoán. Ngoài ra, cơ quan Công an còn đề nghị thu hồi 2.000m2 đất do ông Tăng Xuân Lưu - Đội trưởng đội 3 đã tự ý giao khoán đất cho ông Lê Chí Thanh từ năm 1997… Từ sự việc trên, một số cán bộ, nhân viên đã có đơn đề nghị Trung tâm kiểm tra, làm rõ, nhưng nhiều năm qua vẫn chưa được trả lời.
Năm 2003, Trung tâm giao 1.340m2 đất thuộc địa bàn thôn Việt Long, xã Tản Lĩnh, cho gia đình ông Dương Quốc Bảo (ở xóm 3, Trung tâm Nghiên cứu bò và Đồng cỏ Ba Vì) với thời hạn 50 năm. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân địa phương, khu đất “vàng” này nằm ven trục đường 87, đã bị ông Bảo cắt thành nhiều lô để chuyển nhượng cho nhiều người và hiện nay, chủ các lô đất này đã xây nhà để ở.
Trong buổi làm việc với Báo Hànộimới, ông Tăng Xuân Lưu, nguyên Đội trưởng đội 3 nay là Giám đốc Trung tâm lý giải: “Trung tâm giao đất cho gia đình ông Bảo để trồng cỏ, nuôi bò. Nhưng ông Bảo đã tự ý chuyển nhượng khu đất này cho các hộ khác. Việc chuyển nhượng do các hộ tự làm, không báo cáo, nên Trung tâm không nắm rõ. Ngày 22-7-2016, Trung tâm đã kiểm tra, lập biên bản xác định được trường hợp gia đình ông Nguyễn Mạnh Tường (ở thôn Việt Long, xã Tản Lĩnh) mua lại đất của ông Biên. Trong biên bản cũng không ghi rõ địa chỉ cụ thể đất của ông Biên ở đâu. Hiện trạng khi kiểm tra: Gia đình ông Tường đang xây nhà cấp 4, diện tích 75m2. Việc gia đình ông Tường tự ý xây dựng trên đất nông nghiệp là sai phạm. Trung tâm đã yêu cầu gia đình ông Tường “chấm dứt mọi công việc xây dựng, giữ nguyên hiện trạng”.
Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế, phóng viên nhận thấy công trình vi phạm của ông Tường đã được hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Trả lời về câu hỏi “Tại sao Trung tâm không có biện pháp kiểm tra, phát hiện sớm và xử lý dứt điểm vi phạm tự ý chuyển mục đích sử dụng đất?”, Giám đốc Trung tâm thừa nhận: “Chỉ phát hiện và lập biên bản được một trường hợp, còn các trường hợp khác, Trung tâm không biết nên không có biên bản kiểm tra. Trung tâm đã mời gia đình ông Bảo và các hộ được nhận chuyển nhượng đất đến làm việc, nhưng các hộ đều không đến”. Sự việc cho thấy rõ sự tắc trách trong công tác quản lý của lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu bò và Đồng cỏ Ba Vì.
Giao đất cho người không có hộ khẩu?
Cũng do công tác quản lý không chặt chẽ, nên hiện nay, Trung tâm vẫn chưa giải quyết được tranh chấp hợp đồng giao đất giữa bà Nguyễn Kim Ân với bà Nguyễn Thị Oánh (tức Nguyễn Thị Oanh). Bà Nguyễn Kim Ân khẳng định: “Khoảng năm 1991, bà Nguyễn Thị Oanh lấy chồng và chuyển khẩu về quê chồng ở huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Bà Oanh không có hộ khẩu ở Trung tâm Nghiên cứu bò và Đồng cỏ Ba Vì, nên không thể có việc, năm 2004 bà Oanh được giao khoán đất ở đội 1. Riêng gia đình tôi xin được giao khoán đất để trồng cỏ nuôi bò, Trung tâm đã giao một lô 700m2 ở khu Khí tượng 3 và một lô 800m2 ở khu Đực giống - sân bóng, các khu đất giao khoán này đều thuộc đội 1, nằm trên địa bàn thôn Xuân Hòa, xã Vân Hòa”.
Về vấn đề này, lãnh đạo Trung tâm khẳng định bà Ân, bà Oánh đều được giao mỗi người một lô đất. Trung tâm đã đưa ra bản hợp đồng không số, ngày 10-12-2004, gồm 3 trang của bà Oánh, có nét chữ bị tẩy xóa, ghi đè ở dòng tên Nguyễn Thị Oánh ở trang 1, trang 2 của hợp đồng ghi là Nguyễn Kim Oánh, hợp đồng không đóng dấu giáp lai, chỉ đóng dấu đỏ ở trang 3. Trong khi các bản hợp đồng phô tô của bà Ân gửi kèm theo đơn tới các cơ quan chức năng đều có đóng dấu giáp lai. Theo quy định của Trung tâm, các hợp đồng đều được lập thành 4 bản, Trung tâm giữ 3 bản, người nhận giao đất giữ 1 bản. Tuy nhiên, khi đề nghị được “mục sở thị” các bản gốc hợp đồng giao đất của bà Ân, bà Oánh và sổ thống kê danh sách các hộ được giao khoán đất, thì lãnh đạo Trung tâm trả lời “không tìm thấy”.
Một điều khó hiểu là, khi bà Oanh làm đơn gửi Trung tâm để xin được xác nhận hai tên Nguyễn Thị Kim Oanh và Nguyễn Thị Oánh là một người, thì cán bộ Trại và lãnh đạo Trung tâm đều nhanh chóng xác nhận. Về việc này, ông Tăng Xuân Lưu thừa nhận “do sơ suất, nên đã xác nhận nhầm nội dung đơn của bà Oanh - tức Oánh, đề nghị”. Trong khi vụ việc tranh chấp hợp đồng giao đất đã được bà Ân nhiều lần gửi đơn đến Trung tâm, nhưng gần 2 năm qua, vẫn chưa được trả lời.
Những vi phạm trong quản lý, sử dụng đất tại Trung tâm Nghiên cứu bò và Đồng cỏ Ba Vì rất cần được cơ quan chức năng kiểm tra, làm rõ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.