(HNMO) - Đó là nội dung nêu trong Kế hoạch số 131/KH-UBND của UBND thành phố Hà Nội về khắc phục các hạn chế, khuyết điểm được chỉ ra sau Hội nghị kiểm điểm năm 2022 của Ban Cán sự đảng và tập thể lãnh đạo UBND thành phố về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Để khắc phục dứt điểm hạn chế, khuyết điểm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, kế hoạch nêu rõ 7 nhiệm vụ, giải pháp.
Theo đó, cùng với tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các văn bản chỉ đạo về công tác phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới, UBND thành phố chỉ rõ, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị; chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm toàn diện nếu để xảy ra tình trạng buông lỏng trong công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trên lĩnh vực, địa bàn quản lý của đơn vị hoặc để xảy ra cháy, nổ gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.
UBND thành phố cũng chỉ đạo các sở, ngành; UBND cấp huyện tham mưu hoàn thiện thể chế trong việc thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ của thành phố; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; đẩy mạnh công tác xây dựng phong trào toàn dân phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
Đáng chú ý, UBND thành phố giao thủ trưởng các đơn vị; chủ tịch UBND cấp huyện rà soát, thống kê, nắm chắc tình hình, thông tin về công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn, không bỏ trống, bỏ lọt địa bàn, cơ sở; tổ chức thanh tra, kiểm tra, phát hiện những sơ hở, tồn tại, thiếu sót, hướng dẫn khắc phục; xử lý vi phạm hành chính về công tác này, tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động theo quy định của pháp luật.
UBND cấp huyện trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn chủ động nghiên cứu tình hình thực tiễn về công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn; chỉ đạo, kiểm tra và tổ chức việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy; xử lý, đề xuất xử lý các hành vi vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy theo quy định; hướng dẫn, chỉ đạo tuyên truyền, giáo dục pháp luật, kiến thức về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho nhân dân, xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ…
UBND cấp xã trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn, chủ động nghiên cứu tình hình thực tiễn về công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn; chỉ đạo, kiểm tra và tổ chức việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng, nâng cao năng lực của lực lượng công an cấp xã; kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với khu dân cư, hộ gia đình, hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh và các cơ sở thuộc phạm vi quản lý; xử lý, đề xuất xử lý các hành vi vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy theo quy định…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.