Bạn đọc

Cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ: Cần giải quyết những tình huống phát sinh

Thiện Mỹ 25/04/2024 - 06:37

Nhằm bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người sử dụng đất, pháp luật quy định khá chi tiết các loại giấy tờ đủ điều kiện để cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ.

Song, thực tế vẫn có những tình huống người dân gặp khó khăn trong việc xin cấp phép xây dựng do liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quy hoạch... Đây là những tình huống phát sinh từ thực tiễn cần tháo gỡ, qua đó góp phần làm tốt hơn công tác quản lý trật tự xây dựng.

cap-phep-xay-dung.jpg
Khu vực dọc đê tả Đáy đoạn qua địa bàn phường Đồng Mai (quận Hà Đông) còn nhiều thửa đất chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên không được cấp phép xây dựng mới.

Một số vướng mắc thường gặp

Đê tả Đáy đoạn qua địa bàn phường Đồng Mai (quận Hà Đông) dù đã gần kín hết công trình nhà ở, nhưng tồn tại nhiều thửa đất chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Ông Nguyễn Văn H. ở tổ dân phố 6, phường Đồng Mai than thở: "Hầu hết thửa đất đều có nguồn gốc là đất thổ cư cha ông để lại, nhưng vì phải chịu hạn mức về đất thổ cư nên nhiều hộ chưa làm sổ đỏ".

Tuy nhiên, trên thực tế tại địa bàn phường Đồng Mai, phần đất ngoài hạn mức đất ở nhiều gia đình đã chia hết cho các con, đã xây dựng công trình và nhiều công trình đã xuống cấp nghiêm trọng, nhưng không được cấp phép xây dựng mới. Nếu làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất phần ngoài hạn mức đất ở thì người dân không có đủ chi phí do số tiền sử dụng đất phải nộp rất lớn. Dỡ nhà cũ xây mới thì sẽ vi phạm, mà không xây thì nơm nớp nỗi lo mất an toàn...

Thừa nhận thực tế, Phó Chủ tịch UBND phường Đồng Mai Đoàn Viết Tưởng cho biết, ngoài những hộ dân nêu trên, phường Đồng Mai còn khoảng 400 trường hợp giao đất trái thẩm quyền (trước ngày 15-10-1993), hiện cơ bản phù hợp quy hoạch đất ở, nhưng người dân không còn giữ được các loại giấy tờ từ ngày giao đất nên rất khó khăn trong làm thủ tục cấp phép xây dựng công trình mới. Chưa kể, một diện tích đất rất lớn dù người dân đã sinh sống, ăn ở ổn định, nhưng nay nằm trong quy hoạch hành lang thoát lũ sông Đáy (theo Quyết định số 1821/QĐ-TTg ngày 7-10-2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phòng, chống lũ và đê điều hệ thống sông Đáy) nên không được xây dựng công trình mới, chỉ được sửa chữa theo hiện trạng. Trong đó, riêng tổ dân phố 18 có gần 300 hộ nằm trọn trong hành lang thoát lũ, không được xây dựng công trình mới. Thực trạng này ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của người dân...

Cũng liên quan đến khó khăn trong cấp phép xây dựng, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Liệt (huyện Thanh Trì) Trịnh Quốc Thắng thông tin, trên địa bàn xã có 2 dạng vướng mắc liên quan đến cấp phép xây dựng. Đó là nhiều thửa đất có biến động về diện tích, hình thể trên thực tế khác so với hình thể trên sổ đỏ do người dân chưa thực hiện chỉnh lý biến động hoặc có sai sót trong đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Dạng khác phổ biến hơn là nhiều thửa đất dù ở trong khu dân cư cũ nhưng lại rơi vào quy hoạch mở những tuyến đường hoàn toàn mới, không phải mở rộng từ trục đường làng hiện có. Với trường hợp này, khi xin cấp phép xây dựng, cơ quan chức năng chỉ cấp phép phần không nằm trong quy hoạch; phần nằm trong quy hoạch không được cấp phép. Trong khi đó, quy hoạch này không biết bao giờ mới được triển khai...

Rà soát, tìm hướng tháo gỡ

Về những phát sinh từ thực tiễn trên địa bàn phường Đồng Mai, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Hà Đông Đào Quang Vinh Hiển cho biết, Điều 3 Nghị định số 53/2017/NĐ-CP ngày 8-5-2017 đã quy định rõ các loại giấy tờ hợp pháp về đất đai để được cấp phép xây dựng; mặt khác, pháp luật cũng đã quy định rõ về hạn mức đất thổ cư khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do đó, người dân phải thực hiện đúng các quy định hiện hành.

Còn với những trường hợp có nhà, công trình nằm trong hành lang thoát lũ sông Đáy, trước mắt, người dân chỉ được sửa chữa, cải tạo theo hiện trạng. Việc bị hạn chế trong xây dựng công trình ở khu vực hành lang thoát lũ sông Đáy, cử tri và các cấp chính quyền quận Hà Đông đã kiến nghị cấp thẩm quyền xem xét, nhưng đến nay chưa có thông tin mới.

Tương tự, với những thửa đất có hình thể thực tế không đúng với hồ sơ đất đai, theo đại diện Phòng Quản lý đô thị huyện Thanh Trì, người dân cần thực hiện các quy định về chỉnh lý, biến động hồ sơ đất đai trước khi xin cấp phép xây dựng. Còn với những thửa đất trong các ngõ xóm, khu dân cư cũ bị rơi vào quy hoạch mở đường, huyện Thanh Trì cũng đang đề nghị cấp thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch trong các ngõ, xóm để phù hợp hơn với thực tế vì dân cư đã ở ổn định nhiều đời...

Vấn đề nêu trên không chỉ diễn ra ở quận Hà Đông hay huyện Thanh Trì, mà là vướng mắc chung ở nhiều địa bàn, đặc biệt khu vực ngoại thành Hà Nội; cần rà soát, tìm hướng tháo gỡ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ: Cần giải quyết những tình huống phát sinh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.