(HNMO) - Sự việc một con chó Pitbull cắn người gây tử vong ở tỉnh Bình Dương lại gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác quản lý chó và vật nuôi ở các địa phương. Đây không phải vụ việc đầu tiên.
93 ca tử vong do bệnh dại
Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tại Quyết định số 2151/QĐ-TTg ngày 21-12-2021 phê duyệt "Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại giai đoạn 2022-2030", đã quy trách nhiệm chủ nuôi chó phải cam kết nuôi nhốt chó, mèo trong khuôn viên gia đình; nếu để chó, mèo thả rông cắn người thì phải chi trả những chi phí liên quan theo quy định. Chính quyền các cấp tổ chức quản lý, lập danh sách hộ nuôi chó hoặc sổ quản lý chó, mèo; cập nhật số liệu nuôi tại địa phương trên hệ thống báo cáo trực tuyến quản lý chó, mèo, áp dụng các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ vật nuôi... Tuy nhiên, việc này chưa được triển khai hiệu quả.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Đình Đảng cho biết, hiện Hà Nội có khoảng 438.000 con chó, mèo và tình trạng để chó thả rông ngoài đường, khu vực công cộng, công viên, trường học... vẫn còn. Đặc biệt, thời gian qua, xuất hiện trào lưu nuôi các giống chó dữ, to và cũng đã có những vụ chó tấn công người gây thương tích nặng, thậm chí tử vong.
“Chó thả rông gây nguy hiểm, vì đặc tính của loài chó là sẵn sàng tấn công người lạ khi bị tác động. Hơn nữa, để chó thả rông ảnh hưởng trực tiếp đến cảnh quan đô thị, môi trường, sinh hoạt, vui chơi của cộng đồng”, ông Nguyễn Đình Đảng nói.
Năm 2022, cả nước ghi nhận 70 ca tử vong do bệnh dại và 3 tháng đầu năm 2023 đã có 23 ca tử vong do bệnh dại; nguy cơ bệnh dại tiếp tục xảy ra và gây tử vong trên người là rất cao.
Riêng tại Hà Nội, theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, từ năm 2014 đến năm 2022, có 17 người chết vì bệnh dại. Ngoài ra, hằng năm, có hơn 10.000 người phải đi điều trị dự phòng bệnh dại do động vật cắn hoặc tiếp xúc với động vật nghi mắc dại (chủ yếu do chó cắn) và chi phí cho việc khám, chữa bệnh, điều trị dự phòng lên tới hơn 20 tỷ đồng.
Xử lý thật nghiêm chủ vật nuôi vi phạm
Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, công tác quản lý đàn chó tại một số địa phương còn lỏng lẻo; chưa thực hiện việc lập sổ theo dõi xuất, nhập chó, mèo tại các hộ chăn nuôi; chưa xử lý các vi phạm hành chính việc chó thả rông, làm ảnh hưởng đến môi trường, tấn công người nơi công cộng.
Trong những năm qua, đã có nhiều văn bản yêu cầu chấn chỉnh công tác quản lý đàn chó và phòng, chống bệnh dại. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có quy định nào áp dụng riêng với việc nuôi giống chó Pitbull, cũng như chế tài xử phạt chủ nuôi chó Pitbull cắn người bị thương hoặc dẫn tới tử vong. Trong khi đó, theo trang banpitbulls.org, đã có tới 35 quốc gia cấm nuôi chó Pitbull sau những hậu quả thảm khốc mà giống chó này gây ra...
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Đình Đảng cho biết, thành phố tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về những quy định của pháp luật khi nuôi chó. Cùng với đó, mở các lớp tập huấn, cải thiện trang thiết bị, bảo hộ lao động, tạo điều kiện tốt nhất để lực lượng tham gia bắt giữ chó thả rông hoạt động có hiệu quả.
Cũng theo ông Nguyễn Đình Đảng, các địa phương cần tổ chức rà soát, thống kê, cập nhật thông tin về đàn chó nuôi tối thiểu 2 lần/năm; đồng thời, xử lý thật nghiêm chủ vật nuôi vi phạm hành chính trong quản lý chó nuôi.
Còn theo Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long, các địa phương phải tổ chức rà soát, thống kê, quản lý đàn chó, giám sát chặt chẽ tình hình bệnh dại trên đàn chó, nâng cao trách nhiệm của người nuôi chó với cộng đồng; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về nuôi chó và tiêm phòng vắc xin dại cho chó nuôi. Mặt khác, khuyến khích cộng đồng dân cư tham gia giám sát, phát hiện và thông báo cho chính quyền cơ sở, cơ quan thú y và y tế về các trường hợp chó, động vật nghi mắc bệnh dại để kịp thời xử lý .
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.