Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sáng tạo với không gian của dó

Lê Dương| 28/10/2021 09:11

(HNMCT) - Lần đầu tiên ở Thủ đô có một không gian nghệ thuật để những người yêu tranh giấy dó đến chiêm ngưỡng, thưởng thức và sáng tạo bất cứ lúc nào. Đó là “Dó - Space” (không gian dó) ở số 51 phố Hoàng Ngân (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân). Đây cũng là kết quả sự hội ngộ ý tưởng của họa sĩ Vũ Thái Bình, kiến trúc sư Đoàn Văn Tuấn và Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng (giảng viên Đại học Conventry, Vương quốc Anh).

Không gian trưng bày tác phẩm tại “Dó - Space”.

Tại sao là giấy dó?

Vũ Thái Bình là họa sĩ hiếm hoi trung thành và đã thành công trên chất liệu giấy dó. Anh được chú ý từ năm 2016 với triển lãm cá nhân “Sắc dó 1” sau thời gian dài tìm tòi, trải nghiệm cùng chất liệu giấy dó và kỹ thuật vẽ màu nước chồng màu nhiều lớp. Tiếp đó là các triển lãm “Sắc dó 2” (năm 2018), “Sắc dó 3” (năm 2021) và nhiều triển lãm nhóm.

Theo họa sĩ Vũ Thái Bình, giấy dó là chất liệu rất tuyệt, không lẫn vào đâu so với các nước cũng dùng giấy được sản xuất thủ công. Giấy dó rất bền với thời tiết nóng ẩm của Việt Nam, xứng đáng được tôn vinh là một trong những chất liệu mang thông điệp nghệ thuật.

Trong quá trình chinh phục giấy dó, loại chất liệu này luôn mang đến cho anh sự bất ngờ thú vị. “Mặt dó không được sản xuất công nghiệp, sợi dó được seo bằng tay, vì vậy mỗi tờ giấy dó đều khác biệt. Mỗi ngày trôi qua, mỗi tác phẩm được tạo dựng đều đưa tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Đó là sự loang không kiểm soát của màu trên giấy dó khiến chúng có độ độc bản cao nhất. Khó khăn lớn nhất là không bao giờ có thể sửa lại được, bởi khi vẽ xuống là màu “cắn” chặt vào mặt giấy. Sự phóng khoáng của dó khiến tôi nương theo bản năng, muốn nói chuyện cùng sự vận động của tờ giấy, sáng tạo không ngừng với dó”, họa sĩ Vũ Thái Bình chia sẻ.

Không gian trưng bày tác phẩm tại “Dó - Space”.

Không gian của dó

Tháng 7-2021, “Dó - Space” đã tạo sự khác biệt vượt ra ngoài khuôn khổ một không gian triển lãm có giới hạn và thời gian quy ước, đúng như tên gọi là nơi hoàn toàn thuộc về dó. Trong quá trình tạo dựng không gian này, họa sĩ Vũ Thái Bình may mắn có sự giúp sức từ những người bạn. Nếu như Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng là người hỗ trợ mặt bằng thì kiến trúc sư Đoàn Văn Tuấn là người thiết kế, chỉ đạo thi công phần kiến trúc, xây dựng công trình, “biến hiện thực trong hội họa của Vũ Thái Bình thành giấc mơ kiến trúc của chính mình”.

Đến với “Dó - Space”, du khách sẽ thấy ấn tượng với phần xây dựng và kiến trúc. Ở đó, ô cửa lấy ánh sáng, hành lang, bố trí phòng, lối đi để lấy ánh sáng, nhiệt độ và gió tự nhiên theo tinh thần của dó, bền vững và tự nhiên như dó. Ánh sáng được thiết kế, điều tiết tương tự như cách họa sĩ Vũ Thái Bình sử dụng ánh sáng trong tranh giấy dó, dịu dịu, nhẹ nhẹ, không gắt, không chói, lại tận dụng được bóng đổ và hình khối cho không gian kiến trúc tại đây. Đặc biệt, quá trình đón gió vào không gian đã được thiết kế để tránh che ánh nắng, điều tiết sao cho vẫn giữ được giá trị kiến trúc song vẫn bảo vệ được tranh trước thời tiết khắc nghiệt với độ ẩm cao của miền Bắc.

Chia sẻ về ý tưởng thực hiện “Dó - Space”, họa sĩ Vũ Thái Bình cho biết: “Tôi muốn nó sẽ là trung tâm của tất cả sự giao lưu trong giới họa sĩ với nhau, của họa sĩ với những người quan tâm đến chất liệu giấy dó. Tôi đã tổ chức các workshop (hoạt động trao đổi kiến thức, kỹ năng) cho các bạn trẻ, những bạn học sinh nhỏ tuổi hiểu về giấy dó tại đây. Các bạn được trải nghiệm, được sống với những thứ mà tôi nghĩ chỉ có trên sách vở. Tôi muốn đây là trung tâm của chất liệu truyền thống. Tôi muốn lan tỏa nhiều nhất giá trị của dó, giá trị của truyền thống đến mọi người”.

Thông thường, để vẽ mỗi bức tranh giấy dó ở “Không gian dó”, họa sĩ Vũ Thái Bình phải miệt mài thể hiện trong khoảng từ 2 tuần đến 2 tháng. Điều đặc biệt là các bức tranh lại không có tên, bởi ngụ ý của anh là muốn hướng người xem tưởng tượng và tự sáng tạo, tự đặt tên cho những tác phẩm đó. Dễ nhận thấy, Vũ Thái Bình khai thác khá nhiều góc cạnh về mảng đề tài miền núi, về không gian xưa cũ của làng quê Việt và những con người có lẽ chưa một lần bước ra khỏi không gian ấy. Xem kỹ tranh, từng nét bút tạo đậm nhạt kiệm màu gần như đen trắng hoặc nâu trắng cho người xem cảm giác không hề đơn giản. Sự công phu ấy phải được luyện hằng ngày, không khô cứng mà đầy cảm xúc.

Là người mê tranh, bác sĩ Nguyễn Tuấn Anh (chủ một phòng khám Đông y trên phố Đội Cấn) nhận thấy tranh của họa sĩ Vũ Thái Bình mang triết lý phương Đông. Chỉ dùng cơ bản hai màu đen và trắng đại diện cho hai thế giới âm và dương, họa sĩ đã đem được sắc thái của cuộc sống vào trong tranh. Còn họa sĩ Cấn Mạnh Tưởng cho biết, “Không gian dó” của Vũ Thái Bình rất thân thiện, ấm cúng, dễ chia sẻ và cũng dễ hòa đồng với bất cứ ai đặt chân vào đây.

“Anh ấy muốn tạo dựng không gian để trải nghiệm về dó, cảm nhận về dó. Dó là chất liệu thuần Việt nhưng lại rất khó cho nhiều họa sĩ nếu muốn chinh phục nó. Bởi trên giấy dó có chỗ dó dày, dó mỏng, đó là chưa kể các chất xơ kéo các kiểu khác nhau làm độ thấm lan tỏa khác nhau. Để chinh phục nó cần có tính kiên trì, bền bỉ, chịu khó tìm tòi và họa sĩ Vũ Thái Bình là một trong số không nhiều người thành công”, họa sĩ Cấn Mạnh Tưởng nhấn mạnh.

Điểm hẹn của người yêu nghệ thuật Thủ đô

Với “Dó - Space”, họa sĩ Vũ Thái Bình mong muốn có một không gian thực và bền vững, trước mắt là để giới thiệu những tác phẩm mới của mình. Về lâu dài, anh kỳ vọng đây sẽ là nơi để người yêu tranh giấy dó có thể đến chiêm ngưỡng, thưởng thức và sáng tạo bất cứ thời điểm nào.

“Tôi muốn gửi gắm chất xúc tác ý niệm về nơi ở tới những người yêu mỹ thuật, về một chốn thanh bình giữa lòng Thủ đô cho những người ghé qua. Giữa cuộc sống còn nhiều bộn bề, âu lo, nhất là trong thời kỳ dịch Covid-19 như hiện nay thì hành trình sống an trú, ở yên trong cuộc sống của chính mình là điều nhiều người hướng đến. Trong tương lai, khi đại dịch lắng xuống, không gian này sẽ mở rộng hoạt động để góp phần kết nối đam mê và sáng tạo của cộng đồng yêu dó trong và ngoài nước”, họa sĩ nhấn mạnh.

Sau mấy tháng mở cửa, những người sáng tạo ra “Không gian dó” đã nhận được sự phản hồi hết sức tích cực. Đa phần người xem đều cho rằng không gian này có sự sang trọng, thư thái, đầy ắp những kỷ niệm của một thời đã qua.

Như chị Nguyễn Thị Huệ (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân) cảm nhận: “Tôi tìm đến “Không gian dó” với mong muốn tìm hiểu về kỹ thuật vẽ màu nước chồng màu nhiều lớp trên giấy dó. Đây quả là một chất liệu tuyệt vời, tinh tế, đậm chất truyền thống. Thiết nghĩ trong xã hội ngày càng phát triển, dó cần được gìn giữ và trân trọng. Những bức tranh đã mang lại ấn tượng sâu sắc, không chỉ về chất liệu mà còn là tài năng, là cái chất, cái tình của họa sĩ. Với sự sáng tạo và lao động miệt mài, họa sĩ đã thổi hồn cho giấy dó trở thành những tác phẩm hội họa đầy sức sống”.

Nhóm sáng tạo “Không gian dó” đang ấp ủ những dự định để những ai quan tâm đến chất liệu truyền thống, đến tranh giấy dó có được trải nghiệm nhiều hơn. Nếu đã từng đặt chân đến không gian này, người xem sẽ cảm nhận được sự tinh tế không chỉ từ những bức tranh giấy dó mà còn từ nét kiến trúc đặc biệt ở đây. Cũng bởi điều này, nơi đây hứa hẹn là điểm dừng chân thú vị của người dân Thủ đô trong những dịp cuối tuần.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sáng tạo với không gian của dó

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.