(HNM) - Cùng với các giải pháp toàn diện nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thành phố Hà Nội đã, đang và sẽ thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt chống tệ “tham nhũng vặt”.
Mô hình bộ phận “một cửa” với cách làm minh bạch, thông thoáng là một giải pháp hữu hiệu ngăn chặn “tham nhũng vặt”. Ảnh: Trần Long |
Nhiều giải pháp hiệu quả
Từng bị mang tiếng từ vụ vi phạm có biểu hiện “tham nhũng vặt” của một lao động hợp đồng tại UBND phường Văn Miếu khi giải quyết đăng ký khai tử cho công dân xảy ra vào giữa năm 2017, quận Đống Đa đã tập trung cải cách hành chính, trọng tâm là tăng cường kiểm tra, giám sát và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm việc tại bộ phận “một cửa”. Hơn một năm qua, quận đã kiểm tra 20 lượt đối với khối phường, qua kiểm tra đã yêu cầu 4 đơn vị và các cá nhân kiểm điểm, rút kinh nghiệm về công tác lãnh đạo, chỉ đạo liên quan.
“Tham nhũng vặt” là hành vi nhũng nhiễu, phiền hà để nhận hối lộ với số tiền nhỏ xảy ra ở nhiều lĩnh vực, thường xuyên nhất là trong giải quyết thủ tục hành chính; quản lý trật tự giao thông, đô thị; y tế; giáo dục... Rút kinh nghiệm từ vụ việc ở phường Văn Miếu (quận Đống Đa), nhằm ngăn ngừa “tham nhũng vặt”, nhiều quận, huyện, thị xã đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với bộ phận “một cửa”, đẩy mạnh việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân. Tiêu biểu, quận Nam Từ Liêm đã cung cấp giúp người dân kê khai thủ tục khai tử cho người thân qua mạng internet và rút ngắn thời gian giải quyết xuống còn 1-2 giờ/trường hợp.
Nhận thức sâu sắc nguy cơ lớn từ tệ “tham nhũng vặt”, từ nhiều năm nay, nhất là từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020 đến nay, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiều giải pháp tập trung phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các hành vi “tham nhũng vặt”. Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố đã yêu cầu tăng cường kiểm tra công vụ đột xuất không báo trước; đặc biệt kiểm tra các vấn đề liên quan đến việc tiếp công dân; xử lý và giải quyết đơn thư; tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp. Thành phố cũng đã thành lập đoàn thanh tra công vụ và ban hành kế hoạch thanh tra công vụ năm 2019.
Thành phố cũng đã chỉ đạo ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội. UBND thành phố chỉ đạo kiểm tra việc thực hiện quy tắc tại cơ quan, đơn vị, địa phương. HĐND thành phố tổ chức phiên giải trình về tình hình thực hiện quy tắc này. Hà Nội cũng đã đưa vào thực hiện hệ thống một cửa điện tử thành phố dùng chung 3 cấp để giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến các cấp. Đây là hệ thống phòng ngừa hiệu quả tệ “tham nhũng vặt” khi toàn bộ quy trình giải quyết từ cấp phường đến thành phố đều được công khai.
Không chỉ riêng cải cách hành chính, trên mỗi lĩnh vực, các cấp, ngành đều đã có những nỗ lực để đấu tranh, ngăn chặn “tham nhũng vặt”, trong đó có ngành Y tế thành phố. Theo Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền, nếu phát hiện đơn vị có tình trạng cán bộ y tế vòi vĩnh, nhũng nhiễu, hay bị người bệnh gửi đơn thư tố cáo sẽ bị trừ vào điểm đánh giá chất lượng... Sở Y tế còn đặt mục tiêu 100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được cập nhật, theo dõi tình hình thực hiện thông qua hệ thống thông tin một cửa điện tử thành phố ngay trong năm 2019.
Làm mạnh mẽ hơn nữa
Kết quả bước đầu chống “tham nhũng vặt” chưa làm các đồng chí lãnh đạo thành phố Hà Nội yên tâm. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải yêu cầu: “Lãnh đạo các phường, xã, thị trấn phải thường xuyên tự kiểm điểm xem có còn tình trạng người dân muốn làm thủ tục hành chính phải mất tiền mới được giải quyết hay không. Nếu còn, phải xử lý thật nghiêm”.
Thường trực Thành ủy Hà Nội chỉ đạo các cấp ủy Đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, giảm tối đa việc tiếp xúc trực tiếp giữa cá nhân, tổ chức với cán bộ, công chức trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính. Đồng thời, các cấp, ngành, trong đó nòng cốt là hệ thống tuyên giáo, các cơ quan báo chí chú trọng tuyên truyền, vận động để người dân đồng hành cùng thành phố phòng, chống “tham nhũng vặt”, từ bỏ thói quen thấy khó khăn, mất thời gian một chút đã tìm cách “bôi trơn”; xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh bằng đề cao tính trung thực, chấp hành nghiêm quy định pháp luật.
Đặc biệt hiện nay, Ban Nội chính Thành ủy đang xây dựng dự thảo Đề án riêng về phòng, chống “tham nhũng vặt” để tham mưu cho Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội lãnh đạo, chỉ đạo. Dự kiến trong năm 2019, đề án sẽ được xem xét để ban hành. Trưởng phòng Theo dõi công tác phòng, chống tham nhũng (Ban Nội chính Thành ủy) Nguyễn Hữu Bảo khẳng định, đây là giải pháp rất mới thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng bộ thành phố Hà Nội trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí nói chung và chống “tham nhũng vặt” nói riêng.
Việc ban hành Đề án riêng về chống “tham nhũng vặt” sẽ giúp Hà Nội có sự nhìn nhận, đánh giá tổng quát về vấn đề này, đồng thời đưa ra hệ thống các giải pháp đồng bộ, toàn diện. Dưới sự chỉ đạo thống nhất từ Thành ủy Hà Nội nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của nhân dân, nhiệm vụ phòng, chống “tham nhũng vặt” chắc chắn sẽ có bước chuyển trong thời gian tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.