Nghị quyết và Cuộc sống

Thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TƯ của Bộ Chính trị:Tạo sức mạnh, niềm tin cho hội viên nông dân

Bạch Thanh 28/04/2024 - 06:46

Ngày 20-12-2023, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 46-NQ/TƯ về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.

Trên cơ sở đó, ngày 13-3-2024, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình hành động số 31-CTr/TU, nhằm sớm đưa Nghị quyết số 46-NQ/TƯ vào cuộc sống, tạo sức mạnh, niềm tin cho hội viên nông dân, xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh. Đây là những nội dung hết sức quan trọng định hướng, dẫn dắt cho hoạt động công tác Hội và phong trào nông dân.

nong-dan.jpg
Cán bộ Hội Nông dân thành phố Hà Nội tham quan mô hình hoa, cây cảnh mang lại hiệu quả kinh tế cao tại xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm).

Đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới

Những năm qua, hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam và phong trào nông dân đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của nông dân. Tuy nhiên, hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam vẫn còn hạn chế, bất cập, chưa đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động và chưa khơi dậy được tiềm năng, sức sáng tạo của nông dân…

Trước thực trạng đó, ngày 20-12-2023, Bộ Chính trị đã ban ngành Nghị quyết số 46-NQ/TƯ về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới. Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành riêng một nghị quyết về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam.

Ngay sau khi Nghị quyết số 46-NQ/TƯ được ban hành, ngày 13-3-2024, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình hành động số 31-CTr/TU. Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội Phạm Hải Hoa cho biết, Chương trình hành động số 31-CTr/TU đã đề ra nhiều mục tiêu cụ thể.

Đó là, hằng năm kết nạp từ 9.000 hội viên nông dân mới trở lên; 100% cán bộ Hội Nông dân chuyên trách các cấp, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân được bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ. Đào tạo, bồi dưỡng nghề cho từ 10.000 hội viên nông dân, lao động nông thôn trở lên. Vận động từ 57.000 hội viên nông dân trở lên tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã; thành lập mới 145 tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và 7 hợp tác xã nông nghiệp.

Xây dựng mô hình điểm

Để đạt được các mục tiêu mà Chương trình hành động số 31-CTr/TU của Ban Thường vụ Thành ủy đề ra, Hội Nông dân thành phố Hà Nội đã xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, đồng bộ từ thành phố đến cơ sở.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng Thiều Văn Son, Nghị quyết số 46-NQ/TƯ của Bộ Chính trị là đường hướng quan trọng nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân và phong trào nông dân, thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển đúng hướng. Thời gian tới, Hội Nông dân huyện Đan Phượng tập trung đổi mới phương thức hoạt động, tạo điều kiện cho nông dân xây dựng các mô hình nông nghiệp bền vững, tích hợp đa giá trị, nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số...

Còn Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Xuyên Phạm Văn Hùng cho biết, để hoàn thành các mục tiêu đề ra, Hội Nông dân huyện Phú Xuyên chú trọng tổ chức các lớp tập huấn về khoa học, kỹ thuật, giúp nông dân áp dụng vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh, làm chủ khoa học, công nghệ; từng bước thay đổi thói quen, phương thức sản xuất, kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử.

Theo Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ ứng dụng công nghệ cao Cuối Quý (huyện Đan Phượng) Đặng Thị Cuối, Nghị quyết 46-NQ/TƯ đã bám sát thực tiễn đời sống nông thôn, bởi trong giai đoạn hiện nay, người nông dân đã có sự thay đổi, khác trước rất nhiều. Trên địa bàn nông thôn xuất hiện ngày càng nhiều nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi là giám đốc hợp tác xã, chủ trang trại… sản xuất quy mô lớn, doanh thu hàng chục, hàng trăm tỷ đồng. Việc đưa Nghị quyết vào cuộc sống sẽ góp phần tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận nông nghiệp xanh, hữu cơ một cách toàn diện trên tất cả các mặt từ hỗ trợ mô hình sản xuất, quảng bá xây dựng thương hiệu nông sản đến việc liên kết tiêu thụ… qua đó xây dựng lực lượng nông dân giàu mạnh.

Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội Phạm Hải Hoa cho biết, để hoàn thành tốt những mục tiêu đã đề ra trong Nghị quyết số 46-NQ/TƯ và Chương trình hành động số 31-CTr/TU, các cấp Hội phải đổi mới hơn nữa phương thức lãnh đạo, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của hội viên; thực hiện có hiệu quả các chương trình phối hợp giữa Hội Nông dân với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội.

Đặc biệt, Hội Nông dân thành phố chỉ đạo xây dựng mô hình điểm về thực hiện Nghị quyết, trên cơ sở đó rút kinh nghiệm, nhân rộng những mô hình, điển hình, cách làm hay, phù hợp, hiệu quả trong thực tiễn. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của các cấp Hội để kịp thời điều chỉnh chương trình, kế hoạch thực hiện cho phù hợp; đôn đốc, nhắc nhở, phê bình các tập thể, cá nhân thực hiện không hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TƯ của Bộ Chính trị: Tạo sức mạnh, niềm tin cho hội viên nông dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.