Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, kỳ họp thứ bảy là kỳ họp rất đặc biệt với Thủ đô Hà Nội khi Quốc hội dự kiến sẽ thông qua dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) và xem xét 2 quy hoạch lớn của Hà Nội.
Chiều 24-4, đại biểu Quốc hội Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cùng các đại biểu Quốc hội thuộc Đơn vị bầu cử số 10 đã tiếp xúc cử tri huyện Sóc Sơn trước kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.
Tham dự hội nghị có lãnh đạo các sở, ngành của thành phố, huyện Sóc Sơn và các cử tri trên địa bàn.
Kiến nghị của cử tri đã được quan tâm giải quyết
Mở đầu, hội nghị đã nghe đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí trình bày dự kiến chương trình kỳ họp thứ bảy; đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường trình bày báo cáo trả lời của các cơ quan chức năng đối với cử tri huyện Sóc Sơn tại các kỳ tiếp xúc cử tri trước.
Tại hội nghị, cử tri huyện Sóc Sơn đánh giá cao hoạt động của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã truyền tải các các ý kiến, kiến nghị của cử tri đến cơ quan chức năng quan tâm giải quyết. Bên cạnh đó, cử tri huyện Sóc Sơn cũng quan tâm, kiến nghị một số vấn đề về đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông; triển khai các quy hoạch; giải phóng mặt bằng các dự án; bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn huyện…
Cụ thể, cử tri Lê Văn Hưng (xã Nam Sơn) nêu thực trạng, việc cải tạo tuyến đường 35 nối liền quốc lộ 2 và quốc lộ 3 đã gần 10 năm chưa triển khai, trong khi tuyến đường này nhỏ hẹp, xuống cấp, lưu lượng phương tiện đông đã ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân và an toàn giao thông. Từ đó, cử tri kiến nghị thành phố quan tâm chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm thực hiện dự án này. Đồng thời, cử tri huyện Sóc Sơn cũng quan tâm đến chính sách hỗ trợ đền bù, chính sách và tiến độ dự án cải tạo quốc lộ 3 đi qua huyện.
Cử tri Nguyễn Văn Toàn cho biết, dự án trường đua ngựa tại huyện Sóc Sơn đã triển khai từ năm 2019 nhưng chưa thực hiện được, nhân dân mong muốn dự án sớm hoàn thành giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ dự án để tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đồng thời, cử tri cũng mong muốn sớm triển khai quy hoạch rừng phòng hộ Sóc Sơn.
Còn cử tri Nguyễn Thành Công (xã Mai Đình) cho biết, quyết định của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch sân bay Nội Bài đã được ban hành nhiều năm, tuy nhiên việc điều chỉnh quy hoạch kéo dài, ảnh hưởng đến cấp chứng nhận quyền sử dụng đất và các công trình xây dựng của người dân.
“Hiện có hơn 500 hộ gia đình có nhu cầu cấp chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng chưa thể thực hiện do vướng quy hoạch. Đề nghị các đại biểu Quốc hội có ý kiến với các cơ quan liên quan tham mưu Thủ tướng Chính phủ triển khai quyết định điều chỉnh, triển khai cắm mốc để bảo đảm quản lý quy hoạch và quyền lợi cho người dân”, cử tri nói.
Cử tri xã Nam Sơn cũng kiến nghị đẩy nhanh triển khai việc trồng cây xanh bảo đảm môi trường trong khu vực ảnh hưởng bán kính 500m và chính sách an sinh xã hội đối với người dân trong khu vực ảnh hưởng của Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn.
“Không được lợi dụng chính sách”
Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Đào Duy Phong đã thông tin về kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện Sóc Sơn. Theo đó, dự án nâng cấp cải tạo đường 35 đã được bố trí vốn giai đoạn 2021-2025, tổng kinh phí 110 tỷ đồng; dự án đang gặp khó khăn về giải phóng mặt bằng nên đang dừng thi công. Đối với dự án tuyến đường vào khu công nghiệp sạch Sóc Sơn, tổng kinh phí khoảng 205 tỷ đồng nhưng dự án này chưa khởi công. Đối với dự án đường kết nối khu đô thị vệ tinh Sóc Sơn với đường Võ Nguyên Giáp, huyện Sóc Sơn đang triển khai dự án này.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Thanh Nam cho biết, đối với những vấn đề ô nhiễm môi trường, những năm vừa qua, Chủ tịch UBND thành phố đã chỉ đạo quyết liệt, nhất là việc xây dựng các nhà máy đốt rác điện; các chính sách để hỗ trợ các vùng bị ảnh hưởng của bãi rác trên địa bàn huyện Sóc Sơn.
Thay mặt các đại biểu Quốc hội thuộc Đơn vị bầu cử số 10 và Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, đại biểu Quốc hội Trần Sỹ Thanh đã tiếp thu toàn bộ ý kiến, kiến nghị của cử tri huyện Sóc Sơn để chuyển tới các cơ quan liên quan giải quyết, trả lời cử tri theo thẩm quyền.
Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh cảm ơn cử tri đã chia sẻ, thông cảm, thấu hiểu hệ thống chính trị đã luôn nỗ lực để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh với nhiều kết quả toàn diện.
Làm rõ một số nội dung thuộc thẩm quyền thành phố, về vấn đề giao thông, Chủ tịch UBND thành phố cho biết đã chỉ đạo các đơn vị rà soát, báo cáo Thường trực Thành ủy để lập danh mục các dự cần đầu tư cho nhiệm kỳ mới về giao thông và đê điều. Trong đó, chú trọng giao thông đối ngoại cấp thành phố, giữa các huyện và các vùng. “Thành phố đi khảo sát cụ thể từng điểm chứ không chỉ lập danh sách trên bản đồ”, Chủ tịch UBND thành phố khẳng định.
Chủ tịch UBND thành phố khẳng định với cử tri, thành phố rất quan tâm tới việc xử lý rác thải, lắng nghe ý kiến cử tri để có quyết sách phù hợp. Với vùng bán kính 500m quanh khu xử lý rác thải Nam Sơn, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu, Sở Tài nguyên và Môi trường, huyện Sóc Sơn cần khẩn trương đẩy nhanh tiến độ; sớm triển khai thêm một nhà máy xử lý rác ở khu vực này.
Với ý kiến của cử tri điều chỉnh quy hoạch sân bay Nội Bài, Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường làm việc với huyện để rà soát lại các chủ trương, chính sách bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân.
“Cán bộ từ xã trở lên không được lợi dụng chính sách để làm không đúng. Không được làm ẩu, cố tình làm sai. Các dự án khác cũng phải nhất quán như vậy”, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho rằng, kỳ họp thứ bảy sắp tới là kỳ họp rất đặc biệt với Thủ đô Hà Nội khi Quốc hội dự kiến sẽ thông qua dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) với nhiều điều khoản quy định cụ thể, tạo ra nguồn lực, thẩm quyền để Thủ đô chủ động thực hiện các chức trách, nhiệm vụ được giao trong Hiến pháp. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng xem xét 2 quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
“Đây là những quy hoạch xương sống, tạo triết lý, quan điểm, định hướng, không gian phát triển cho Thủ đô trong thời gian tới”, Chủ tịch UBND thành phố nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.